Hương đất
- Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2015 | 10:46:42 AM
YênBái - Tôi lớn lên ở vùng ven sông Hồng quanh năm đỏ thắm màu nước, có chiếc cầu Yên Bái vắt sang ngang và cũng suốt ngần ấy năm trời, tôi khôn lớn bằng hạt gạo quê mình.
Thanh bình.
(Ảnh: Linh Chi)
|
Người ta cứ đua nhau chạy theo những thứ xa xôi, bóng loáng ánh sáng vật chất, thích ăn bánh mỳ tây và hương hoa sặc mùi công nghiệp. Còn tôi lại thích vị dẻo thơm của hạt lúa mới, tôi yêu hương của tháng năm đã quyện cùng vị của quê mình bằng chính trái tim của tuổi 17...
Tiết trời đang oằn mình với những đổi thay không báo trước, sáng có khi là làn sương mỏng quấn quanh đồi cọ, trưa lại gõ cửa nắng chói rọi đỉnh đầu bởi vậy đất cũng khác, nó trải qua bao nhiêu sương gió, có thấm là bao, nhưng đất có gì rất lạ, như là thoáng qua, như là rất thật, hương đất tỏa lên vị ngai ngái, hanh hanh và hòa mình vào hương thơm của rơm mới.
Dẫu là ba mươi, bốn mươi năm sau hay ngay bây giờ vẫn vậy, tôi yêu cái vị rơm thoang thoảng mà chẳng nhạt nhòa, theo thời gian, cứ quẩn chân khắp cánh đồng, khắp làng xóm, nó đi theo tuổi thơ tôi và lũ bạn cùng quê suốt bấy lâu nay, nó nhắc nhở tôi về tuổi thơ, về gian khó, vất vả của ông bà đến đời cha mẹ.
Vị của đất, ai bảo là không có? Vị đất nơi đây là vị của sương gió nhọc nhằn, vị của mồ hôi lã chã thấm từng hạt cơm dẻo bùi, là vị của nước mắt sướng vui, buồn khổ. Nhắc đến quê hương trong tâm tưởng tôi lại vang vọng lời thơ của Y Phương trong “Nói với con”:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói...”.
Có gian lao, có vất vả nhưng tôi nghĩ đó mới là niềm vui trong cuộc sống, cuộc sống này đâu chỉ no đủ về tiền bạc. Với tôi, được nuôi chí lớn trong gian khó là điều hạnh phúc nhất. Bởi chỉ có vậy, con người mới thấm nhuần, mới xót xa để mà trân trọng từng vị ngọt bùi trong cần lao, hương đồng gió nội ấm áp của từng thớ đất lành.
Nhà bà nội tôi ở chân đồi, dưới bao quanh là cánh đồng lúa tươi tốt. Ông nội tôi mất khi tôi lên 6, mỗi khi nhớ ông, tôi đứng một mình nhắm mắt nhìn mung lung vào khoảng không rất xa. Hương đất bay đến đánh thức từng giác quan của tôi, nó ùa vào ký ức tôi mau lẹ. Tôi trở về thời gian khi còn thơ bé, còn nô đùa tung tăng khi cha mẹ, cô chú đang gặt hái ngày mùa.
Cơn gió lùa vào tai khe khẽ, như là nhắc lại, như là lời thì thầm từ quá khứ. Tôi nhớ ông, nhớ những ngày ông cõng tôi lội nước trên đồng khi mùa mưa lũ, tôi thích thú, mà ông cứ thụt sâu từng tấc nước vượt dòng. Ông bảo: “Khi nào già yếu, cháu gái phải cõng ông đấy nhé!”. Giờ nước đã cạn vì trời đang chuyển đông và cũng không được ông cõng vì ông đã không còn nữa. Con người ra đi, hoài niệm vẫn là hoài niệm, chỉ có hương vị của đất, của lúa mới, của rơm rạ là còn mãi thôi!
Quê hương tôi không có những tòa nhà cao vời vợi, cũng không có những cánh đồng bạt ngàn rộng lớn như ở Mường Thanh, Mường Lò… và mảnh đất nơi đây cũng không có gì đặc biệt. Nhưng là quê hương tôi, tôi yêu hương đất ngàn năm không phôi pha, yêu cả mùi khói bếp vấn vương cùng rơm rạ, bình yên và sâu lắng. Hương vị ấy sẽ cùng tôi lớn lên và cùng tôi đi xa thật xa theo tiếng gọi của tâm hồn.
Nguyễn Thị Ngọc Mai (Lớp 12C1, Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái)
Các tin khác
Mỗi năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Rồi lại còn cả “mùa lễ hội”, “mùa Giáng sinh”, “mùa khai trường”... tất cả đều có chung đặc điểm là đến rồi lại đi.
“Cuối cấp rồi đấy, chú tâm vào mà học con nhé!”. Lời nói của mẹ hàng ngày nhắc nhở tôi một dấu mốc quan trọng - tôi 17 tuổi.
Ngày nay những chiếc điện thoại thông minh đã trở nên vô cùng thân thuộc với cuộc sống của con người. Thậm chí, mối quan hệ “như hình với bóng" ấy khăng khít đến nỗi nhiều người vô tình quên mất phải tận hưởng cuộc sống đang diễn ra từng ngày. Đặc biệt là thế hệ trẻ, những người đang sống trong một dòng chảy hối hả, hiện đại, phải suy ngẫm về thói quen sử dụng chiếc điện thoại của mình. Và điều tôi muốn nói là: “Bạn hãy bỏ điện thoại thông minh xuống và cảm nhận cuộc sống”.