Câu chuyện trên chuyến xe đầu năm

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/3/2015 | 2:53:22 PM

Tôi gặp các em trên một chuyến xe đầu năm đông đúc, dòng người hối hả ngược xuôi khiến các em trở nên nhỏ bé vô cùng. Lúc đầu, tôi lấy làm lạ vì trông các em còn nhỏ quá! Mà bố mẹ các em đâu? Sao lại để chúng đi một mình? Khoảng 3, 4 đứa trẻ bước lên xe, đồ đạc của chúng chỉ gói gọn trong chiếc ba lô con con đã cũ sờn. Chúng chọn chỗ ngồi cùng nhau và cứ thế rúc rích trò chuyện suốt chặng đường.

Chuyến xe lăn bánh được một đoạn đường dài, tôi chợt nhớ gói kẹo mẹ đưa lúc lên xe và đưa cho các em chia nhau. Chúng đùn đẩy nhau nhận, mãi về sau đứa bé lớn nhất mới dám cầm. Gọi là đứa bé "lớn" nhưng so với những đứa trẻ bằng tuổi khác thì em còi lắm. Tôi bắt chuyện với chúng, cả khoang xe râm ran. Đứa lớn nhất đang học lớp 4, những em còn lại nhỏ hơn và nhỏ nhất là đang học lớp 2. Chúng tôi nói về tết, về chiếc má lúm xinh xinh của em gái hay cười, cả chiếc răng khểnh duyên duyên của em trai có mái tóc mềm mượt… Tiếng cười râm ran chưa được bao lâu, không khí đã vội chùng xuống.

Tôi hỏi các em thắc mắc của mình, rằng sao còn nhỏ vậy mà đi xe một mình? Các em đi đâu?... Một em nhanh nhảu trả lời: "Bọn em đi về trại trẻ mồ côi chị ạ!". Câu nói khiến tôi lặng người. Các em, người mất cha, mẹ trong tai nạn lao động, ông bà già yếu; đứa thì bố mất, mẹ đi thêm bước nữa… Mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng đều chung một số phận thật éo le. Tôi chuyển chủ đề, không muốn để các em nhớ lại chuyện không vui nữa. Tôi hỏi về ước mơ của từng đứa. Những khuôn mặt trở nên rạng ngời hơn, chúng hào hứng kể: "Ngày trước, nhà bà em bị mất trộm, chúng nó lấy hết đồ nên năm ấy bà em không có tết. Em ghét bọn trộm đấy lắm nên mai này lớn, em muốn làm công an bắt tội phạm".

Đứa khác nhanh nhảu tiếp: "Em thì muốn mai này được làm cô giáo, nhà dì út em nghèo lắm, không có tiền cho con đi học, nên em muốn dạy cho những đứa trẻ ấy"… Còn có ước mơ khác muốn được làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông, muốn được làm chú hải quân canh giữ Hoàng Sa - Trường Sa… Sau cùng, em gái nhỏ nhất thỏ thẻ: "Em chỉ mong năm sau mẹ về, được ở nhà với ông bà mãi thôi!".

Tôi nhìn các em, đứa nào cũng chỉ nhỏ như đứa trẻ 5 tuổi trên thành phố, người đen nhẻm, hốc hác, đứa nào cũng chỉ giản dị trong chiếc áo một màu đơn điệu: con trai áo xanh đen già dặn, con gái áo xanh lơ nhàn nhạt  chẳng có họa tiết gì. Những mong cuộc đời của các em sẽ không nhàm chán, tẻ nhạt, đơn điệu như thế. Ước mơ của các em thật đẹp, thật trong sáng và ý nghĩa, mỗi đứa có một ước vọng riêng nhưng hình như trong sâu thẳm trái tim mình, em nào cũng muốn có mẹ, có cha, được sống như một đứa trẻ bình thường và không phải đi đâu hết, các em luôn luôn được ở một nơi gọi là nhà.

Đôi mắt trong sáng ấy, nụ cười hồn nhiên là vậy nhưng lại đặt trong khuôn mặt già dặn, cứng cáp hơn tuổi của mình. Dẫu rằng niềm khát khao trở về quá khứ, được sống trong gia đình với các em dường như là điều không tưởng nhưng nhìn ánh mắt ấy ánh lên niềm hi vọng lạ kì, ánh lên sự lạc quan, không bao giờ đầu hàng số phận tôi lại thấy khâm phục các em thật nhiều.

Trong chúng ta, những người may mắn hơn các em đều có một nơi gọi là nhà - nơi có mẹ cha, nơi ta được sống trong vòng tay yêu thương ấm áp, nơi có những người luôn đợi ta trở về, được hàn huyên sau bữa cơm chiều, được nghe mẹ cha dạy dỗ… Thế nhưng, với các em, những điều bình dị ấy thiêng liêng,vô giá và đáng quí biết nhường nào. Những điều mà chúng ta đang có lại là khát khao của hàng nghìn số phận. Ngôi nhà ấy sẽ là nền tảng, là ánh sáng, là chiếc cầu bắc ngang đưa ta đến những ước mơ khác như công an, bác sĩ, cô giáo… Các em - những đứa trẻ kém may mắn dù không có một ngôi nhà bình thường, nhưng cả xã hội đã và đang chung tay tạo cho các em một ngôi nhà đặc biệt. Các em hãy an tâm sống thật tốt, học thật giỏi trong ngôi nhà ấy và kiên trì theo đuổi ước mơ của mình, đừng bao giờ nản lòng, em nhé!

Mai này, trước những sóng gió của cuộc đời, trước những khó khăn, thử thách mà cuộc sống mang lại, không chắc các em có thể thực hiện hết ước mơ sự nghiệp của mình nhưng chị hi vọng và tin rằng các em sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội và tìm cho mình được một nơi gọi là "nhà" bù đắp lại những mảnh ghép còn thiếu ở tuổi thơ. Cả xã hội vẫn luôn chào đón những ước mơ của các em - những ước mơ tươi đẹp, ý nghĩa mà không ít người có đầy đủ điều kiện hơn các em gấp vạn lần không suy nghĩ được… Hãy để những ước mơ chị nghe thấy hôm nay bay cao, bay xa và trở thành hiện thực, các em nhé!

Tôi muốn viết về các em, viết về những ước mơ đẹp đẽ để nhắn nhủ với những ai đó rằng sao ta có được điều kiện sống tốt, được học hành đầy đủ mà lại có bạn lại chẳng dám ước mơ hay chẳng dám theo đuổi một ước mơ nào đó của riêng mình?

Hoàng Thúy Ngân (Lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)

Các tin khác

Xuân về hàng cây thay áo mới/ Mẹ già thêm tuổi, nắng thêm tươi/ Ríu rít đàn em khoe áo mới/ Xuân ơi, xuân đã đến thật rồi.

Nếu ai hỏi tôi rằng, hình ảnh đẹp nhất của quê hương trong tôi là gì thì tôi sẽ trả lời ngay là "những đồi chè". Chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi ấn tượng với chúng đến thế. Loại cây có nhiều nhất ở quê tôi chính là chè. Những đồi ở quê tôi xanh bát ngát, mênh mang. Người dân quê tôi sống chủ yếu nhờ vào loại cây giản dị này.

Tây Bắc của ta, Tây Bắc mến thương/ Đẹp dịu dàng mỗi mùa hoa ban nở/ Trong lòng ta một tình yêu ấp ủ/ Đi xa chẳng phai, ở lại chẳng nhòa.

Chưa bao giờ tôi lại muốn chạy đến bên mẹ, sà vào lòng mẹ và òa khóc như lúc này. Nhưng tôi không thể chạy vài chục cây số về nhà chỉ để ôm mẹ và khóc được, tôi lớn rồi và không muốn làm mẹ thêm buồn vì chuyện cá nhân nữa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục