Kỷ niệm tuổi học trò

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/12/2014 | 12:48:48 PM

Một ngày mùa thu nắng đẹp của 11 năm về trước, tôi rụt rè nắm chặt tay mẹ bước qua cánh cổng trường tiểu học. Tôi không khóc như trong một bài hát tuổi thơ nhưng có vẻ rơm rớm trên khuôn mặt bé nhỏ làm cô giáo ôm tôi vào lòng và âu yếm. Cùng sự âu yếm và tình yêu thương ấy, tôi đã học được cách cộng trừ bằng những con số khô khan, cách bay bổng với những vần thơ con chữ.

Tuổi học trò.
Ảnh: Vũ Chiến
Tuổi học trò. Ảnh: Vũ Chiến

Sáng sáng đến trường với 5 điều Bác Hồ dạy, chiều chiều ra về cùng “Lễ phép với người trên…”, “Đi đường tay phải…”... Thời tiểu học gắn liền với những điều giản đơn như thế. Tôi đi qua 5 năm tiểu học và hớn hở bước vào một môi trường khác lạ rồi “quên mất” cô và một lời tri ân cho cô.

Bước vào cấp II là cả một sự trải nghiệm mới mẻ của những cô bé, cậu bé. Tôi bắt đầu khám phá những điều tuyệt vời của thế giới này dưới lời chỉ dạy của thầy cô. Rồi tôi cũng biết đặt những câu hỏi mà khó lòng tự trả lời được: “Học để làm gì nhỉ?”. Và câu hỏi đã có lời giải đáp trong một tiết học Vật lý khi tôi cố gắng tìm đáp án của câu hỏi về làm chìm, nổi tàu. Tôi đã biết học để tiếp thu tri thức. Say sưa với những điều như thế, tôi biết đến nhiều hơn những gì tôi tưởng: Đó là 18 đời Vua Hùng dựng nước, là Kinh đô Thăng Long nghìn năm văn hiến…
Say sưa cùng với những điều tuyệt vời của thế giới tri thức bao la, tôi chia tay thầy cô mà cũng quên đi lời cảm ơn chân thành.

Trong những năm tháng cuối của tuổi học trò, những đứa trẻ con ngây thơ giờ không còn thơ ngây như ngày nào. Chúng đã lớn lên và người lớn theo một cách trẻ con đúng với câu: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Đó là những lần đi học muộn, trèo vào cổng trường để trốn thầy giám thị.

Đó là những lần không học bài với câu trả lời dành cho cô: “Em xin lỗi cô, hôm qua em soạn nhầm sách vở”; là những lần trốn tiết với những pha bật rào đầy ngoạn mục; là những lần tâm hồn treo ngược cành cây cô gọi đứng dậy trả lời mà ú ú ớ ớ; là một phương trình lượng giác không thuộc, là hiện tượng vật lí quên mất nguyên nhân và là vô số cái quên quên - nhớ nhớ linh tinh như thế nữa…  Thầy cô cũng có những biện pháp khá “mạnh tay” để kiến thức đọng lại trong cái đầu đầy rẫy những vấn đề mông lung của đám học sinh chúng tôi.

Những điều như thế cứ đến, cứ đi, cứ trôi qua trong cuộc đời mỗi con người và để lại kí ức không thể nào quên. Tuy mỗi người có những kí ức khác nhau nhưng đặc biệt giống nhau về giá trị vô cùng lớn lao nó để lại trong tim. Và trước hết, những điều như thế đang trôi qua cuộc đời tôi và nó đang đọng lại trong tâm trí của một cô bé mới lớn những điều vô giá của một thủa học trò!

Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Lớp 11B7, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trấn Yên)

Các tin khác

Cuộc sống thật hạnh phúc biết bao khi tôi có mẹ. Ngày ngày trong vòng tay ấm áp, vỗ về của mẹ, tôi lớn lên và cứ thế bao ước mơ cũng lớn theo tôi.

Đó là lần đầu tiên con thấy mẹ khóc, nước mắt lã chã trên khuôn mặt đầy nếp nhăn và đó cũng là lần đầu tiên con nhận ra rằng: “Thiếu mẹ, cuộc sống con như mất một nửa”.

Ảnh minh họa.

Từ ngày con đi học xa đến giờ, ba mẹ luôn là những người quan tâm lo lắng cho con nhất. Con nhớ lắm cái ngày con chuẩn bị thi cấp ba, với tâm lí của một đứa trẻ nhút nhát không muốn xa gia đình, con chỉ muốn học ở trường cấp ba gần nhà. Con đã quyết định vậy và nghĩ rằng ba mẹ sẽ để con tự quyết về việc học của mình nhưng ba mẹ lại bảo con nên ra ngoài thành phố học tập.

Nếu… chỉ nếu thôi nhé, vào một ngày nào đấy, bạn phải rời xa cái nơi mà bạn từng lớn lên, gắn bó, cái nơi chất chứa bao kỉ niệm ấu thơ để đến với một phương trời mới mà bạn chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đặt chân đến, bạn có đủ dũng cảm bước đi mà không khóc; có đủ tự tin để nói lời chia tay với những thứ tưởng chừng như là một phần tâm hồn mình mà trong lòng không rối bời?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục