Ai cũng có ngày xưa...
- Cập nhật: Thứ tư, 7/1/2015 | 9:03:50 AM
Chúng ta chào đón cuộc đời bằng tiếng khóc nhưng tiếng khóc ấy lại là tiếng cười, là niềm vui của biết bao nhiêu người. Người mẹ mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày. Người cha ngày đêm chờ mong đứa con thơ được ngày bồng bế. Người ông người bà mong ngóng đứa cháu thơ là sự tiếp nối, lớn lên của thế hệ đi sau.
Tuổi thơ yêu dấu!
(Ảnh: Hoàng Đô)
|
Những người anh, người chị luôn mong được thấy đứa em mà người lớn vẫn hay dọa chúng rằng nó là "đứa giành hết cả yêu thương của ba mẹ", thế mà được bế em trên tay lại cười tít mắt. Vốn khi chúng ta sinh ra, chúng ta đã là niềm vui của cuộc sống. Chúng ta lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình, bị đánh đòn thì khóc, được mua quà bánh, đi chơi thì vui cười. Tiếng khóc, tiếng cười của cái thời trẻ thơ thật đơn giản. Để rồi khi ta lớn lên, đối mặt với cuộc sống đầy lo toan bộn bề, chỉ ước một lần được khóc, được cười một cách đầy thơ dại…
Nhớ những ngày tuổi thơ ấy, chẳng ai lại vô tâm mà không có chút hoài niệm về cái thời vô tư chạy nhảy vui đùa với lũ trẻ con trong xóm, làm nũng ba mẹ ông bà, bày đủ thứ trò nghịch mà "cộp mác" cái thời ngày xưa. Tuổi thơ chúng ta chẳng biết bắt đầu lúc nào và kết thúc ra sao. Nó như một quãng đường đi mà không có điểm dừng, chỉ là ta đi mãi mà đi qua lúc nào không hay, ngoảnh đầu lại thì chỉ còn kỉ niệm và nhớ nhung.
Nhắc đến tuổi thơ, hỏi ai quên những trò nào rồng rắn lên mây, nào ô ăn quan, đuổi bắt trốn tìm với lũ bạn, rồi làm kèn lá, con quay hay đi đổ nước bắt dế, bắt chuồn chuồn mỗi chiều đi học về. Nhắc đến tuổi thơ, ai quên những câu chuyện bà kể, lời hát mẹ ru, cái ôm của ba mỗi chiều đón học về, nụ cười hiền lành móm mém của ông phần cháu cái quà, cái bánh. Chẳng ai quên được ấu thơ đẹp dịu dàng và hồn nhiên đến vậy…
Thế mà, ai cũng đã từng muốn lớn. Khi còn là một đứa trẻ, ta đã từng không dưới một lần có ý nghĩ: "Ước gì mình là người lớn", à không, phải gọi là cực kì muốn lớn để không bị nhắc ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc hay suy nghĩ lớn hơn là không bị quản giáo bất kì một việc gì, được quyết định những việc quyết định cả tương lai mà không bị nhìn dưới góc độ "Nó vẫn còn là một đứa trẻ". Lớn, để được chứng tỏ với những người xung quanh là mình có thể tự đi trên đường đời mà không cần ai dẫn dắt. Chẳng ai còn quản giáo được ta, chẳng ai có quyền quyết định trong cuộc sống của ta như những đứa con nít. Ừ, suy nghĩ dễ thế thôi.
"Ngày xanh trôi nhanh hơn khi xưa ta nghĩ, lúc ấy chỉ muốn mau lớn lên, để không ai gọi trẻ con…". Và khi lớn lên, ý nghĩ của cái thời trẻ con thật sớm trở thành hiện thực, nhanh đến mức mà khi ta vẫn nghĩ phải rất lâu và rất khó, thì ta đã lớn rồi. Nhưng lớn, đồng nghĩa với việc nhận ra cái ý nghĩ "muốn lớn" của cái thời trẻ con thật đơn giản. Nhất là khi ta phải đối diện với những ngã rẽ cuộc đời, lo toan bộn bề cuộc sống mà không hề được bao bọc bởi vòng tay ba mẹ hay những người thương yêu ta.
Lớn, là lúc chúng ta phải cứng rắn, đủ tỉnh táo để rời xa sự chăm sóc không bao giờ là mãi mãi ấy; là lúc ta phải luôn phải cảnh giác để phân biệt tốt xấu trong xã hội phức tạp; là lúc chúng ta phải tự nén cảm xúc thật của mình để tỏ ra mạnh mẽ không để người ta thương hại; là lúc chúng ta phải dùng nụ cười để che đi nỗi buồn chỉ để những người ta yêu thương không bận tâm lo lắng; là lúc ta ao ước được trở về trong bàn tay mẹ như ấu thơ ngày nào, sống với con người "chỉ đơn giản như bé con của mẹ thôi"; là lúc ta cảm thấy mệt, rất mệt!
Cuộc sống vốn dĩ rất bộn bề, ta đủ lớn, để mong bé lại… "Rồi khi bao bon chen, ưu tư cuộc sống, ta mơ trở về ít phút thôi, tiếc những tháng năm êm đềm…".
Hãy thử lặng mình đi giữa cái tấp nập của một ngày dài, gói ghém lại cảm xúc, đưa mình nhớ lại về tuổi thơ. Ừm, chạnh lòng có, nhớ nhung có, yên bình có và khao khát được trở về cái thời được suy nghĩ vô tư ấy, đầy ắp những kỉ niệm. Người ta thường nói: Quá khứ là một kỉ niệm đẹp. Thời gian có bao lâu đi chăng nữa, ta vẫn nhớ về nó để sưởi ấm trái tim khi ta bất chợt buồn. Nhưng nó cũng là cái mà ta có nhớ nhung thế nào đi chăng nữa, với tay tới đâu cũng chẳng thể kéo nó trở về với thực tại được. Con người ta vẫn luôn ích kỉ như thế, luôn so sánh cái được cái mất của những thứ thay đổi, hay qua đi rồi mới khao khát được trở lại, chẳng bao giờ muốn mất đi những thứ quen thuộc. Cũng chỉ vì ta lớn rồi.
"Giờ tự nhiên khóc... ai cũng có tuổi thơ, ai cũng có ngày xưa…".
Đào Thùy Dung (Khu 3, Cổ Phúc, Trấn Yên)
Các tin khác
Tôi vẫn còn nhớ những cảm giác lo sợ và hồi hộp khi bước chân vào trường trung học cơ sở. Lúc đó, thầy giáo Lê Hồng Sơn - giáo viên dạy Văn được phân chủ nhiệm lớp tôi. Lần đầu gặp thầy, tôi đã có cảm giác thân thiện và bớt được phần nào lo lắng. Vì thầy có khuôn mặt hiền từ và phúc hậu!
Dạo gần đây, ở trường tôi xuất hiện một ông lão bán kẹo bông vô cùng đặc biệt. Tuy tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn đạp chiếc xe đạp cùng với chiếc máy làm kẹo bông cũ kĩ của mình đến cổng trường chúng tôi bày hàng ra bán.
Tuổi 18 - cái tuổi mà những đứa trẻ trâu như chúng tôi phải tự nhận là mình đã lớn. Thực ra, tôi không muốn chút nào, tôi không hề muốn lớn nhưng trái lại, tôi lại phải thừa nhận nó, bởi trong tôi lúc này cũng đang ươm mầm một giấc mơ, mà cái giấc mơ này chỉ có những “người lớn” mới thực hiện được nó.