Chip Việt khẳng định hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/9/2009 | 12:00:00 AM

Ngày 22.9, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đã công bố các ứng dụng thành công của con chip VN8-01 do chính trung tâm thiết kế. Đây là thế hệ chip thứ hai ra lò từ ICDREC đã mang lại hiệu quả thiết thực trong nhiều lĩnh vực.

Đội ngũ kỹ sư thiết kế của ICDREC trong quá trình thiết kế chip VN8-01.
Đội ngũ kỹ sư thiết kế của ICDREC trong quá trình thiết kế chip VN8-01.

Liên tục ra lò các thế hệ chip mới

Chip đầu tiên được ICDREC công bố đầu tiên, vào tháng 1.2008, đặt nền móng cho ngành nghiên cứu thiết kế chip VN là SigmaK3, dựa trên công nghệ 0,25um, có thể ứng dụng cho các thiết bị điện tử dân dụng như máy lạnh, máy giặt, các thiết bị y tế, robot, quang báo (các bảng báo điện tử)...

Tháng 10.2008, UBND TPHCM phê duyệt dự án sản xuất thử nghiệm chip thương mại 8-bit SG-8V1. Mục tiêu đến năm 2010, chip SG-8V1 sẽ được sản xuất với số lượng 150.000 con, phục vụ thị trường nội địa trong các lĩnh vực thiết bị tự động nhỏ, thiết bị điều khiển trong nhà, thiết bị y tế đơn giản, thiết bị điện tử dân dụng... Tuy nhiên, giữa quá trình sản xuất SG-8V1, ICDREC đã cho ra đời chip VN8-01 kế thừa từ nền tảng SigmaK3, song có ứng dụng đa dạng hơn.

Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng-người được giao trọng trách GĐ ICDREC dẫn dắt hướng đi của trung tâm này-cho biết: "Con chip SigmaK3 có công nghệ thiết kế sản xuất bằng với thời điểm năm 1998 của thế giới (0,25um). Năm 2010, theo kế hoạch chip điều khiển 32-bit VN1632 ra đời sẽ đạt công nghệ 0,13um, tương đương với công nghệ chip năm 2002 của thế giới".

ICDREC đã có một hướng đi rõ ràng là đa dạng hoá các dòng chip từ nền tảng 8-bit đến 32-bit, từ chip điều khiển đến chip xử lý âm thanh, hình ảnh, ứng dụng cho máy tính, ĐTDĐ... ICDREC cũng vừa thiết kế xong và gửi ra nước ngoài sản xuất con chip LDO TH-7150 về quản lý năng lượng.

Hướng đi trong tương lai, ICDREC cũng đi vào nghiên cứu chip sinh học ứng dụng cho các lĩnh vực chẩn đoàn bệnh; phân tích trồng trọt, chăn nuôi, virus, vi khuẩn, dược phẩm; kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm; khai thác hầm mỏ v.v...

Ứng dụng chip SigmaK3 trong công nghệ robot.

Hiệu quả trong tầm tay

Đối tác của ICDREC, TCty Bảo đảm an toàn hàng hải II tại Vũng Tàu, thời gian qua đã ứng dụng thử nghiệm chip VN8-01. Con chip này đã được tích hợp vào hệ thống giám sát và kiểm soát bảo đảm hàng hải từ xa với vai trò bộ điều khiển trung tâm, kết hợp với định vị toàn cầu GPS thu thập, xử lý các thông số từ đèn hải đăng và hệ thống báo hiệu (phao) truyền về qua sóng ĐTDĐ GSM.

Tác dụng của chip khi cài đặt vào đèn hải đăng đã cho biết thông tin về thời gian, trạng thái hoạt động của đèn; kinh độ, vĩ độ... Đối với phao, khi cài đặt chip đã truyền tải các dữ liệu điện áp ắcquy, chu kỳ chớp tắt của đèn LED, báo trộm, sự va đập hoặc trôi dạt của phao nếu xảy ra...

Ông Nguyễn Văn Thuận-Phó TGĐ TCty Bảo đảm an toàn hàng hải II-cho biết, việc ứng dụng chip VN8-01 đã giúp công tác giám sát, kiểm tra hệ thống báo hiệu an toàn hàng hải được thường xuyên và liên tục.
 
Bình thường, với các công nghệ lâu nay vẫn dùng, TCty phải phân công lực lượng, dùng canô đi kiểm tra các điểm báo hiệu. Điều bất tiện là, những nơi xa, ở trên đảo vắng, khó có thể kiểm tra thường xuyên, cho nên không nắm được thông tin liên tục. Điều này dễ dẫn đến nguy hiểm đối với tàu thuyền khi xảy ra vấn đề gì đó không thể thông báo kịp.

Công nghệ chip VN8-01 khắc phục được tất cả nhược điểm trên nhờ sử dụng tín hiệu truyền qua sóng di động bao phủ toàn bộ 600 điểm báo hiệu Cty đang quản lý. Thậm chí có những trạm không cần người canh giữ nhưng thông tin vẫn được cập nhật thường xuyên theo sự cài đặt.

"Thay vì mua sắm hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của Mỹ giá khoảng 3.000USD lắp đặt cho mỗi điểm báo hiệu, thì việc ứng dụng chip VN8-01 chi phí chỉ bằng 2/3. Nhưng ý nghĩa lớn nhất, là chúng tôi chủ động quản lý và nắm bắt thông tin", ông Thuận nói.

Cũng theo ông Thuận, lưu lượng tàu thuyền từ Vũng Tàu vào TPHCM không ngừng gia tăng mạnh. Năm 2009 dự kiến có khoảng 25.000 lượt tàu ra vào, năm 2010 dự kiến tăng gấp bốn lần. Áp lực tàu thuyền ra vào gia tăng như thế, cần có công nghệ hiện đại đáp ứng, qua đó hiện đại hoá công tác quản lý.

- Ngày 22.9, ICDREC đã ký kết thoả thuận hợp tác với Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP). Sắp tới ICDREC sẽ đưa một số bộ phận chính của chip sản xuất tại SHTP. Còn hiện nay, thiết kế chip của ICDREC phải đưa ra nước ngoài chế tạo. Vì, đơn cử như chip VN8-01, nhà máy chế tạo tại Đài Loan phải đầu tư khoảng 1 tỉ USD.

- Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng cho biết, các con chip của ICDREC hiện đã có mặt trên hai sàn giao dịch chip lớn nhất thế giới, vừa rao bán vừa có tác dụng quảng bá. Tham vọng của ICDREC là hình thành thư viện lõi IP, và sẽ trở thành nhà cung cấp lõi IP cho các Cty sản xuất chip trên thế giới.

- Qua hợp tác quốc tế, ICDREC được Mentor Graphics và AMCC tài trợ phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch trị giá 20 triệu USD. ICDREC cũng là nơi đã quy tụ được một số trí thức Việt kiều đến làm việc, như GS.Đặng Lương Mô (Nhật), TS.Trần Thắng (Mỹ), ông Nguyễn Trọng Vũ (Mỹ)...

(Theo Lao Động)

Các tin khác

Ngày 15/9 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Tập đoàn bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT).

BkavPro 2009 Internet Security, phần mềm diệt virus và bảo vệ máy tính chuyên nghiệp trên môi trường mạng internet “made in Việt Nam” - do Trung tâm An ninh mạng Bkis phát triển - dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào cuối tháng 9.2009.

Từ cuối tháng 8/2009, chương trình Nhật Ký O2, phát sóng trên kênh truyền hình O2TV đã có thêm phần dẫn ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính. Đây là nỗ lực của O2TV với mong muốn truyền tải những thông tin hữu ích về sức khỏe và cuộc sống đến mọi đối tượng khán giả.

Ngày 1/9, công ty phần mềm Opera của Nauy đã chính thức ra mắt phiên bản trình duyệt web mới nhất của mình, Opera 10. Phiên bản này hứa hẹn tốc độ download nhanh hơn, sở hữu thiết kế và nhiều tính năng mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục