Người thầy
- Cập nhật: Thứ ba, 6/11/2012 | 9:46:47 AM
Câu chuyện giữa thầy và bạn mãi mãi khắc ghi trong tôi mỗi khi nói về chủ đề thầy - trò. Chuyện của bạn vừa là một sự việc khó có thể quên ngày còn cắp sách tới trường, vừa cho chúng tôi nhiều bài học cho tới tận bây giờ.
Một tiết dạy văn của thầy Nguyễn Đức Anh cho học sinh lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM. (Ảnh minh họa)
|
Ngày hôm đó, tiết Hóa sẽ là một tiết học bình thường và suôn sẻ như bao giờ học khác nếu không có tình hình căng thẳng giữa một bên là thầy, một bên là trò. Bạn thắc mắc về một bài tập khó, thực ra là bạn làm được nhưng theo cách của bạn, vì thế nên chưa hiểu lắm cách làm của thầy và còn băn khoăn không biết cách mình làm có đúng không. Lấy hết can đảm, bạn đứng lên hỏi thầy nhưng không sao diễn tả được hết ý mình muốn nói.
Như mọi ngày, thầy tận tình giảng giải cho bạn nhưng có lẽ vì không hiểu ý hỏi của bạn nên vấn đề sang một hướng khác. Cách thầy giảng làm bạn thấy tự ái vì bài làm của mình không được đánh giá cao, thầy bảo thủ và không chịu để học trò sáng tạo. Dù không hỏi thêm gì nữa nhưng bạn ngồi xuống, mặt nóng ran trong khi vẫn thấy chưa thực sự thỏa đáng.
Bài tập sau nữa, cũng dạng bài đó, thầy gọi bạn lên bảng. Bạn ấm ức đến phát khóc khi cho rằng thầy đang cố tình làm khó bạn bằng cách hỏi vào phần bạn còn chưa kịp hiểu, vào phần mà bạn không đồng tình với cách làm của thầy. Không khí lớp học trở nên căng thẳng khi bạn cứ nhất quyết không lên và tỏ thái độ khó chịu với thầy trong khi thầy không nói năng gì, lặng lẽ bỏ ra ngoài hiên lớp.
Chẳng có gì to tát xảy ra nhưng ai cũng thấy thời gian sau đó bạn học trong cảnh bất mãn và không phục, thậm chí là chống đối, còn thầy cứ buồn buồn nghĩ ngợi. Phải nói thêm rằng chúng tôi tuy là thế hệ học trò cuối cùng của thầy trước khi nghỉ hưu nhưng không vì thế mà thầy không tâm huyết và tận tụy.
Đối với lứa học sinh nào cũng vậy, thầy luôn là người thân thiện, gần gũi bởi sự vui tính, lạc quan trong khi chúng tôi biết cuộc sống của thầy nhiều khó khăn làm thầy phải lận đận, vất vả. Ngoài kiến thức, thầy còn truyền đạt những lời khuyên bổ ích, những câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống cho chúng tôi. Các thế hệ học sinh đều yêu quý, kính trọng thầy và lớp tôi không phải ngoại lệ. Có điều là chưa bao giờ thấy thầy buồn vì học trò như thế, tính thầy hay suy nghĩ…
Ngày 20/11, cái ngày mà lũ trò nhỏ muốn gửi những lời chúc tốt đẹp, bó hoa tươi thắm như một sự tri ân tới thầy cô giáo đáng kính của mình, cả lớp tới chơi nhà thầy vui vẻ lắm mà bạn không đi. Có thể là nỗi niềm trong bạn còn chưa tan hay bạn ngại đối diện với thầy. Dù với lý do nào đi nữa thì sự vắng mặt của bạn trong ngày 20/11 cuối cùng thời học sinh làm chúng tôi thấy thiếu sót với thầy và hơn hết là thấy tiếc cho bạn.
Tháng năm thấm thoát trôi, bây giờ đứa nào cũng bận rộn với công việc của mình mà bỏ quên mất lời hứa hẹn sẽ “hội họp” thường xuyên của thời cấp ba. Ngày lớp trưởng kêu gọi các bạn tập trung gặp mặt khẩn là vào ngày thầy đã vĩnh viễn ra đi. Cho đến lúc bạn bè gặp nhau trò chuyện, nhìn lại chuyện ngày xưa, đứa nào cũng phải thừa nhận hồi đó thầy rất quý mến bạn. “Thương cho roi cho vọt”. Bạn cứ bức xúc mỗi lần thầy trừ điểm bạn một cách vô lý ở những lỗi “vớ vẩn”, từ tính toán nhầm, gạch xóa rồi thì chữ viết nguệch ngoạc, bài làm ẩu… đến bắt lỗi bạn những bài tập khó nhằn.
Thực ra, người ngoài nhìn vào cũng biết không phải thầy đang trù dập gì mà trái lại, muốn bạn phải nhận ra điểm còn thiếu sót của mình, và luyện thế nào để khắc chế được nó, cũng là rèn luôn cả tính cách nhanh ẩu, hấp tấp của bạn mà thôi. Hôm 20/11 năm đó, thầy cũng tâm sự thật lòng với chúng tôi là trong mắt thầy, bạn là một học sinh xuất sắc và đầy triển vọng.
Bạn thừa khả năng vào đội tuyển môn Hóa và giành giải cao; rằng thầy tin tưởng và đặt nhiều hi vọng ở bạn biết mấy. Bạn thông minh, có tư duy tốt và cũng chịu khó tìm tòi, nghiên cứu về môn học nhưng chưa cẩn thận nên hay sai sót mà học, thi hay làm mai sau thì sự chính xác, tỉ mỉ là rất cần thiết.
Ngẫm lại lời thầy quả không sai, bạn luôn dẫn đầu lớp về khoản học lực, bạn học cừ hơn hẳn bọn tôi thế mà lạ là về sau lại không thành đạt bằng nhiều đứa học nhàng nhàng trong lớp. Bạn bây giờ, trưởng thành và chín chắn hơn, đôi khi nhớ về bài học của thầy mà tiếc nuối. Thì ra hôm đó thầy gọi bạn lên bảng là muốn bạn làm theo cách của mình trước rồi thầy trò cùng trao đổi nếu gặp vướng mắc. Thì ra thầy dành cho bạn nhiều bài học quý giá đến từ tình yêu thương, lòng tận tụy mà nó còn nguyên ý nghĩa trong đời bạn bây giờ.
Lần đầu tiên tôi thấy một đứa cứng cỏi và mạnh mẽ như bạn khóc, bạn ân hận và thương thầy quá! Giá mà bạn nhận ra cái sai của mình, giá mà bạn nhận ra những điều mà thầy gửi gắm. Khi mà thầy đã nằm sâu dưới ba tấc đất… bạn ước ao được quay ngược thời gian trở lại những năm tháng đó, nghẹn ngào và thổn thức: Thầy ơi!
Còn chúng tôi, chúng tôi tiếc cho đời người thầy có tâm với nghề, với học trò. Ngay khi có những khúc mắc do người ta chưa hiểu và thông cảm được cho nhau, hãy cố gắng làm rõ những hiểu lầm, giải quyết những bất hòa trước khi nó làm mất đi những tình cảm tốt đẹp, nhất là với những người thầy của mình, hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của họ mà suy ngẫm, để đừng tự biến mình thành kẻ vô ơn rồi hối hận về điều đó.
Nguyễn Diệu Huyền - (Lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Là một cô bé nông thôn, học xa nhà ở giữa nơi thành thị đông đúc. Đã có những lần tôi cảm thấy cô đơn giữa chốn đất khách quê người, để rồi tôi vùi mình vào việc học hành mà quên đi mất thứ tình cảm thân thương của gia đình.
Nếu có một điều ước… Là con gái, đã bao giờ bạn ước là một đứa con trai? Tớ dám chắc không dưới một nửa số con gái được hỏi có "khát khao" được là con trai.
Bốn năm học cấp II sắp trôi qua thật nhanh nhưng đọng lại trong tớ rất nhiều kỷ niệm.
Bạn có bao nhiêu người mẹ? Hẳn câu trả lời mà bạn gửi đến tôi là "một". Nhưng nói thật với bạn, một sự thật 100%, tôi có rất nhiều mẹ. Đừng bất ngờ vội mà hãy nghe tôi trước nhé!