Nghề báo trong tim tôi
- Cập nhật: Thứ hai, 9/5/2016 | 3:13:21 PM
Nếu sợi tơ hồng để kết nối tình duyên của đôi trai gái thì chắc hẳn cũng sẽ có một sợi dây bí ẩn nào đó dẫn tôi tìm đến ước mơ. Ngày thơ ấu khi xem những bộ phim hình sự tôi luôn mong mình sẽ trở thành một nữ công an nhân dân đem lại bình yên cho xã hội.
Rồi ngày vào tiểu học ước mơ của tôi thay đổi khi nghe câu chuyện về cậu bạn trong lớp mắc chứng trầm cảm mà gia đình không có điều kiện chữa trị. Lúc bấy giờ tôi chỉ mong rằng mình là một nhà tâm lý học. Người ta nói rằng, ước mơ sẽ thay đổi khi mà con người ta đổi thay về sinh lý. Đúng như vậy, khi đã khôn lớn hơn, biết cảm nhận về cuộc sống thì ngọn lửa ước mơ trong tôi mới thật sự rực cháy.
Tôi khao khát trở thành nhà báo bởi lẽ nghề báo có cả những lý do mà tôi muốn thực hiện ngày bé và hơn thế, vì một câu chuyện khiến tôi thêm yêu nghề, trân trọng cái nghề cao quý.
Tôi vẫn nhớ năm tôi học lớp 8, gia đình tôi đã phải trải qua một trận sóng gió lớn, cả nhà ai cũng lo lắng vì ông ngoại tôi bị nghi ngờ có liên quan đến vụ tham nhũng. Thật may mắn, ông tôi đã được minh oan sau một tuần điều tra. Mãi về sau gia đình tôi mới biết, nhờ một nhà báo làm rõ vụ việc mà ông tôi đã được trả lại sự trong sạch. Cũng từ đó, ước mơ của tôi ngày càng lớn, ước mơ ấy vượt lên sự gian nan vất vả, đó là sức mạnh để tôi tiến tới thành công.
Có lẽ, không có nghề nào đi nhiều như nghề báo. Nhà báo phải đi khắp nơi để nắm bắt các nguồn thông tin, lặn lội rừng sâu, biên giới hải đảo, sống chung với người dân để có cứ liệu sống động cho bài viết. Nguy hiểm hơn, những nhà báo phải đến nơi có chiến tranh, bão lũ để tác nghiệp. Và cũng đã có những nhà báo phải bỏ mạng trong khi làm việc, nhất là những ai đưa tin về các tệ nạn xã hội, chặt phá các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy, mại dâm. Cũng có không ít những nhà báo bị uy hiếp, đe dọa đến tính mạng của mình và người thân.
Chính vì vậy, nghề báo được coi là nghề nguy hiểm nhất trong những nghề nguy hiểm. Nhưng phía sau khó khăn ấy, tôi lại tìm thấy ở nghề báo những niềm vui riêng. Nhà báo được đi khắp nơi, biết đến nhiều vùng đất mới, quen nhiều người bạn mới. Hằng ngày, độc giả chờ đón "món ăn tinh thần” mang lại thông tin cho họ, vì vậy nhà báo cũng làm công việc đem lại màu sắc mới cho cuộc sống, đồng thời cũng là "bác sĩ tâm lý” "của nhân dân”.
Hơn bao giờ hết, xã hội hiện nay cần có những người có đủ cái "tâm” và cái "tầm” của người làm báo. Đúng vậy, nhà báo phải thường xuyên xa nhà, cuộc sống mưu toan dựa trên vài đồng lương ít ỏi. Nếu không tận tâm với nghề thì tiền lương, tiền nhuận bút nhỏ nhoi ấy làm sao có thể níu giữ một con người? Không những thế, muốn có một chỗ đứng trong nghề đòi hỏi mỗi người làm báo phải có cái "tầm” của riêng mình.
Vì thế, nhà báo không chỉ đơn thuần là "đi” và "viết” mà còn phải luôn vững vàng, bản lĩnh trước những tiêu cực, phải trái, đúng sai, có một tư duy nhạy bén, có kỹ năng sống tốt để ứng biến. Tôi hiểu, khi là một nhà báo tôi có thể đi khắp nơi, viết về nhiều đề tài nhưng bài viết của tôi có được đón nhận hay không còn là một chuyện khác. Nghề nghiệp đòi hỏi tôi phải biết chọn lọc thông tin, có khả năng sáng tạo, vừa nêu lên hiện thực cuộc sống vừa bộc lộ tính khách quan trong bài viết.
Tôi luôn khát khao trở thành một nữ nhà báo yêu nghề gói gọn trong một chữ "tin”. Tin của "thông tin” mà tôi mang đến cho mọi người và "lòng tin” - thứ mà mỗi nhà báo cần đạt được. Tôi biết rằng, để có được hai thứ đó tôi phải làm việc bắt đầu từ sự thật và vì sự thật.
Ước mơ đã cho tôi thêm niềm tin để vượt lên hoàn cảnh của mình. Dù sinh ra trong một gia đình nông thôn nhưng không vì thế mà tôi tự ti về bản thân, vì tôi biết để trở thành một nhà báo trước hết tôi phải tự tin về năng lực của mình, sự tự tin ấy sẽ chắp cánh cho ước mơ của tôi trở thành hiện thực. Con đường chinh phục ước mơ còn rất nhiều gian nan ở phía trước nhưng tôi sẽ không nản lòng, không ngại khó khăn, cực khổ.
Tôi sẽ cố gắng thật nhiều, nhiều hơn nữa, chăm chỉ học tập, ham học hỏi, rèn luyện kĩ năng viết, tích cực tham gia làm cộng tác viên cho các tòa báo, năng nổ trong các hoạt động để chiếm lĩnh ước mơ của mình. Hy vọng rằng, một ngày không xa nữa, tôi sẽ trở thành một nữ nhà báo cháy hết mình vì một chữ "tin” trong nghề. Tôi dám ước mơ và sẽ cháy hết mình vì ước mơ ấy.
Nguyễn Thanh Xuân (Lớp 11A, Trường THPT Hoàng Quốc Việt)
Các tin khác
YBĐT - Đã bao giờ bạn tự hỏi ước mơ của mình xuất phát từ đâu? Từ sở thích hay từ những người mà bạn yêu mến, hâm mộ? Ước mơ thật sự là gì? Liệu chúng ta đã hiểu rõ về nó? Ở trường học, thầy cô luôn hỏi và khuyến khích chúng ta: là học sinh phải có ước mơ.
YBĐT - Cuộc thi viết “Ước mơ ngày mai” do Báo Yên Bái phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Yên Bái phát động ngày 17/9/2014, đến nay, đã đi được hơn nửa chặng đường.
Vào một ngày đặc biệt, tôi chợt nhận ra… hạnh phúc không phải là khi tôi được mẹ mua cho một bộ váy hoa hàng hiệu, cái mũ rộng vành đắt tiền. Mà hạnh phúc ấy là khi tôi góp từng khoản tiền ăn sáng và nhuận bút nho nhỏ để mua len hì hụi đan khăn tặng mẹ sưởi ấm cả mùa đông giá buốt.