Tại sao người lớn lại quên bay?

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/12/2013 | 2:48:04 PM

Bạn đã từng nghe câu chuyện về cậu bé Peter Pan? "Tất cả trẻ em đều lớn lên, trừ một đứa". Đúng vậy, đó chính là người từng là bạn ấu thơ của tất cả mọi người: Peter Pan. Cậu bé biết bay và chẳng bao giờ chịu lớn. Peter Pan mãi mãi là một cậu bé khiến chúng ta tự hỏi: Ấy là niềm hạnh phúc hay bất hạnh?

Tôi biết đến truyện Peter Pan, mới đầu, chỉ đơn giản như đọc một câu chuyện cổ tích. Mà cổ tích vốn dĩ không có thật. Nhưng những câu chuyện cổ tích thì có bao giờ hết hấp dẫn đâu. Với không chỉ riêng trẻ con, mà với bất cứ ai trong chúng ta nữa. Nó đưa chúng ta đến một thế giới khác. Thế giới của huyền diệu những phép màu, của thiện ác đấu tranh mà cái thiện luôn giành chiến thắng. Nó cho ta thêm niềm tin vào cuộc sống, cho ta bay bổng trong niềm lạc quan, yêu đời. Sức hấp dẫn của truyện Peter Pan ngoài thế giới cổ tích đẹp đẽ đó còn là một thế giới mà ta thấy chính mình trong đó. Háo hức dõi theo những cuộc phiêu lưu của cậu bé Peter Pan để rồi bạn sẽ thích thú nhận ra : Peter Pan phải chăng là  hình ảnh ấu thơ của bạn?

Tuổi thơ cũng giống như một câu chuyện cổ tích. Bao nhiêu là hồn nhiên, trong trẻo thơ bé; bao nhiêu là yêu thương trong vòng tay mẹ cha. Mỗi lần nhắc tới thời- thơ- ấu chắc hẳn trong lòng mỗi người không khỏi bồi hồi, rạo rực nhớ về một miền kí ức đã xa. Có người nói tuổi thơ là những gì đẹp đẽ và êm đềm nhất. Có lẽ vì thế mà ai cũng muốn được một lần trở lại. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Riêng với tôi, một vé đâu đã là đủ. Thật buồn cười là tôi từng ước mình được như Peter Pan.

Nghĩa là sẽ không bao giờ phải lớn, không bao giờ phải ao ước được trở về thời thơ bé. Trẻ con có thể hồn nhiên như chúng vẫn vậy; có thể không để những lo nghĩ làm cuộc sống trở nên u ám. Vui thì cười, buồn thì khóc; vừa nức nở xong có thể toe toét cười ngay, vấp ngã rồi đứng dậy. Tôi ngưỡng mộ Peter Pan vì cậu bé biết bay. Để bay lượn khắp nơi, có nguyên lý đơn giản duy nhất  mà không phải ai cũng làm được là "Chỉ cần để đầu óc được tự do và nghĩ đến những điều tốt đẹp".

Nếu có tâm trí quang đãng của một đứa trẻ, con nguời cũng có thể bay lắm chứ. Bay bổng với những mơ, với trí tưởng tượng không giới hạn. Tâm hồn bay bổng để mở lòng đón gió bốn phương, đón nhận những điều thú vị và lãng mạn. Cuộc sống trong mắt trẻ con luôn ngập tràn những điều mới mẻ chờ chúng khám phá, những cuộc phiêu lưu bất tận, những nụ cười giòn tan. Trẻ con để sống chan hòa với mọi người, không phán xét, không tính toán. Cậu bé Peter Pan biết tự yêu bản thân mình, dũng cảm theo những gì trái tim mách bảo, luôn hồn nhiên và lạc quan.

"Nhưng mà, em đang sống trong thế giới của người lớn đấy cô bé ạ"- anh trai tôi cốc đầu. Ừ nhỉ, đâu thể làm trẻ con mãi. Miền đất thần tiên Never Land của Peter Pan, từ cái tên, đã là nơi vốn dĩ không tồn tại. Người ta rồi cũng phải lớn, trước sau gì cũng sẽ đối mặt với những công việc, áp lực hay những vấn đề của một- người - lớn. Đâu thể trốn tránh mãi được? Tôi sợ phải lớn, có khi là sợ phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình, với cả gia đình, xã hội mà tôi đang sống. Thực tế là con người cần phải trưởng thành. Đến một lúc nào đó không thể chỉ biết nhận mà không biết cho, chỉ ích kỉ yêu thương bản thân mình mà không biết nghĩ tới người khác, chỉ hưởng thụ sự chăm sóc, bao bọc mà không làm một bờ vai đáng tin cậy, chỗ dựa cho mọi người.

Một bộ phim về Peter Pan, khác với nguyên tác truyện, để cậu trở thành người lớn, một khi cậu có nụ hôn đầu tiên trong đời. Bộ phim đã gỡ nút thắt, mở ra hướng tiếp nhận mới cho cậu bé không chịu lớn. Peter Pan, dù mãi là trẻ con, cũng sẽ trưởng thành khi cậu trao đi yêu thương. Trái tim rộng mở và bao dung hơn có phải là sự trưởng thành? Người lớn không phải cứ già đi, cằn cỗi hơn. Khi đã đủ trải nghiệm trưởng thành và đủ sâu sắc trong cảm nhận cuộc sống, người ta tự nhiên sẽ sống theo cách như trẻ con. Người lớn vẫn có thể giữ cho mình tâm hồn tươi trẻ. Chỉ là mình của ngày hôm nay lớn hơn mình của ngày hôm qua thôi.

Có người nói, đâu đó trong chúng ta là một đứa trẻ. Đứa trẻ đó nhiều khi ích kỉ, nhiều khi thích nũng nịu; đứa trẻ đó muốn được thương yêu, chiều chuộng. Người lớn từng là một đứa trẻ và theo một cách nào đó, trẻ con có nhiều điều đáng để người lớn suy ngẫm. Chúng ta biết bay và cũng từng bay. Tôi cũng có một thắc mắc giống Peter Pan: Tại sao người lớn quên bay?

Nguyễn Diệu Huyền

Các tin khác
Tặng thầy. Ảnh Đức Hồng

Nếu một ngày mẹ rời xa con, con sẽ phải làm thế nào hả mẹ? Xung quanh con là muôn vàn cạm bẫy. Lúc con ngã ai sẽ đỡ con lên? Con rất sợ một ngày như thế. Chẳng còn ai bên con mỗi ngày. Sẽ chẳng còn, chẳng còn ai nữa, cùng con đi trên đường ước mơ.

Tuổi thơ. (Ảnh: L.C)

Ai cũng đều có tuổi thơ. Nhưng tuổi thơ của mỗi người lại không giống nhau. Tuổi ấu thơ trôi đi rất nhanh nhưng luôn đọng lại rất sâu trong tâm trí và kí ức của mỗi người.

Kỷ niệm. (Ảnh: Khuất Hồng Thơm - Lớp 12A2, Trường THPT Mù Cang Chải)

Quãng thời gian cắp sách đến trường luôn là những ký ức đẹp nhất trong tâm hồn mỗi người học trò. Nó tinh khôi và hồn nhiên biết chừng nào. Một thời mơ mộng với nhành bằng lăng tím, rong ruổi theo những giấc mơ màu hồng.

Tuổi thơ xứ núi.
(Ảnh: Hoàng Đô)

Đông đến mang theo từng cơn gió lạnh, ngoài trời lấm tấm mưa bụi bay. Vậy mà trên con đường vắng lặng vẫn có bóng dáng người mẹ già còng lưng bán rau rong ngoài đường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục