Trần Chí Tài, 28 tuổi, hiện là điều phối viên ở Trung tâm Khởi nghiệp Aalto, Đại học Aalto. Chàng trai Việt có mặt ở hầu hết sự kiện kết nối, mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Phần Lan với tư cách diễn giả. Nhiệm vụ chính của anh là cung cấp thông tin, kết nối các nhà khởi nghiệp, đại học...
Nơi anh làm việc có chương trình đổi mới sáng tạo được UBI Global, tổ chức đánh giá các chương trình ươm tạo doanh nghiệp liên kết với đại học, xếp vào top 3 thế giới năm 2022.
Du học hay làm trong lĩnh vực khởi nghiệp đều không phải tính toán ban đầu của Tài. Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở TP HCM năm 2015, Tài được gia đình định hướng học đại học trong nước. Song, Tài xin bảo lưu chỉ sau hai tuần, với lý do muốn học thiên về thực hành và tự tìm định hướng nghề nghiệp. Tài dành một năm vừa đi làm, vừa tìm kiếm cơ hội du học.
"Mình thích học, nhưng học qua thực hành ‘vào đầu hơn’ học lý thuyết", Tài giải thích.
Làm nhân viên ở một hãng thời trang quốc tế, Tài chịu khó trau dồi kỹ năng bán hàng và tiếng Anh. Anh thích công việc này vì có thể thấu hiểu từng khách hàng thông qua trò chuyện, từ đó giúp họ mua được sản phẩm ưng ý. Tài cũng thu nhận thêm kiến thức kinh doanh thực tiễn như cách vận hành cửa hàng, hệ thống hỗ trợ bán hàng hay quản trị quan hệ khách hàng.
Cùng đó, Tài nghe ngóng thông tin du học, học bổng từ bạn bè và mạng internet. Anh chuẩn bị hồ sơ, xác định gặp cơ hội nào là nộp đơn ngay vì không đủ tiền đi tự túc.
Đến giữa năm 2016, Tài đỗ hai trường, chọn Đại học Khoa học ứng dụng Lahti, Phần Lan. Anh thuộc lứa sinh viên quốc tế cuối cùng được miễn học phí và ưu đãi tiền thuê nhà, giao thông công cộng, ăn uống theo chính sách của thành phố. Tài học ngành Kinh doanh quốc tế - một trong hai ngành duy nhất dạy bằng tiếng Anh của trường.
"Mình gần như không có lựa chọn", Tài nói.
Tài vẫn nhớ đến Lahti vào đầu năm 2017, trong một đêm mưa tuyết âm 20 độ, còn đường phố không một bóng người. Nơi anh ở là một căn nhà trong rừng do trường cấp, trên đường đi học gặp nai, sóc... nhiều hơn bạn bè. Tài nói đây là cú sốc lớn vì cả thời tiết lẫn nhịp sống đều trái ngược hoàn toàn với TP HCM.
"Mình không nhớ đã gọi cho mẹ bao nhiêu lần kêu lạnh quá, con muốn về", Tài kể. "Nhưng dám làm dám chịu, mệt cũng phải cố thôi".
Tài chuyển đến thủ đô Helsinki chỉ sau vài tháng, chịu mỗi ngày ngồi tàu ba tiếng để cuộc sống năng động hơn. Theo anh, điểm hay nhất của chương trình học là sinh viên được tham gia các cuộc thi, dự án học thuật hay trao đổi văn hóa ở một quốc gia khác để có thêm kỹ năng, kiến thức thực tiễn. Trong khi phần lớn bạn chọn đi trao đổi ở châu Âu, anh tham gia cuộc thi ý tưởng kinh doanh do Samsung tổ chức tại Hàn Quốc, năm 2019, và giành giải nhất.
Cùng năm, anh phụ trách marketing cho sự kiện kết nối việc làm của hiệp hội khởi nghiệp sinh viên. Tài nói lúc đó mới biết khởi nghiệp là gì, dù đã hơn một năm học về kinh tế. Ngoài truyền thông, anh còn giúp sinh viên biết thêm về các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, hay kết nối họ với các doanh nhân để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Ý tưởng về một công việc giúp đỡ các nhà khởi nghiệp cũng từ đây nảy ra.
Tài nhận thấy Phần Lan có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhưng không áp dụng với người nước ngoài. Vì vậy, trong kỳ thực tập, anh tự mở công ty, tìm hiểu những khó khăn mà người nước ngoài thường gặp phải, từ đó đánh giá và nêu khuyến nghị cho chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Phần Lan.
Tài mô tả đó là nửa năm quay cuồng với hàng loạt tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp, văn bản pháp luật, thống kê viết bằng tiếng Phần Lan. Anh cũng làm đủ các bước từ đăng ký công ty, mã số thuế, đến thiết kế và vận hành trang web bán sản phẩm.
"Tất cả là để mình học hết những gì muốn học và nhận ra rất khó để người nước ngoài khởi nghiệp tại đây", Tài chia sẻ.
Sau tốt nghiệp, Tài làm marketing ở một số nơi, rồi quay lại mảng hỗ trợ khởi nghiệp. Năm 2023, anh là trưởng ban vận hành toàn cầu của Junction, tổ chức đổi mới sáng tạo công nghệ Phần Lan có sự kiện hackathon lớn nhất châu Âu. Từ 4 chi nhánh trong nước, Tài mang Junction hackathon đến hơn 10 địa điểm ở nước ngoài với hơn 20.000 người tham gia. Tài được đề cử gương mặt Forbes 30 under 30 châu Âu, hạng mục Tác động xã hội, nhờ hoạt động này.
Chí Tài giới thiệu về Junction hackathon trong sự kiện của Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, cuối năm 2023.
Bên cạnh đồng sáng lập và cố vấn một diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Balkan, châu Âu, công việc chính của anh là điều phối viên ở Trung tâm khởi nghiệp Aalto, từ đầu năm ngoái. Tài cho biết anh là người đầu tiên đảm nhiệm vị trí này.
"Vui nhất là mình được thỏa thích sáng tạo, định hình cho vị trí này, nhưng đôi khi mất định hướng", Tài nhìn nhận. Anh ví dụ, thay vì được chỉ định công việc vào mỗi sáng, anh thường được sếp hỏi "thử thách hôm nay của chúng ta là gì".
Chị Lê Vân Anh, quản lý nhân tài tại Thương vụ Phần Lan, nhắc đến Tài như một đồng nghiệp tự tin, năng động và cầu toàn.
"Tài rất chủ động, nhanh nhạy nắm bắt vấn đề và biết tạo không khí hợp tác vui vẻ với mọi người", chị chia sẻ. "Mỗi khi có chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Phần Lan và Việt Nam, tôi thường nghĩ đến Tài đầu tiên".
Chí Tài (thứ ba, từ phải sang) cùng các nhà đầu tư trong diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Balkan, tháng 12/2024.
Sau 8 năm du học, Tài có thể dùng tiếng Anh, Phần Lan. Anh hiện có hai quốc tịch Việt Nam và Phần Lan.
Nhìn lại, Tài thấy hành trình của mình được truyền cảm hứng nhiều từ mẹ, người tự mở nhà hàng sau hàng chục năm làm trong ngành dịch vụ. Tài mong muốn tương lai gần có thể kết nối và góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
(Theo VnExpress)