Nghiên cứu khoa học - cơ sở bổ sung giống cây trồng mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/1/2024 | 7:40:23 AM

YênBái - Nhiều năm nay, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, đánh giá khả năng thích ứng của nhiều giống cây trồng mới, làm cơ sở khoa học để các địa phương có phương án nhân rộng trong tương lai.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu mô hình phát triển giống cam CT9 và CT36.
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu mô hình phát triển giống cam CT9 và CT36.

Từ vài héc - ta thử nghiệm thành công khi thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đến nay, huyện Mù Cang Chải đã nhân rộng 2 giống cây ăn quả ôn đới là hồng giòn không hạt Fuyu lê Đài Loan với tổng diện tích lên tới 100 ha; trong đó, hơn 80 ha lê được trồng mới theo dự án liên kết chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm. 

Với tiềm năng về khí hậu, khả năng mở rộng diện tích và thị trường còn nhiều tiềm năng, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "Đánh giá tính thích ứng của một số giống lê nhập nội có năng suất, chất lượng tốt tại địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải” nhằm xác định được bộ giống phù hợp, vừa bảo đảm thích ứng tốt với điều kiện địa phương vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng đó là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được mục tiêu tái cơ cấu cây trồng hiệu quả. Theo đó, nhiệm vụ đã đưa 3 giống lê nhập nội gồm: BV1, Hoành sơn, Mật tuyết vào trồng thử nghiệm cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến đối với giống lê VH6 đang được trồng ở huyện Mù Cang Chải. 

Thạc sĩ Quách Thị Thanh Hoa - Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Sau 3 năm triển khai đã cho thấy, giống lê Mật tuyết và Hoành sơn có khả năng sinh trưởng tốt hơn, được thể hiện ở các chỉ tiêu  như: tỷ lệ sống sau trồng đạt từ 94 -98%; chiều cao cây đạt từ 200,2 - 238,6 cm; đường kính tán đạt từ 225,6 - 255,4 cm; đường kính gốc đạt từ 3,0 - 3,6cm sau trồng 32 tháng. Cả 2 giống lê Hoành sơn và Mật tuyết đều đã ra hoa và cho quả bói, tín hiệu khá khả quan. Chúng tôi cũng đã xây dựng được biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, phù hợp với giống lê sẵn có trên địa bàn huyện Mù Cang Chải từ kỹ thuật sử dụng phân bón, tạo hình, cắt tỉa, độ ẩm đất, phòng trừ sâu bệnh… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”. 

Hay từ nhiệm vụ khoa học "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển giống cam CT9 và CT36 đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Trấn Yên và Lục Yên” cũng đã cung cấp cơ sở khoa học để bổ sung giống cam CT9, CT36 vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh nhằm đa dạng giống cây trồng, rải vụ thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế. Đây là 2 giống cam chín sớm (thời gian chín vào đầu tháng 9) - thời điểm trên thị trường chưa có nhiều cam; do vậy, giá bán sẽ cao hơn thời điểm chính vụ. Hơn nữa, việc hướng dẫn, xây dựng quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP từ nhiệm vụ không những tạo sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn nâng giá trị của sản phẩm cam. 

Là một trong những hộ tham gia nhiệm vụ, ông Mai Văn Tình, thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: "Gia đình tôi cũng đang trồng một số giống cây ăn quả có múi: cam, chanh, bưởi, song với hy vọng tìm được những giống cây phù hợp, cho năng suất tốt, hiệu quả cao, tôi đã đăng ký tham gia 3,5 ha trồng giống cam chín sớm này. Sau 30 tháng trồng, cây sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây trung bình đạt 1,5 mét, ra quả bói ở năm thứ 3 với tỷ lệ ra quả trung bình đạt 40%. Tham gia mô hình, tôi đã biết ứng dụng các kỹ thuật canh tác cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc bổ sung phân bón vi sinh theo hướng dẫn, giúp cây sinh trưởng tốt hơn, giảm tỷ lệ bệnh vàng lá”.

Ngoài ra, từ nhiệm vụ khoa học, các nhà nghiên cứu còn đánh giá khả năng thích ứng, kỹ thuật canh tác phù hợp của nhiều giống cây dược liệu mới khi trồng hàng hóa như: hà thủ ô đỏ, sâm cau, cát sâm…; các giống cây ăn quả: bơ, mận Úc, đào lòng vàng… và đưa ra các kiến nghị, đề xuất về khả năng nhân rộng phù hợp với từng vùng địa hình, khí hậu trong tỉnh. Đây chính là cơ sở thực tiễn, thiết thực để các địa phương tiến hành nhân rộng, từ đó, góp phần xây dựng mô hình sản xuất mới, cho năng suất, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.  

Hoài Anh

Tags Yên Bái nghiên cứu khoa học hồng giòn không hạt lê Đài Loan

Các tin khác
Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã được ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chú trọng triển khai công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng khoa học, kỹ thuật sâu rộng. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa mở ra hướng mới trong xử lý rác thải nhựa.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Bách khoa Rensselaer(RPI) ở New York, Mỹ vừa cho ra đời vi khuẩn mang tên Pseudomonas aeruginosa, có thể biến polyethylene trong nhiều mặt hàng nhựa sử dụng một lần thành loại tơ như tơ nhện có hàm lượng protein cao. Sản phẩm tơ sinh học này có thể ứng dụng trong dệt may, mỹ phẩm và thậm chí cả y học.

Tường chắn sóng di động sẽ được nâng lên để bảo vệ cảng khỏi sóng thần.

Các nhà khoa học Nhật Bản phát triển hệ thống gồm tường chắn sóng có thể dịch chuyển và turbine phát điện giúp bảo vệ bến cảng hiệu quả.

Bộ phát Wi-Fi 7 và công nghệ cấp nguồn qua Ethernet theo chuẩn 10 Gigabit mới đảm bảo tốc độ nhanh hơn gấp hai lần và tăng dung lượng cho các giải pháp bảo mật tích hợp có dây và không dây của Fortinet.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục