Ông ngoại
- Cập nhật: Thứ năm, 13/2/2014 | 8:45:38 AM
Quê nội tôi ở xa, năm nào không về quê nội ăn tết thì cả nhà tôi lại cùng sum vầy ở nhà bà ngoại để ăn bữa cơm tất niên.
|
Tết vừa rồi, chiều 30, khi mâm cơm đã được dọn bày trên bàn thờ, bà ngoại lầm rầm khấn vái, cả nhà chìm vào trong không khí bâng khuâng. Đứng trước bàn thờ khói hương nghi ngút, tôi lặng người ngắm di ảnh của ông ngoại với khuôn mặt điềm đạm, ánh mắt phúc hậu như đang mỉm cười. Những kỉ niệm thời ấu thơ, những tháng ngày hạnh phúc khi còn ông ngoại ùa về.
Ngay từ lúc còn nhỏ, bố mẹ tôi hay đi công tác dài ngày nên anh em tôi đã luôn sống trong tình yêu thương và sự chăm sóc của ông bà ngoại. Thời gian được sống bên ông ngoại đối với tôi thật sự rất ngắn ngủi nên tôi luôn coi trọng những kỉ niệm quý báu khi ở bên ông, tôi luôn nghĩ phải có trách nhiệm giữ gìn nó. Đối với tôi, ngay cả những chuyện tưởng như nhỏ nhoi, đơn giản nhất cũng thật sự khiến tôi phải khắc ghi mãi.
Trẻ con thường nói những câu mà khi lớn lên nghĩ lại cảm thấy thật buồn cười. Từ lúc đi học mẫu giáo, ông thường đèo tôi đi học mỗi ngày trên con đường quen thuộc bằng chiếc xe đạp đã cũ. Ngồi đằng sau đưa tay ôm chặt lấy bụng ông tôi cứ luôn miệng hỏi: "Ông ơi, tại sao cái cây kia có cành; tại sao lại có bông hoa; ai làm ra con đường hả ông..." nhiều thứ "tại sao" lắm nhưng ông tôi không hề tỏ ra bực bội hay khó chịu bao giờ mà chỉ cười hiền từ trả lời mọi câu hỏi của tôi. Lúc ấy tôi thầm nghĩ: "Ông ngoại tài quá, cái gì cũng biết". Những khi ở nhà, ông thường kể cho anh em chúng tôi nghe những câu chuyện thời kháng chiến.
Hồi trẻ, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ, ông tôi cùng rất nhiều thanh niên trong làng tham gia vào các đơn vị thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Ông cùng đồng đội xẻ núi ngăn sông, góp phần biến những đồi núi hoang vu thành Nhà máy gang thép Thái Nguyên - khu gang thép to lớn đầu tiên của đất nước. Năm 1968, đơn vị thanh niên xung phong của ông ngoại chuyển lên Yên Bái xây dựng sân bay và sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Bà ngoại sinh mẹ tôi hàng năm sau ông tôi mới được về thăm con.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông tôi trở về với cuộc sống đời thường. Thời bao cấp muôn vàn khó khăn, ông ngoại không có lương, tất cả 6 người trong gia đình đều trông vào đồng lương giáo viên cấp 1 của bà ngoại. Ông bà tôi phải vật lộn với đủ thứ nghề trong cuộc sống để nuôi 4 người con được ăn học bằng bạn bằng bè. Có lẽ bởi cuộc sống quá vất vả nên không biết từ lúc nào ông tôi bị bệnh hen phế quản, mỗi khi trở trời, ông tôi lại bị cơn hen hành hạ, ngồi vật vã suốt đêm nhưng sáng dậy dứt cơn hen là ông tôi lại nghĩ ngay đến công việc của hôm nay.... Nghe ông kể tôi thương ông lắm.
Từ khi các con khôn lớn và trưởng thành, ông bà tôi đỡ vất vả mưu sinh. Anh em chúng tôi là những đứa cháu đầu tiên, lại ở sát ông bà nên hình như bao tình yêu thương ông bà dành hết cho chúng tôi.
Những ngày tháng vui vẻ ấy cứ dần trôi qua đi cho đến khi tôi bắt đầu đi học lớp 1. Khi ấy, tình trạng sức khỏe của ông tôi ngày càng yếu đi do bệnh hen và bệnh parkinson hành hạ. Hai căn bệnh quái ác đó càng ngày càng nặng thêm. Những đợt ho hen liên miên, dữ dội kéo dài kèm theo tay chân lúc nào cũng run rẩy khiến ông tôi ngày càng kiệt sức. Bà ngoại tôi lúc nào cũng bên cạnh ông. Các dì các cậu tôi tuy ở xa nhưng thường xuyên về thăm và mua cho ông tôi rất nhiều thuốc quý để chữa bệnh. Những ngày ông ốm, anh em tôi gần như không về nhà mà suốt ngày ở cùng ông bà.
Buổi tối hôm đó là ngày nghỉ cuối tuần, mọi người cũng đã về đông đủ, mẹ tôi đang chuẩn bị cho bữa tối, mấy anh em chúng tôi đang chơi đùa ngoài phòng khách, bỗng nhiên cả nhà giật thót bởi tiếng kêu thất thanh của bà ngoại: "Các con ơi..!". Mọi người chay vội vào giường ông, người ông cũng run mạnh, mặt ông tím tái mọi người cố sức cứu chữa, tôi thấy ông tôi hồng hào trở lại mắt mở nhìn tất cả nhưng không nói điều gì, thế rồi, đôi mắt hiền từ của ông nhẹ nhàng nhắm lại, bàn tay ông đang nắm chặt trong bàn tay của bà ngoại đột nhiên thõng xuống. Cả nhà gào khóc. Tôi hiểu điều gì đã xảy ra !
Ông ngoại tôi đã nhẹ nhàng và mãi đi về thế giới bên kia - nơi không còn ốm đau hay bệnh tật nữa.
Tất cả đã xảy ra từ 6 năm về trước, giờ đây, những kỉ niệm hồi còn bé khi được sống hạnh phúc bên ông đã trở thành kí ức đáng nhớ mà tôi luôn khắc sâu trong tim. Thời gian trôi đi với những bộn bề của cuộc sống nhưng mỗi dịp tết đến xuân về nỗi nhớ ông lại ùa về. Tôi ước ao thời gian quay trở lại để được sống trong ngôi nhà lá đơn sơ ngày xưa, tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng ở đó có ông, có bà và tất cả mọi người thân yêu.
Nông Thanh Thảo My (Lớp 8B, Trường THCS
Lê Hồng Phong, TP Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Thấp thoáng đằng xa, bóng hình nhỏ của một cậu bé chừng 10 tuổi, đôi vai mỏng manh, cõng trên đó những thứ nặng ngoài sức vóc của em. Hình ảnh đó, mỗi lúc một gần hơn trong đôi mắt của tôi.
Tôi co mình trong chiếc áo bông, từng bước chân nhẹ đưa trên đám lá khô, mắt nhìn vào một khoảng không vô tận mà nếm lấy cái hương lạnh của một ngày còn gió lạnh. Lòng chợt nhớ đến nội.
Mọi người luôn nói bố là trụ cột trong gia đình, có lẽ chính vì thế mà tình yêu thương của bố cũng mạnh mẽ hơn và vì là đàn ông nên cách thể hiện sự yêu thương cũng khác xa với một người phụ nữ dịu dàng như mẹ.