Nước mắt của mẹ
- Cập nhật: Thứ hai, 12/1/2015 | 10:26:07 AM
Có ai thấu hiểu được những giọt nước mắt kia của mẹ tôi hàng đêm vẫn rơi bên bếp lửa, sự vất vả, khổ cực, gian lao mà mẹ đã gánh chịu. Vì chị em tôi, vì gia đình, mẹ đã giấu giọt nước mắt kia, không muốn chị em tôi thấy nhưng tôi đã bất chợt gặp niềm đau của mẹ.
Mùa cạn. Ảnh: Hoàng Đô
|
Một đêm trời lạnh giá, mẹ ngồi bên bếp lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên càng soi rõ được niềm đau, nỗi buồn của mẹ hiện lên trên khuôn mặt buồn thiu.
Tôi xa nhà đi học đã được hai năm rồi nên ít khi thấy mẹ buồn hay nản chí việc gì nhưng bên trong tâm hồn mẹ, mẹ đã cố gắng che giấu đi những nỗi đau do bệnh tật, những vất vả hàng ngày mẹ vẫn chịu đựng vì chị em tôi. Có lần, tôi được về thăm mẹ, gặp tôi, mẹ mừng lắm! Mẹ âu yếm, xoa đầu tôi bằng bàn tay nứt nẻ, thô sạm vì cầm dao, cầm cuốc, làm rộng, làm rừng. Vất vả nhiều khiến khuôn mặt mẹ ngày càng đen sạm lại vì nắng mưa. Mẹ ngày càng gầy đi trông thấy.
Mẹ luôn muốn gánh chịu hết khổ cực để cho tôi không phải khổ, không phải lo nghĩ gì hết. Mẹ càng làm như vậy tôi càng thương mẹ hơn. Ngày hôm sau, trời đất còn chưa tỏ, tôi đã thấy mẹ lục tục thức dậy nấu cơm để mang đi làm. Thấy mẹ dậy, tôi không muốn nằm thêm chút nào nữa, tôi cũng dậy theo mẹ luôn. Tôi muốn đi làm cùng mẹ nên đã xin mẹ cho đi. Mẹ chần chừ không muốn tôi đi vì sợ tôi khổ, mệt, không đi học được. Nhưng tôi vẫn muốn đi và nài nỉ mẹ. Mẹ bảo: "Leo đồi mệt lắm, mẹ đi tối mịt không thấy đường nữa mới về, đã thế còn nhiều muỗi lắm, có đi được không?".
Tôi không ngần ngại trả lời luôn: "Có, mẹ ạ, con đi tốt". Thế là tôi lẽo đẽo đi cùng mẹ. Tôi thấy mẹ đi mà không tỏ ra chút mệt mỏi gì. Nhưng tôi biết rằng thực ra mẹ mệt lắm, chẳng qua mẹ không nghỉ, không muốn tỏ ra cho tôi thấy. Đi mãi, leo hết đồi này đến đồi khác mới đến được nương nhà tôi. Tôi không thấy mẹ nghỉ ngơi gì mà làm luôn. Cứ vậy, đến gần trưa, trời đã nắng to, tôi cảm thấy cái nắng nóng đã làm tôi rát lưng và những giọt mồ hôi đang chảy trong người. Tôi quay sang nhìn mẹ vẫn thấy mẹ lúi húi làm. Mẹ không nói gì, những giọt mồ hôi lăn trên má, ướt đẫm chiếc khăn bịt mặt, chiếc áo mỏng mẹ mặc đã ướt nhẹp mồ hôi. Trời càng lúc càng nắng to. Thấy mẹ loạng choạng, tôi vội chạy ra đỡ mẹ vào gốc cây ngồi nghỉ. Tôi hỏi mẹ: "Mẹ có sao không ạ? Mẹ có thấy mệt lắm không? Hay con đưa mẹ về ạ".
Tôi chưa kịp ngắt lời thì mẹ trả lời luôn: "Không, mẹ không sao đâu, mẹ say nắng, ngồi nghỉ lát là đỡ ý mà, con không phải sợ". Mẹ nhất định không chịu về mà muốn đi làm tiếp. Thế là mẹ và tôi ra làm. Đến gần tối, khi muỗi đã vo ve bên tai, các con côn trùng đã rỉ rả quanh đó mà tôi không thấy mẹ gọi về hay bảo tôi chuẩn bị về gì cả. Chỉ đến khi tôi chủ động gọi mẹ mới chịu về.
Về đến nhà tôi lấy nước cho mẹ tắm, rồi quay lên nhà quét dọn giúp mẹ. Đang lúc lau bàn thì vô tình tôi cầm vào quyển sổ khám bệnh của mẹ. Tò mò bệnh tình của mẹ mà tôi mở nó ra xem, giật mình vì dòng chữ của bác sĩ nói về bệnh tình của mẹ: huyết áp mẹ thất thường, tụt khi gặp nắng, mất sức và tăng khi suy nghĩ quá nhiều. Không những thế, mẹ còn suy nhược cơ thể trầm trọng. Tôi nhớ đến lúc mẹ chóng mặt ở trên đồi. Thì ra lúc đấy không những mẹ say nắng mà còn bị tụt huyết áp trầm trọng. Những đêm nằm ngủ bên cạnh mẹ, cơn đau xương khớp lại hành hạ mẹ vì năm kia mẹ đi làm trên đường về bị ngã mà giờ đây mỗi đêm lạnh giá nó lại đau nhức nhối làm mẹ rơi nước mắt vì nó.
Tôi rất muốn nói với mẹ rằng: "Mẹ à! Con yêu mẹ nhiều lắm! Mẹ là động lực để con bước vững trên con đường của mình. Vì mẹ, con hứa sẽ học tập thật tốt, để niềm vui nhỏ của con mang lại sẽ góp phần nào giúp mẹ vơi đi những mệt mỏi, vất vả. Con hứa sẽ không bao giờ làm mẹ buồn vì con!".
Hoàng Thị Giang (Lớp 11B7, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trấn Yên)
Các tin khác
Tôi bắt đầu tuổi 16 của mình bằng một nụ cười trước cái lạnh se sắt của buổi giao mùa và cơn gió heo may phảng phất.
Chúng ta chào đón cuộc đời bằng tiếng khóc nhưng tiếng khóc ấy lại là tiếng cười, là niềm vui của biết bao nhiêu người. Người mẹ mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày. Người cha ngày đêm chờ mong đứa con thơ được ngày bồng bế. Người ông người bà mong ngóng đứa cháu thơ là sự tiếp nối, lớn lên của thế hệ đi sau.
Tôi vẫn còn nhớ những cảm giác lo sợ và hồi hộp khi bước chân vào trường trung học cơ sở. Lúc đó, thầy giáo Lê Hồng Sơn - giáo viên dạy Văn được phân chủ nhiệm lớp tôi. Lần đầu gặp thầy, tôi đã có cảm giác thân thiện và bớt được phần nào lo lắng. Vì thầy có khuôn mặt hiền từ và phúc hậu!