Kỹ thuật làm mạ và phòng chống rét cho mạ vụ xuân 2024 trên địa bàn Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/2/2024 | 1:56:52 PM

YênBái - Theo dự báo thời tiết, vụ đông xuân năm 2023 - 2024 sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại trong nhiều ngày liên tiếp, tập trung ở thời điểm tháng 1 và tháng 2 năm 2024.

Nhiều thời điểm nhiệt độ xuống dưới 12 - 13oC cùng với gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh, thiếu ánh sáng mặt trời, ẩm độ không khí cao. Để giúp nông dân chủ động phòng, chống rét cho mạ, đảm bảo có đủ mạ cấy hết diện tích lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật làm mạ và phòng chống rét cho mạ như sau:

1. Chọn giống: Cần lựa chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng tốt, mua tại các cơ sở bán giống tin cậy. Trong đó, lúa lai gồm: Nhị ưu 838, Thái xuyên 111, Phúc thái 168, QL301, TH 3- 4, Thụy hương 308, Nam ưu 209, MHC2, Việt lai 20, GS55, HKT99, Kim ưu 18,  Nghi hương 305, 27P53, CT16, LP1601, N.ưu 69, N.ưu 89. Lúa thuần gồm: Hương chiêm, Séng cù, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, VNR20, Dự hương 8, T10, HT1, Q5, Khang dân 18, TBR225, TBR89, TBR45, TBR1, Đông A 1, BC15, Hà phát 3, DQ11, QR1, Hương Bình, Bắc thơm kháng bạc lá, Bắc thơm 7, Bắc hương 9, ĐS1, J01, J02, TBJ3, Đại dương 2 (ĐD2), HD11, HDT10, nếp A sào, nếp 97, nếp 87, nếp hương, nếp địa phương.

2. Thời vụ: huyện Mù Cang Chải gieo mạ dày xúc có mái che nilon trà I (15% cơ cấu giống) gieo từ 7 - 10/12/2023; trà II (85% cơ cấu giống) gieo từ 22 - 27/12/2023. Đối với huyện Trạm Tấu, các xã vùng cao của huyện Văn Chấn và Văn Yên gieo mạ khay, mạ dày xúc có mái che nilon. Trà I (50% cơ cấu giống) gieo từ 05 - 10/01/2024; trà II (50% cơ cấu giống) gieo từ 10 - 19/1/2024. 

Đối với thị xã Nghĩa Lộ gieo mạ khay, mạ dày xúc có mái che nilon trà I (70% cơ cấu giống) gieo từ 1 - 15/1/2024; trà II (30% cơ cấu giống) gieo từ 25 - 30/1/2024. Đối với các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và các xã còn lại của huyện Văn Yên, Văn Chấn gieo mạ khay, mạ dày xúc có mái che nilon trà I (70% cơ cấu giống) gieo từ 4 - 13/1/2024; trà II (30% cơ cấu giống) gieo từ 15 - 25/1/2024.

* Lưu ý: Trên cơ sở khung lịch thời vụ nêu trên, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng lịch gieo cấy lúa vụ xuân 2024 cụ thể sát với thực tế của từng địa phương.

3. Chuẩn bị đất: Đối với mạ dược, chọn chân ruộng đất tốt, khuất gió, chủ động nước, cày bừa nhuyễn bùn, sạch cỏ dại và gốc rạ. Lên luống rộng 1,2 - 1,4 m, tạo mặt luống phẳng, rãnh luống rộng 30 cm. Bón phân lót với lượng: 8 - 10 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg super lân cho 10 m2 mặt luống. Đối với mạ khay, chọn chân ruộng cao hoặc khu đất mầu, đất vườn gần nơi lấy bùn và gần nguồn nước tưới. 

Rải một lớp bùn mỏng 1 - 2 cm, đặt các khay sát nhau và ngập 1/3 chiều cao các khay trong đất; lượng khay cần từ 28 - 32 khay/ sào, cần 5 - 6 m2 để đặt khay. Dùng bùn tốt, bùn nhuyễn, không lấy bùn ở nơi yếm khí, mỗi xô bùn trộn thêm 0,1 kg supe lân; rải bùn đầy các lỗ khay, không để bùn trào lên mặt lỗ để tránh các bầu mạ dính vào nhau.

4. Chuẩn bị giống trước khi gieo (lượng giống để cấy cho một sào): lúa thuần 1,5 - 2 kg; lúa lai 1 kg; phá vỡ trạng thái ngủ nghỉ của hạt bằng cách trước khi ngâm ủ nên phơi lại hạt giống dưới nắng nhẹ từ 1 - 2 giờ trên các dụng cụ như nong, nia...; xử lý hạt giống bằng nước ấm 54oC. Cách pha như sau: lấy 3 phần nước sôi pha đều với 2 phần nước lạnh; lượng nước ngâm thóc giống bằng 5 lần lượng hạt, ngâm trong vòng 15 phút. 

Kỹ thuật ngâm ủ: Đối với lúa lai thời gian ngâm nước từ 20 - 24 giờ; đối với lúa thuần thời gian ngâm nước từ 42 - 48 giờ; trong quá trình ngâm hạt cứ 6 - 8 tiếng tiến hành thay nước rửa chua 1 lần; khi thấy hạt thóc trương mọng nước thì tiến hành đãi sạch nước chua, để ráo nước rồi đem ủ; trong thời gian ủ cần giữ nhiệt độ từ  30 - 32oC, ẩm độ 85 - 90% (luôn duy trì bằng cách tưới bổ sung nước ấm); đối với mạ khay chỉ cần ủ hạt thóc nứt gai dứa thì đem gieo; đối với làm mạ dược, khi mầm dài bằng 1/2 hạt thóc, rễ dài bằng hạt thóc thì đem gieo.

* Lưu ý: Không ngâm ủ và gieo mạ vào những ngày có nhiệt độ dưới 15oC.

5. Gieo mạ: Nên chọn ngày thời tiết ấm, có nhiệt độ trên 15oC thì tiến hành gieo mạ; đối với mạ dược, lượng hạt giống cho 1 sào cần gieo từ 8 - 10 m2,  mặt luống nên chia mộng mạ làm 2 - 3 phần để gieo đi gieo lại cho đều; đối với mạ khay, chia hạt giống thành 2 lần gieo: lần 1 gieo 60 - 70% lượng hạt giống vào các khay; lần 2 gieo nốt lượng hạt giống bổ sung khắp mặt luống để đảm bảo lúa lai có từ 1 - 2 hạt/lỗ, lúa thuần có từ 2 - 3 hạt/lỗ; gieo xong dùng tay xoa nhẹ mặt khay để hạt chìm xuống các lỗ khay.

6. Phòng chống rét cho mạ: Sau khi gieo mạ xong, dùng tro bếp hoai mục rắc lên mặt luống mạ dày 0,5 - 1 cm để giữ ấm chân mạ (không dùng tro bếp mới đốt sẽ làm mạ chết xót); kết hợp dùng nilon màu trắng để làm mái che cho mạ; vật liệu làm giàn che bằng nứa chẻ thành thanh dài 2,5 m, bản rộng 2 - 3 cm; sau đó, cắm theo hình vòng cung ngang luống, chiều cao của vòm cách mặt luống 60 cm, cứ 40 - 50 cm cắm 1 thanh cắm cách mép luống 10 - 12 cm, phủ kín nilon và chèn bùn quanh mép luống để giữ nilon; trong những ngày nắng ấm cần mở 2 đầu nilon, tối che kín lại; trước khi cấy từ 2 - 3 ngày, ban ngày cần mở nilon để mạ thích nghi dần với điều kiện môi trường, tối che lại; giữ nước xăm xắp mặt ruộng hoặc đưa nước ngập 1/3 - 1/2 cây mạ, không để mạ bị khô hạn.

* Lưu ý: Tuyệt đối không được tưới, bón thúc phân đạm trước khi cấy và khi nhiệt độ xuống dưới 15oC; thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật cho mạ để phòng trừ tập đoàn rầy lây truyền bệnh virus trên cây lúa.

Xuân Nguyễn (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái)

Tags Kỹ thuật làm mạ phòng chống rét vụ xuân Yên Bái

Các tin khác
Thiết kế của siêu du thuyền M5.

Công ty Migaloo giới thiệu mẫu siêu du thuyền kiêm tàu lặn giúp cung cấp trải nghiệm đa dạng cho hành khách.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu mô hình phát triển giống cam CT9 và CT36.

Nhiều năm nay, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, đánh giá khả năng thích ứng của nhiều giống cây trồng mới, làm cơ sở khoa học để các địa phương có phương án nhân rộng trong tương lai.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã được ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chú trọng triển khai công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng khoa học, kỹ thuật sâu rộng. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa mở ra hướng mới trong xử lý rác thải nhựa.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Bách khoa Rensselaer(RPI) ở New York, Mỹ vừa cho ra đời vi khuẩn mang tên Pseudomonas aeruginosa, có thể biến polyethylene trong nhiều mặt hàng nhựa sử dụng một lần thành loại tơ như tơ nhện có hàm lượng protein cao. Sản phẩm tơ sinh học này có thể ứng dụng trong dệt may, mỹ phẩm và thậm chí cả y học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục