Một lần mắc lỗi
- Cập nhật: Thứ ba, 11/9/2012 | 10:18:09 AM
Tôi là một cậu học sinh tiểu học rất hiếu động, nghịch ngợm và luộm thuộm. Tôi rất ghét những đứa nào trái ngược với tôi như là thằng Nam - hàng xóm của tôi. Nó ngoan ngoãn, học giỏi. Bố mẹ tôi lúc nào cũng mang nó ra làm tấm gương để so sánh. Vì vậy tôi rất ghét nó.
Lên lớp sáu, tôi với nó lại học cùng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh nhưng rất may là không học cùng lớp. Tuần này, lớp 6A của nó trực tuần, nó và thằng Khánh được cử làm cờ đỏ theo dõi nề nếp lớp tôi.
Giờ truy bài hôm thứ ba, tôi ngồi trong lớp cựa quậy không yên. Thằng Nam nhìn thấy liền ghi tôi vào sổ cờ đỏ. Á à... thằng Nam... nó dám ghi tôi vào sổ cờ đỏ. Tôi chạy ra ngoài xin nó mãi mà nó không tha. Tuần này thế nào tôi cũng bị phê bình trước lớp và trừ điểm thi đua rồi. Bực mình quá! Vì nó mà bao nhiêu lần tôi bị bố mẹ mắng, nào là: “Con chẳng bằng một góc của thằng Nam”, rồi: “Con mang sách vở sang mà học tập bạn Nam”...
Càng nghĩ tôi càng thấy thằng Nam quả là khắc tinh của mình. Nhất định tôi sẽ trả thù nó, cho nó chừa cái thói ngoan ngoãn, chăm chỉ quá mức đi. Ngồi trong giờ học tôi miên man suy nghĩ, tìm xem có kế nào hay không. Chợt có một ý định lóe lên trong đầu tôi.
Sáng hôm sau, tôi mượn cái kìm của bố mang đến trường. Tôi đút cái kìm vào túi để không ai biết. Đang trong giờ học, tôi giả vờ nhăn mặt kêu đau bụng và xin ra ngoài. Cô giáo đồng ý, tôi chạy vội ra nhà xe.
Tôi để ý xung quanh. May quá, không có ai nhìn thấy tôi, còn bác trông xe đang vào văn phòng uống nước. Tôi tìm xe thằng Nam. A... đây rồi, cái xe màu xanh lam, cái xe bố nó mới thưởng cho nó hôm nó được học sinh giỏi, cái xe mà cả bọn trẻ con xóm tôi vẫn ngắm nhìn và ao ước. Tôi bắt đầu rút kìm ra, tôi run như cầy sấy, tim tôi đập thình thịch.
Lấy hết dũng khí, tôi đưa kìm vào phanh xe ở phía dưới, rồi bóp mạnh cái kìm. Xoạch... cái phanh xe đứt lìa, nhìn cái phanh đứt, lòng tôi đầy lo sợ vì thực ra tôi đã làm việc xấu bao giờ đâu. Tôi chạy một mạch về lớp, ngồi vào chỗ rồi mà lòng tôi vẫn thấp thỏm không yên, tôi bắt đầu thấy sợ...
Tùng... tùng... Tiếng trống tan trường đã điểm. Bọn học sinh chúng tôi chen nhau ra khỏi lớp, ai cũng muốn về sớm vì đói. Tuần trước tôi vi phạm khuyết điểm nên bị phạt đóng cửa sổ lớp nên mấy phút sau mới được về.
Nhảy lên chiếc xe đạp, tôi phóng như bay ra khỏi cổng trường vì về nhà muộn lại bị bố mẹ mắng. Ra khỏi cổng trường một quãng, phía chân dốc, tôi thấy có một đám đông đang xúm xít lại ven đường.
Dù muộn, tôi vẫn tạt vào xem chuyện gì xảy ra. Tôi há hốc mồm sửng sốt khi thấy thằng Nam nằm sõng soài trên đất, mặt nó tái mét, cặp bị văng ra đường, chiếc giỏ xe bẹp dúm. Tôi biết ngay ra là hậu quả này là do tôi gây ra. Vì xe đứt phanh nên thằng Nam đã lao xuống dốc, vào ngay cái ổ gà giữa đường. Tôi run lên vì sợ.
Mọi người đưa thằng Nam ra viện, tôi gửi xe của nó vào nhà ven đường rồi cầm cặp của nó lẽo đẽo đạp xe theo. Tôi chỉ mong nó không bị làm sao và trong tôi là một niềm hối hận. Tôi tự trách mình: “Tại sao, tại sao tôi trả thù bằng cách ác thế, nếu nó bị què tay hay bị tàn phế thì sao, tôi sẽ ân hận suốt đời...”. Nhưng thật may, nó chỉ rạn một đoạn xương, bó bột là khỏi.
Tối hôm đó, bố thằng Nam sang nhà tôi nhưng không phải chú ấy biết việc tôi đã làm mà chú ấy sang cám ơn tôi vì mang cặp sách về cho thằng Nam và báo tin kịp thời cho gia đình. Nghe bố Nam khen tôi mà tôi xấu hổ vô cùng, thấy mình thật tồi tệ. Tôi thầm nghĩ nhất định mai tôi sẽ vào thăm, xin lỗi nó...
Từ đó, tôi với Nam đã trở thành bạn thân, vui buồn có nhau và tôi cũng tiến bộ hơn trước nhiều rồi. Tôi kể chuyện này để mong các bạn khác đừng dại dột mắc lỗi như tôi.
Đoàn Minh Hiếu - (Lớp 7A, Trường THCS Lương Thế Vinh, Văn Yên)
Các tin khác
Cô bé rời khỏi lớp học thêm tiếng Anh, bước chân đếm từng viên gạch trên hè đường một cách hồn nhiên. Xung quanh cô là những ánh đèn rực rỡ sắc màu của khu trung tâm thành phố.
Lại thêm một lần không thể chạm tay tới ước mơ... Giống như những lần trước, nó cảm thấy vô cùng mệt mỏi và muốn dừng bước. Nó muốn đi một nơi nào đó thật xa, trốn vào một chỗ nào đó thật kín để không ai có thể tìm thấy nó, để nó không phải đối diện với chính nó – một đứa luôn thiếu sự may mắn. Nó buồn lắm...
Lớp học nhỏ của chúng tôi vừa tổ chức một buổi thảo luận về những ý kiến nhằm giúp mọi người gắn kết lại gần nhau hơn và làm sao để yêu thương một cách chân thật.
Giờ đây, cháu không còn có cơ hội để hỏi bà: “Bà ơi! Bà còn nhớ những ngày tháng cháu ở bên bà khi còn bé chứ?”. Thế nhưng trong trái tim cháu hình ảnh về bà, về miền quê thân yêu mãi mãi không phai mờ.