Xóm “bà tắc”
- Cập nhật: Thứ năm, 29/8/2013 | 2:48:17 PM
Tính tới giờ phút này, tôi đã rời cái xóm ấy một tháng rồi.
Một thời để nhớ.
|
Tôi không còn là học sinh nữa và cũng chuẩn bị trở thành sinh viên. Có lẽ vì thế mà tôi bị chúng nó tống ra khỏi xóm sao? Có lẽ nào lại như vậy. Đùa cho vui chứ và cũng để hoàn thành xong một cái mở bài. “Cười cho qua chuyện”. Oanh Pơ, nhớ câu này chứ hả?
Tôi rời đi là một chuyện đương nhiên, một sự kiện mà tôi vô cùng mong chờ trong suốt 3 năm cấp III. Nhưng đến lúc nó thành hiện thực thì tôi lại không muốn nữa. Đúng là kẻ tham lam, khó hiểu!
Xóm tôi có 9 người, một số mà tôi rất thích. Nhưng tôi lại chưa bao giờ cảm thấy thật sự thoải mái khi có từng ấy con người trong một diện tích chật hẹp (là cái xóm rất đỗi bé nhỏ của tôi). Quá đông! Quá khó để hiểu, quá ít để chia sẻ nhưng lại quá nhiều để nói về một chuyện riêng nào đó. Đôi lúc thực sự tôi chỉ muốn tống bớt vài thành phần đi cho rảnh nợ. Tôi thích sự công bằng, còn chúng nó thì không. Vì thế tôi càng có lí do muốn tống chúng nó đi. Nhưng đấy là xóm trọ, đâu phải nhà của tôi. Một sự thật hiển nhiên là tôi vẫn phải chung sống giữa ngần ấy con người.
Tôi gọi chúng nó là bọn trẻ con nhưng thực sự thì chúng nó chỉ kém tôi 1, 2 tuổi. Và thậm chí có thời kì tôi đã bị chúng nó bắt nạt. Thêm một lí do nữa để tôi muốn tống chúng nó đi. Có lúc tôi đã chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng với lũ trẻ con ấy rất nhiều tháng trời. Tôi đã từng nghĩ sau này ra trường không bao giờ tôi nhớ chúng nó.
Nhưng cái dự định ấy lại phản bội tôi. Dù thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi đã sống như một gia đình, thật đấy. Phải nói rằng chúng tôi hiểu quá rõ về nhau. Vì thế mà có mâu thuẫn chăng? Cái đó thì cũng có thể. Một gia đình đông đúc, nghèo nàn và có phần điên điên.
Chúng tôi sống với tất cả bản chất thật của mình, vô tư và thoải mái. Nếu như ở trên trường em Hiếu của tôi là một đứa gọn gàng, sáng sủa, thông minh thì về nhà nó là một cái thằng thần kinh hết chỗ nói. Ví dụ bình thường thì nó cười: “Hihi” chẳng hạn, thì ở xóm nó sẽ cười là: “Hớ hớ”, “Hú hú”,”Hí hí”,… thậm chí là còn kinh khủng hơn thế. Đấy là một ví dụ điển hình nhất. Còn nhiều nữa cơ nhưng tôi không dám kể ở đây. Tuổi trẻ manh động, nhiều “gạch đá” mà. Cơ bản thì cũng không trách nó được vì tất cả chúng tôi đều như thế, thằng bé muốn bình thường là chuyện không thể nào.
Nhưng hôm nay tôi sẽ đặc cách ngồi khen chúng nó, một hành động mà xưa nay tôi hiếm làm. He he. Xem nào, từ phòng đầu nhé!
Mặc dù Uyên Bé không được chăm chỉ cho lắm nhưng dù sao thì tôi cũng phục tuyệt đối vì vẻ nữ tính của nó. Theo tôi thì con bé rất xinh, học giỏi. Vui nhé em! Nhưng cũng không vì thế mà đánh mất đi bản sắc của xóm sự: rồ dại. Có khi hai đứa ngồi lê la ở phòng nó để ghi mấy dòng chữ ngớ ngẩn lên tường “Tại phòng Uyên Bé, trên tường nhà Uyên Bé, …Chị Uyên To rất xinh”.
Tiếp theo là thằng Cò. Ngoài chuyện đôi lúc cư xử hơi biến thái thì tôi cũng có vài điều để khen nó. Thằng bé luôn bày têu ra những trò vớ va vớ vẩn nhưng cũng rất vui cho chúng tôi chơi. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cấp sự hâm dở của xóm. Ngoài ra nó cũng là một đứa biết sửa sai và hối lỗi. Tôi mừng vì điều đó.
Còn em Hà lùn nhất xóm. Con bé là đứa sống nội tâm. Tôi nghĩ là nó hay buồn nhưng những đứa cứ tưng tửng như chúng tôi thì không phải lúc nào cũng nhận ra điều đó. Đừng có như thế, có gì là phải thông báo khắp nơi, nghe chưa? Còn những giây phút còn lại thì nó thực sự cũng rất dở hơi, thật đấy. Nó sống trong xóm tôi mà.
Oanh Pơ (đúng ra là ngơ). Nó là đứa tôi thích nhất trong xóm. Theo con mắt khách quan thôi, sau này sẽ chẳng ai bắt nạt được nó. Con bé đanh đá. Nhưng về cơ bản thì nó cũng vẫn… điên. Những ngày tôi ở lại ôn đại học, cả xóm chỉ có hai chị em (nó ôn đội tuyển), chúng tôi đã ngồi ca những bài ca của thời đại: Hai con thằn lằn con hoặc đại loại như thế, trong cảnh tối tăm vì mất điện. Mà nói thật thì giọng ca của chúng tôi cũng không được đánh giá cao lắm.
Còn Bi là đứa làm tôi phải thay đổi cách nghĩ liên xoành xoạch. Đôi lúc nó làm tôi phát bực vì mấy cái lí do ngớ ngẩn. Nhưng nhiều lúc con bé làm tôi cảm thấy quý vì nó cũng có lòng tự trọng, cũng biết theo đuổi những thứ mình thích, dù quả thực chưa đến nơi đến chốn lắm. Cứ sống với những gì mình thích em nhé!
Hiếu, thằng Thần Nông tình cảm. (Oanh, trật tự, cấm ý kiến).
Hai nhân vật nữa dù không thuộc diện sống trên đất xóm (và cũng không được đếm) nhưng tôi vẫn sẽ kể thêm vào.
Tôi chưa bao giờ gặp một đứa nào ngố như nó. “Em Huyền Ngố”, tôi lưu tên nó trong danh bạ điện thoại như thế. Con bé thực sự ngố, vô cùng ngố. Nó vẫn hay ra xóm tôi “trảm phong” rồi chơi mấy trò vớ vẩn suốt ngày. Tôi thích nhất là điệu cười của nó, vẫn rất ngố, nói chung là không được đẹp. Nhưng tôi thích nhìn, đáng yêu lắm.
Em Trung Còm. Dù nó chỉ xuất hiện đúng một lần duy nhất nhưng thỉnh thoảng thì tên nó vẫn được xướng trong xóm tôi. Những ngày tôi ở lại ôn nó hay chơi với tôi. Nó bảo tôi điên nhất xóm nhưng tôi nghĩ thằng bé nên đến xóm tôi kiểm nghiệm lại điều này. Mà cơ bản tôi nghĩ nó cũng cần thêm một ít sự điên dại.
Còn ba đứa tôi chắc cũng không cần nói gì thêm.
Về sự nghèo nàn ấy à? Chúng tôi gọi nó là những ngày đói. Chỉ ai từng ở trọ mới hiểu được. Những trải nghiệm nhớ đời, hài hước mà thấm thía. Có lẽ sau này khi đã lòng còng chống gậy rồi chúng tôi cũng không quên nổi. Nó ám ảnh đến nỗi khi về nhà rồi, con Chi vẫn nhắn tin cho tôi hỏi: “Dạo này cậu còn bị đói không?” Có. Tất nhiên là có. Đói ở đây không chỉ là hết tiền, nó giàu ý nghĩa lắm, bao hàm cả bệnh lười nấu nướng của xóm. Mười ngày ôn đại học tôi ăn được 3 bữa cơm. Thêm một sự thật hiển nhiên này là tôi còn là đứa chăm nấu cơm nhất rồi.
Kỷ niệm đẹp đẽ và rõ nét nhất mà tôi có về cái chỗ có nhiều người này là ngày sinh nhật của tôi. Chúng nó tổ chức hát hò ầm ĩ, làm bánh kem (nhân tiện xóm tôi có truyền thống làm bánh kem, rất xấu. Hớ hớ), trát bánh kem, té nước. Rất đặc biệt. Nói chung là cả đời tôi chưa từng có cái sinh nhật nào như thế. Tôi đã cười mà không ngậm miệng lại được.
Chúng tôi cùng nhau tưởng tượng rằng sau này mình sẽ ở chung viện dưỡng lão: Chi và Uyên ngồi ăn, nhờ Chi mà Uyên viết ra chuyện “Cháu ơi, em yêu anh”, Hiếu đu dây có đai bảo hiểm, Oanh ngồi nói lảm nhảm, Cò vẫn soi gương, khen mình đẹp trai dù không còn cái răng nào, Bi dù đã gầy nhưng vẫn ăn rau,… Biết đâu rồi nó lại trở thành hiện thực. Tôi sẽ rất hạnh phúc. Ảnh không có nhiều, lưu lại trong mấy nếp nhăn ở não, để sau này nhớ lại.
Giữa tất cả chúng tôi có một thứ tình cảm gắn kết rất khó hiểu, biết những bí mật của nhau, hiểu nhau, một gia đình, thật đấy!… Trước đây tôi muốn tống chúng nó ra khỏi xóm. Giờ thì sao nào? Tôi mới là kẻ bị tống đi. Chắc chúng nó vui lắm. Tôi từng bảo là không bao giờ nhớ chúng nó. Giờ thì sao nào? … Tôi muốn được quay lại những ngày đói ấy, rồi sáng nào cũng chạy hộc tốc vì đi học muộn, muốn được xem “show” tại xóm tổ chức hát hò đủ kiểu, ngắm nhìn nó… Tôi muốn ngày nào cũng được sống như thế. Chúng tôi đã sống là một gia đình. “Chị nhớ mấy đứa”!
Nguyễn Thị Uyên (Lớp 12 văn, THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Đang mải miết chạy xe trên đường, bỗng thoảng qua một mùi hương dịu ngọt, ngỡ ngàng òa lên tiếng reo tự đáy lòng tôi: hương ổi.
Sáng sớm, trong không khí trong lành mát mẻ, tiếng cười nói của những người tập thể dục và đi chợ sớm thật vui vẻ.
Bỏ lại rồi những nắng chói chang Những mưa hạ ạt ào qua khung cửa Đâu đó gió thu uốn cong nỗi nhớ Cho bâng khuâng lỡ cỡ phút giao mùa.
VK23 à ! ... Một năm trôi qua thật nhanh. Có bao giờ các cậu từng ngồi và đếm xem có bao nhiêu hạnh phúc đã đến hay bao nhiêu chuyện buồn trôi qua chưa? Chắc không đâu, vì với lớp mình ai cũng cảm nhận được rằng vui luôn nhiều hơn buồn.