Nghị định mới về Internet: Quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/10/2011 | 2:10:13 PM

Đó vẫn là quan điểm xuyên suốt để triển khai xây dựng Nghị định mới về Internet. Quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển của Internet trong đời sống xã hội, quản lý là để phục vụ và thúc đẩy phát triển chứ không phải cấm đoán.

Sáng 25/10/2011 tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị tổng kết Nghị định 97/2008/NĐ-CP và triển khai xây dựng Nghị định mới về Internet. Tới dự có đại diện lãnh đạo Tp.HCM và nhiều ban ngành hữu quan, đại diện các Sở TT&TT cả nước, đại diện các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và dịch vụ trực tuyến. Thứ trưởng thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chủ trì hội nghị.

Sau 3 năm Nghị định 97/2008 đi vào cuộc sống, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet được cấp phép đã tăng hơn 5 lần (tương đương gần 100 doanh nghiệp), băng thông trong nước và quốc tế tăng 8-9 lần, Việt Nam được xếp vào 1/20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với mức tăng trưởng cao. Đặc biệt trong bối cảnh làm phát toàn cầu và suy thoái kinh tế, thì Viễn thông - CNTT ở Việt Nam vẫn thực hiện tốt vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, giá cước tiếp tục giảm đã góp phần ổn định kinh tế xã hội; đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm góp phần đảm bảo an toàn thông tin, giữ vững an ninh quốc gia.

Tuy nhiên Internet cũng không tránh khỏi quy luật 2 mặt đối lập, bên cạnh phần lớn lợi ích nó đem lại cho xã hội thì cũng phát sinh những bất cập do sự nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dùng về nó. Cùng với email lại có spam và virus, cũng như bên cạnh di động lại có tin nhắn rác vậy.

Cũng thế, game thì tốt khi nó rèn trí thông minh và giúp tăng tư duy sáng tạo và khả năng nhạy bén, nhưng tính gây nghiện của nó lại có hại cho sức khỏe và túi tiền người chơi; chưa nói đến những game có tính bạo lực, khiêu dâm, cờ bạc... thì còn ẩn họa khôn lường.

Việc phát triển mạng lưới các điểm dịch vụ công cộng và đại lý Internet có mặt tích cực là góp phần đưa dịch vụ này tới số đông người dân, song việc quản lý và giám sát ở một số nơi còn lỏng lẻo đã khiến gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống và học tập của các em lứa tuổi học sinh, thậm chí gây bức xúc trong xã hội...

Nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của Internet và những khó khăn và thách thức đặt ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành khác cùng nghiên cứu, xây dựng mô hình mới về quản lý Internet và nội dung thông tin trên mạng nhằm tiếp tục khuyến khích lĩnh vực này phát triển hơn nữa; đồng thời hạn chế các mặt tiêu cực, đáp ứng được các đòi hỏi cấp bách trong công tác quản lý Internet hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nêu rõ, trong mô hình quản lý mới mà Nghị định xây dựng sẽ huy động sức mạnh của toàn xã hội, từ cấp trung ương đến địa phương, các ban ngành đoàn thể cũng như doanh nghiệp để có được một hạ tầng dịch vụ Internet ngày càng phát triển bền vững với các nội dung lành mạnh, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Các ý kiến của đại biểu tham luận tại hội nghị đều nêu bật được những bất cập mà đơn vị họ đã và đang vướng mắc. Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet như VNPT, FPT, VNG... là vấn đề họ luôn tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước song rất cần sự tham gia, vào cuộc của các sở ngành và tổ chức đoàn thể ở địa phương, hay là còn tồn tại sân chơi bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ở Việt Nam; các Sở TT&TT địa phương thì mong được làm quy hoạch bài bản hệ thống các đại lý cung cấp dịch vụ, hiện đại và quy chuẩn, tập trung ở các khu vực ít ảnh hưởng tới lứa tuổi học sinh như khu thương mại, siêu thị, bên trong và xung quanh các trường ĐH-CĐ.

Đại diện Sở TT&TT Hà Nội còn mạnh dạn đề nghị không nên vội ra Nghị định khi nội dung còn chưa đầy đủ, khi các bộ ngành hữu quan còn chưa thống nhất hết với nhau những vấn đề đặt ra; thêm vào đó cần lấy thêm ý kiến đóng góp của toàn dân, mà Hà Nội sẵn sàng tổ chức hội thảo đóng góp và mời Bộ xuống nghe để nắm bắt thêm.

Về nội dung thông tin trên Internet mà đặc biệt là game, các đại biểu tham luận cũng chỉ rõ những bất cập mà có lẽ lâu nay không ít người vẫn còn chưa rõ, chẳng hạn như: vấn nạn nghiền game, bạo lực và khiêu dâm... đang xảy ra thì với hình thức offline mới là chính, có nghĩa là chỉ cần có máy tính và ra cửa hàng mua CD game về là xong. Mà để quản lý được hoạt động này thì đương nhiên phải nói tới chức năng liên ngành văn hóa, an ninh hoặc có biện pháp tăng cường quản lý đối với các đại lý kinh doanh dịch vụ, chứ nhà mạng Internet chỉ can thiệp được với game online mà thôi.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM chia sẻ, thực tế là cuộc sống của nhiều người đang trôi qua hàng ngày trên mạng, có một thế giới ảo quan trọng không kém thế giới thật, thế nhưng nó hầu như mới chỉ được ngành TT&TT quản lý, trong khi thế giới thật thì được cả xã hội quan tâm và chăm lo.

Ông Hà cho rằng nên soạn thảo Thông tư song song với Nghị định để khi được ban hành là pháp luật đi ngay vào cuộc sống; đồng thời mong muốn Bộ nên tiếp nhận đầy đủ và tiếp thu tối đa các góp ý và kiến nghị của địa phương trong quá trình xây dựng Nghị định mới. Theo ông Hà, cần tăng cường công tác tuyên truyền mặt tích cực của Internet, hướng dẫn người dân sử dụng Internet sạch và xóa bỏ định kiến coi nó là ngành nghề nhạy cảm mà đưa vào diện quản lý như quản lý karaoke.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh: Qua 14 năm xây dựng Internet đã có những bước phát triển nhanh chóng, tăng trưởng vượt bậc ở Việt Nam, từ chỗ là loại hình dịch vụ đắt đỏ đã trở thành bình dân với chi phí thấp, mật độ người dân sử dụng vào loại cao so với khu vực và thế giới.

Tuy chức năng quản lý nhà nước đã đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong hoạch định chính sách – thể hiện qua việc xây dựng và cập nhật được 3 lần Nghị định về Internet song theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, cũng không tránh khỏi còn những tồn tại và bất cập như về quản lý nội dung, quản lý cung cấp dịch vụ và ứng dụng trên mạng cũng nhưtại các điểm truy cập công cộng... và đó cũng chính là cơ sở để cần thiết phải sớm triển khai xây dựng Nghị định mới về Internet.

Thứ trưởng cũng khẳng định quan điểm xuyên suốt vẫn là quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển của Internet trong đời sống xã hội, quản lý là để phục vụ và thúc đẩy phát triển chứ không phải cấm đoán. Nghị định mới sẽ tiếp tục chú trọng đảm bảo an toàn an ninh thông tin để đáp ứng được yêu cầu quản lý quá nhiều vấn đề phát sinh, song sẽ cụ thể hóa bằng Thông tư để xử lý từng nhóm vấn đề lớn chứ một văn bản ko thể ôm hết được, không thể ra một“siêu Nghị định” được. Và lúc này sẽ rất cần tăng cường vai trò phối kết hợp của các ban ngành các cấp, đến từng cơ sở và địa phương trong triển khai, thực thi pháp luật.

Trước đó, chiều 24/10/2011, hội thảo chuyên đề về đại lý Internet và nội dung thông tin trên Internet đã diễn ra bên thềm hội nghị tổng kết Nghị định 97/2008, dưới sự chủ trì của Cục Viễn thông. Tham dự có nhiều ban ngành hữu quan, các Sở TT&TT, các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và dịch vụ trực tuyến và một số đại lý Internet trên địa bàn TP.HCM.

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Hãng GTX Corp chuyên phát triển các ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và công ty sản xuất giày Aetrex Worldwide cho biết đã hợp tác sản xuất “mẻ” giày có gắn thiết bị GPS đầu tiên (ảnh).

Theo kinh nghiệm của những tín đồ “nghiện” lướt net, những “dế”thông minh có tốc độ tải trang web nhanh hiện nay thuộc về các dòng máy iPhone, Android. Đặc biệt, hệ điều hành iOS của iPhone được đánh giá cao nhất về tốc độ lướt net ở thời điểm này.

Bộ TT-TT cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép Bộ TT-TT tiếp tục triển khai Dự án mở rộng nâng cao khả năng sử dụng máy tính và tiếp cận internet công cộng tại Việt Nam giai đoạn 2011-2016.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục