Chuyện tôi và Thúy

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2015 | 2:37:38 PM

Cái Thúy ôm mặt nức nở chạy qua ngõ, tôi chưa kịp gọi thì cái bóng nhỏ bé đã mất hút sau mấy rặng ô rô ngoài đường làng. Bố tôi đang ngồi đan mấy cái bu gà dưới sân thở dài: “Chắc lại chuyện cô Vui bắt con Thúy nghỉ học ở nhà đây mà!”.

Nhà cô Vui ở cuối xóm, chồng mất sớm trong một lần tai nạn lao động, một mình cô vất vả xuôi ngược nuôi 3 đứa con nhỏ dại. Thúy năm nay vừa học hết lớp 9, là chị cả, dưới nó còn có 2 đứa em trai đang học tiểu học. Thú thực là tuy cùng xóm đấy nhưng ngày nhỏ tôi không ưa cái Thúy, cái mặt gì đâu mà lúc nào cũng lầm lầm lì lì, có những khi ra vào đụng nhau chan chát mà nó cũng không thèm chào hỏi tôi lấy một câu. Thậm chí, tôi còn dặn thằng Dũng em tôi là không được chơi cùng với cái Thúy kẻo lây cái tính “khinh khỉnh” của nó.

Nói vậy thôi nhưng mấy lần đi ra đồng, trời rét căm căm thấy có mình nó ngoi ngóp dưới ruộng bắt cua, bắt ốc, tôi cũng thấy thương. Tôi cũng con nhà nông nhưng chỉ thỉnh thoảng bố mẹ sai đi bẻ mấy bắp ngô về luộc hay đi đưa cơm buổi trưa thì mới phải ra đồng. Còn cái Thúy thì gần như ngày nào cũng vậy, cứ một buổi đi học, một buổi đi làm, hết cấy lúa, tra ngô, làm cỏ rồi lại gặt hái không ngơi nghỉ. Hết vụ thì lại thấy nó đi mót lúa, hái rau cải đồng… không kể đông hay hè. Nghĩ đến mấy lần gặp nó co ro dưới manh áo mỏng, bùn dính đầy mặt còn hở mỗi hai con mắt mà tôi thấy chạnh lòng quá. Vậy nên, có lần tôi bảo mẹ: “Con đem mấy cái áo cũ không mặc đến cho cái Thúy nhé!”.

Mẹ tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng vui vẻ đồng ý, mẹ còn cùng tôi gói gém đem qua nhà cô Vui. Lần ấy, cái Thúy nhận bọc quần áo của tôi thì ngượng lắm, nó không nghĩ là tôi quan tâm đến nó, cứ lí nhí mãi câu cảm ơn trong cổ họng. Hóa ra bình thường ở nhà nó cũng nói nhỏ như thế, bảo sao mọi lần gặp nhau nó chào tôi đều không nghe thấy, lại  tưởng nó “phớt” tôi.

Từ ấy, tôi hay sang nhà nó chơi hơn, Thúy hơi nhút nhát nhưng sống rất tình cảm, ngoan ngoãn và siêng năng. Nó có thể dành cả buổi tối chủ nhật để ngồi khâu vá quần áo cho cả nhà, điều mà tôi chưa bao giờ làm được. Ở lớp, cái Thúy học khá, lại hiền lành nên được thầy cô, bạn bè quý mến, có lần nó bảo tôi lớn lên nó cũng muốn trở thành cô giáo để về dạy học ngay ở trường làng mình. Tôi hào hứng động viên nó: “Chờ Thúy học hết năm nay rồi thi vào trường chị, hàng ngày chị em mình đi học chung”.

Thế mà đùng một cái, hôm trước nó tức tưởi chạy qua nhà tôi nấc nghẹn trong nước mắt, hóa ra mẹ nó có ý định cho nó học nốt năm nay rồi nghỉ học ở nhà, kiếm việc làm phụ mẹ nó nuôi 2 đứa em ăn học. Tôi chẳng biết phải nói gì, chỉ biết quàng vai nó an ủi vài câu động viên. Hôm nay chắc mẹ nó lại nói đến chuyện ấy nên nó mới vừa chạy vừa khóc như vậy. Nóng ruột, tôi đi tìm một hồi thì thấy nó ngồi ở bãi cỏ sau trường, 2 đứa cứ lặng im nhìn ra cánh đồng trước mặt mãi một hồi lâu. Rồi nó bất chợt quay sang tôi bảo: “Em suy nghĩ rồi, em sẽ đi làm vài năm đỡ mẹ rồi khi có tiền sẽ học bổ túc. Bằng giá nào em cũng phải đi học chị ạ…!”.

Nghe nó nói thế tôi mới để ý là nó đã hết khóc tự khi nào, thay vào đó là ánh mắt đầy quyết tâm.

Nguyễn Thị Quỳnh (Thôn Bình Minh, xã Y Can, huyện Trấn Yên)

Các tin khác

Mẹ tôi rất tham lam. Có lẽ người mẹ Việt Nam nào cũng tham lam giống vậy. Tham cái gì ư? Tham con cái mình học giỏi. Mà đã giỏi là phải giỏi đều các môn, tức là môn nào cũng phải 8, 9 phẩy. Không chỉ thế còn phải thi học sinh giỏi. Mà đã thi là phải có giải. Có thế mới làm mát mặt cha mẹ...

Ngày xưa, khi còn bé xíu bình yên đối với ta là những cây kẹo mút đủ màu, những phong bao lì xì ngày tết, những chiếc mặt nạ, vương miện đêm cỗ Trung thu, hay những bộ áo quần sặc sỡ...

Khoe sắc.

Khi sóng gió cuộc đời làm ta mệt mỏi, gia đình thân yêu chính là nơi ta tìm về. Dù cho mọi vật xung quanh có đổi thay theo quy luật khắc nghiệt của tạo hóa thì gia đình vẫn luôn là bến đỗ bình yên với mỗi người.

Trong vũ trụ bao la này không phải ai sinh ra cũng có thể sống trong niềm vui gia đình. Tôi cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người vì từ khi sinh ra tôi đã được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục