Giao lưu rộng, bạn bè gợi mở cho nhiều ý tưởng làm báo
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2015 | 2:41:51 PM
YênBái - YBĐT - Tôi nhận nhiệm vụ làm Tổng biên tập Báo Yên Bái từ 15/09/1994. Hoàn cảnh lúc đó về cơ bản vẫn chưa ra khỏi bao cấp, kinh phí hạn hẹp, một năm Báo Yên Bái chỉ có 300 triệu được ngân sách Đảng cấp cho bao gồm cả chi cho con người, bộ máy và xuất bản báo. Tờ báo giữ nguyên hình thức nghiêm trang như anh chị em vẫn nói vui là: “áo bốn túi, dép bốn quai”, nghĩa là chỉ có các tin tức và những bài chính luận, phản ánh. Các chế độ nhuận bút, khen thưởng… cũng chỉ “ba cọc ba đồng” do ngân sách cấp.
Tôi vốn có thời gian đã công tác ở Đài phát thanh. Bên đài thì có rất nhiều chuyên mục cho thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, của các ngành… về Báo muốn làm nhưng thực lực không có. Trong một lần trao đổi với anh Nguyễn Văn Tuyết, lúc đó là Bí thư Tỉnh đoàn, anh Tuyết bảo tôi:
- Anh cho em mỗi số báo độ 1/4 trang chuyên viết về thanh niên, viết cho thanh niên được không? Em sẽ hỗ trợ các anh 300 nghìn đồng/tháng và giao cho anh em viết tin bài cung cấp cho các anh.
Tôi đồng ý. Thế là chuyên mục “Tuổi trẻ Yên Bái” ra đời. Có thêm tí chút kinh phí để thưởng, động viên phóng viên và cộng tác viên nên chuyên mục phát triển tốt. Từ gợi ý đầu tiên đó tôi chủ động gặp gỡ, trao đổi và đề nghị các ngành: công an, nông nghiệp, y tế, công đoàn, phụ nữ… mở tiếp các chuyên mục, một số ngành còn xin ra hẳn chuyên trang. Rồi một số ngành như anh Ngô Xuân Thắng - Viện trưởng VKSND tỉnh, anh Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị ra hẳn cho một số chuyên đề kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, in thêm trang, in màu, bìa giấy cupse các ngành hỗ trợ kinh phí. Tôi nhận lời, các số báo đều được các ngành đánh giá cao khi đẹp về hình thức, tuyên truyền đậm nét về nội dung.
Trên cơ sở đó, Ban Biên tập chúng tôi bàn bạc và có tờ trình xin Thường trực Tỉnh ủy xét cho phép Báo Yên Bái được hợp tác với các ngành, các địa phương để mở chuyên trang, chuyên mục và ra các số báo chuyên đề theo yêu cầu tuyên truyền nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương; cho phép Báo được huy động kinh phí tuyên truyền do các ngành, địa phương hỗ trợ để tăng quỹ nhuận bút và khen thưởng cho phóng viên, cộng tác viên. Tỉnh ủy đồng ý tiếp, làm việc với Ban Biên tập Báo, sau đó có Thông báo số 272 của Thường trực Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Văn Ý - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy ký. Đó là một văn bản quan trọng mở đường cho sự phát triển của tờ báo thoát dần khỏi cơ chế bao cấp, quỹ nhuận bút và khen thưởng tăng lên đáng kể, tờ báo cũng được trình bày phong phú, đa dạng, đẹp hơn. Cũng nhờ đó mà Ban Biên tập mạnh tay thưởng cho các bài hay, ảnh đẹp mỗi tháng một lần.
Cũng trên cơ sở Thông báo số 272-TB/TU mà báo làm quảng cáo các số báo tết ngày càng nhiều và làm cho tờ báo thêm đẹp, thêm phong phú, phóng viên, cộng tác viên cũng có thêm thu nhập. Tờ báo thật sự có bước khởi sắc đi lên, anh chị em phóng viên phấn khởi, yên tâm với công việc của mình. Có lần anh Hữu Tê báo cáo ốm, hôm sau vẫn thấy đến cơ quan, tôi bảo: Chưa kịp đi thăm anh ốm anh lại đến làm à? Anh cười bảo: - Không khí làm việc thế này, sắp đại hội Đảng đến nơi rồi không dám ốm nữa! Phải đi săn ảnh cho các sự kiện lớn với lại tết sắp đến rồi!
Với sinh khí mới, khơi dậy được tinh thần lao động hết mình với trách nhiệm cao, sự yên tâm và gắn bó với tờ báo, với cơ quan đã tạo bước đột phá quan trọng để Báo Yên Bái đổi mới không ngừng. Có lúc rảnh rang, tôi đã xem lại bài giảng của các nhà báo lão thành có những câu như: “Chúng ta đang làm báo theo kiểu bao cấp, nghĩa là tờ báo chỉ để cho bí thư, chủ tịch và trưởng ban tuyên giáo đọc. Phải đổi mới tờ báo, bên cạnh những thông tin chính thống cần có thêm chuyên mục, chuyên trang để các tầng lớp lao động, công nhân, thanh niên, trí thức, công an, bộ đội, thiếu nhi… ai mở tờ báo ra cũng thấy có phần cần đọc, có bài nói đến việc của mình hoặc mình cần biết, tờ báo mới được bạn đọc quan tâm và có sức sống”...
Thì ra thế! Các thầy đã dạy cả, nhưng từ lý thuyết đi vào cuộc sống đâu có đơn giản. Nó đòi hỏi phải mày mò, trăn trở suy nghĩ và từ thực tiễn cuộc sống dạy ta cách làm hay.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ lại chuyện cũ, người xưa, tôi càng cảm ơn anh em bạn bè bởi chính sự gợi ý của các anh, chị đã gợi cho tôi có những ý tưởng sáng tạo để có một số đóng góp nho nhỏ cho tờ báo tỉnh nhà trong những năm tôi được làm việc ở Báo Yên Bái. Câu chuyện của tôi cũng muốn nhắn gửi các đồng nghiệp trẻ rằng: Làm báo nên giao thiệp rộng, có nhiều bạn bè sẽ gợi mở những ý tưởng phục vụ chuyên môn.
Nguyễn Thanh Vân (Nguyên TBT Báo Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Trải qua 14 mùa giải, Giải báo chí Yên Bái hàng năm ngày càng khẳng định uy tín, thu hút sự tham gia đông đảo của những người làm báo trong tỉnh. Mùa giải năm 2015, với 43 tác phẩm của 4 loại hình báo chí được trao giải là số lượng giải cao so với những mùa giải trước, đã thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết của các nhà báo và hội viên trong tỉnh.
YBĐT - Trong những ngày này, những người làm báo cả nước phấn khởi, tự hào kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015). Trong 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành với lịch sử dân tộc, là một bộ phận không thể tách rời của tiến trình cách mạng nước ta.
YBĐT - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí và các thế hệ những người làm báo Yên Bái. Báo Yên Bái xin trích đăng bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường tại buổi gặp mặt.
YBĐT - Trong quãng đời làm, báo vùng cao luôn là đề tài hấp dẫn với tôi. Bởi lẽ, cuộc sống đang thay da đổi thịt ở vùng cao, vùng các dân tộc thiểu số đã cuốn hút, mang lại nhiều cảm hứng, do đó những tác phẩm như: "Người giỏi Pá Hu", "Chuyện từ làng Dao Khe Ván", "Về vùng đặc sản nếp Tan", "Lênh đênh làng ven"... không chỉ là sự thích thú cho bản thân mà còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc.