Ông nội

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2011 | 9:41:03 AM

Mỗi lần nhìn chiếc lá lìa cành chu du cùng làn gió heo may tôi lại nhớ đến ông nội của mình. Những kỷ niệm về ông nội ùa về trong tâm trí tôi theo màu vàng của nắng mùa thu.

Ông tôi là người mà tôi hết mực yêu quý và kính trọng. Thuở nhỏ, tôi thường nghĩ ông là một cây cổ thụ bởi ông có dáng người cao lớn, làn da ngăm đen, đôi bàn tây thô ráp, những nếp nhăn xô lại với nhau trên khuôn mặt khắc khổ vì gió sương. Ông tôi rất thích trồng cây cảnh. Sau nhà, ông có một khu vườn trồng đủ thứ cây, từ cây cảnh đến cây ăn quả. Hồi bé, tôi hay nhè lúc ông không để ý mà hái bông hoa hiếm hoi của cây hoa cảnh làm ông tiếc mãi.

Mỗi sáng, ông bước ra vườn cây, nhắm mắt, nghe âm thanh xào xạc của lá, ngửi mùi đất hăng nồng, mùi nhựa cây chan chát. Ông dạy tôi lắng nghe tiếng chim hót, tiếng ve, tiếng lá cây như nghe một bản nhạc giao hưởng. Không chỉ vậy, ông còn dạy tôi cảm nhận mọi thứ từ thiên nhiên.

Tôi còn nhớ, một chiều ông dẫn tôi ra vườn. Ông chỉ chiếc lá vàng, nói: “Đó là ông, còn chiếc lá xanh kia là cháu” và ông bảo: “Con người cũng như một chiếc lá, khi trẻ thì góp tươi vui cho đời, khi già trở lại quê hương rồi như chiếc lá rụng về cội”.

Tôi rời xa ông, theo bố mẹ lên Yên Bái. Chuyện học hành thi cử cứ cuốn tôi đi khiến tôi quên ông như quên chiếc lá vàng. Nhưng tôi vẫn hình dung ra chiều chiều khi những cánh chim bay về tổ thì ông lặng lẽ thổi cơm, thắp vài nén hương cho bà. Trong căn nhà lạnh lẽo chỉ có một mình ông, mùa đông như dài hơn.

Nhẹ nhàng và thanh thản, ông ra đi như chiếc là lìa cành. Có lẽ vào những phút cuối đời, ông nghĩ đến khu vườn ngập tiếng chim ca, tiếng cười của tôi và nụ cười hiền hậu của bà. Tôi thấy hụt hẫng quá! Dường như tôi đã đánh mất cái gì quan trọng lắm, nước mắt tôi cứ tự trào ra.
Giờ tôi mới hiểu lời ông nói: “Đời người như một chiếc lá”. Trời thu xanh ngắt, lồng lộng. Biết đâu ở trên cao kia ông vẫn đang dõi theo tôi mỉm cười.

Đặng Vũ Hoài Linh - (Lớp 8A, Trường THCS Yên Thịnh, thành phố Yên Bái)

Các tin khác
Nhà ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải (Mù Cang Chải), nhóm học sinh này phải đi bộ từ 5 giờ sáng. Cặp lồng cơm là bữa ăn trưa để vào học buổi chiều.

Đã bao giờ bạn dừng lại ở một điểm nào đó trên con đường bạn đang đi và nhìn lại, bạn thấy gì trên quãng đường dài đó? Liệu bạn có thấy những khó khăn thử thách? Có thấy những “hòn đá” cản đường bạn? Và … đã bao giờ bạn “gục ngã”?

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, nhận được nhiều ân huệ của núi rừng, nhưng chưa bao giờ tôi day dứt nghĩ về nó như thế. Giờ đây, khi phải xa một nơi mà mình quá đỗi thân thuộc, tôi mới cảm nhận như mình đã đánh mất những thứ thật sự quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục