Chia sẻ về bí quyết đạt điểm IELTS cao, Khánh (học sinh lớp 12 Anh 2 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) cho hay đầu tiên trong suốt quá trình học và làm bài, luôn phải có một sự tập trung cao độ.
"Chỉ khi tập trung như vậy, nghĩ đến bài thi, mình mới có suy nghĩ cẩn thận hơn. Bởi nếu xao lãng, không chỉ khiến mình mất thời gian còn dễ mắc phải những lỗi sai đáng tiếc. Trước khi làm bài thi cần có nhiều sự luyện tập làm quen với dạng thức bài sẽ gặp trong đề và cả phương tiện để làm bài, bởi thi IELTS có 2 cách thức thi: thi trên giấy hoặc trên máy tính. Ví dụ như khi làm phần Đọc hay Nghe, không nên ngại gạch chân dưới những từ khóa hay ý chính để lúc làm xong có thể khảo kiểm lại một cách dễ dàng”.
Nam sinh cũng chia sẻ "chiến thuật” học và ôn luyện từng cấu phần:
Với kỹ năng Listening, Khánh chủ động tìm nghe các video về lịch sử, địa lý, khoa học, thời sự… bằng tiếng Anh. Khi nghe, em đồng thời ghi chép lại những gì bản thân thấy thú vị hoặc chưa rõ để sau đó có thể tra cứu thêm. Khi làm bài luyện tập, Khánh cố gắng giữ tập trung để không bị bỏ sót thông tin, lắng nghe kỹ để nắm được các từ khoá cần tìm hoặc những mảnh ghép dẫn tới đáp án cuối cùng.
Với kỹ năng Reading, Khánh tìm tòi các trang thông tin, tạp chí khoa học… để đọc và học những từ ngữ mới. "Khi làm bài, cần đọc cẩn thận để đảm bảo không hiểu sai ý của tác giả bài viết hoặc bỏ lỡ thông tin trong các phương án trả lời. Em luôn cố gắng nối kết các từ khoá trong bài với các từ khoá trong câu hỏi nhằm dễ dàng nhận thấy đâu là câu trả lời đúng”, Khánh nói.
Với kỹ năng Speaking, Khánh luôn chủ động sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với bạn bè và thầy cô trong giờ tiếng Anh, cố gắng sao cho thật tự nhiên, trôi chảy nhất. "Kết hợp với việc nghe các bài nói chuyện hay các bài nói mẫu, em sẽ hiểu rõ hơn về nội dung và cách thức trình bày bài nói của mình sao cho ấn tượng nhất với giám khảo. Chúng ta cần cẩn thận, bình tĩnh khi tiếp cận đề và thể hiện tự tin khi trả lời”, Khánh chia sẻ.
Kỹ năng Writing, theo Khánh là khó nhất. Bởi vậy ngoài việc luyện đề thật thường xuyên, theo em, việc có sự tư vấn của thầy cô hay bạn học là rất hữu ích. Khi viết, cần chú ý phân bố thời gian viết các phần sao cho hợp lý nhất, nên lập dàn ý trước để tránh bị lạc đề, tránh mắc các lỗi dùng từ hay ngữ pháp đáng tiếc…
Nam sinh cũng cho rằng, để học tốt Tiếng Anh không cách nào hơn là cố gắng tiếp xúc thật nhiều.
"Ngay trong cuộc sống hằng ngày thôi, khi ta tiếp xúc với những video, những nội dung bằng Tiếng Anh, ta cảm nhận thấy chúng thú vị, gần gũi và từ đó thấy có niềm hứng thú lớn hơn, ham học hỏi hơn”.
Khánh cũng chủ động trong cách học của mình. "Những từ mới chưa biết, em sẽ chủ động tra cứu, sử dụng phần mềm dịch. Những câu nào chưa hiểu, em đi hỏi những người bạn để cùng nhau trao đổi. Với những từ hay kiến thức mới, em cố gắng ghi chép lại một cách khoa học và hợp lý nhất với bản thân, để sau này có thể dễ đọc lại, tiếp thu; từ đó thêm hiểu hơn những từ đó”.
Khánh cho hay em không học thuộc lòng mà cố gắng sử dụng các từ ngữ trong cuộc sống hằng ngày.
"Khi chúng ta sử dụng nhiều, tự nhiên Ngoại ngữ sẽ trở nên gần gũi, thậm chí thành bản năng”, Khánh nói.
(Theo Vietnamnet)