Thân thiện với cơ sở, trách nhiệm với công việc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2015 | 2:43:50 PM

YênBái - YBĐT - Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt coi trọng về đạo đức, tư tưởng báo chí. Khi cầm bút, Người không hề quan tâm đến tên tuổi và lợi ích riêng, Người viết không phải để “lưu danh thiên cổ” mà chỉ hướng về cái đích thiêng liêng là mang trí tuệ và ngòi bút của mình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…

Chủ trương “3 không” của Đảng ủy, Ban biên tập Báo Yên Bái đã được cụ thể hóa qua các tiểu phẩm tại Hội thi đoàn viên thanh niên ứng xử “3 không”.
Chủ trương “3 không” của Đảng ủy, Ban biên tập Báo Yên Bái đã được cụ thể hóa qua các tiểu phẩm tại Hội thi đoàn viên thanh niên ứng xử “3 không”.

Học và làm theo đạo đức, tư tưởng của Người, hội viên Chi hội Nhà báo Báo Yên Bái không ngừng nỗ lực phấn đấu tu dưỡng rèn luyện. Ý nghĩa hơn, Đảng ủy, Ban biên tập Báo Yên Bái đã phát động chủ trương “3 không” (không dọa nạt, hách dịch cơ sở; không vòi vĩnh, xin tiền; không say xỉn rượu, bia) khi tác nghiệp tại cơ sở) đã mang lại hiệu quả.

Bác căn dặn, mọi thế hệ người làm báo phải trung thực, thẳng thắn đấu tranh với cái xấu, tuyên truyền, động viên cổ xúy cho những giá trị cao đẹp... Điều này đã được Hội Nhà báo Việt Nam cụ thể hóa ở 9 điều quy định về đạo đức người làm báo chí Việt Nam. Những quy định này nhằm điều chỉnh hành vi không đúng đắn nhưng không mang tính chất cưỡng chế mà chỉ mang tính tự giác trên cơ sở trách nhiệm, lương tâm và lòng tự trọng của nhà báo. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức này và dựa vào tính chất của những hành vi, mỗi nhà báo sẽ phải tự điều chỉnh hành vi của mình trong hoạt động tác nghiệp tại cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức nhà báo. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Yên Bái đã đưa ra chủ trương thực hiện “3 không” với cán bộ, phóng viên Báo Yên Bái khi tác nghiệp tại cơ sở.

Hội viên Nguyễn Thị Thanh Ba, phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội cho biết: “Bản thân tôi xác định đây là một chủ trương đúng đắn được Đảng ủy, Ban biên tập Báo Yên Bái cụ thể hóa trong thực hiện quy ước đạo đức nghề báo với đội ngũ phóng viên. Là một quy định mà mỗi cán bộ, đảng viên, phóng viên toàn cơ quan nói chung, đặc biệt là những phóng viên trẻ phải chấp hành nghiêm túc. Thiết thực hơn, vừa qua, Chi đoàn Báo Yên Bái đã tổ chức thành công Hội thi đoàn viên thanh niên Báo Yên Bái ứng xử “3 không”, qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, phóng viên nói chung, đặc biệt đội ngũ phóng viên là đoàn viên thanh niên nói riêng”.

Thời gian gần đây, những thông tin về phóng viên dọa nạt, või vĩnh, hách dịch khi tác nghiệp tại cơ sở diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều sự việc đã được phanh phui, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nhà báo cách mạng trong lòng nhân dân, bạn đọc. Hội viên Chi hội Nhà báo Báo Yên Bái tuy chưa có những sự việc hay vụ việc bị phát hiện nhưng cũng là bài học cảnh tỉnh đối với mỗi cá nhân. Trong xu thế thông tin hiện nay, nhiều nhà báo với suy nghĩ chủ quan đã áp đặt cái tôi của mình quá cao trong nhìn nhận, đánh giá vấn đề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.

Chia sẻ vấn đề này, nhà báo Trần Ngọc Sơn - Phóng viên Phòng Báo Yên Bái điện tử cho biết: “Từ ngày được vào làm việc tại Báo Yên Bái đến nay tròn 10 năm, cá nhân tôi được trải nghiệm nhiều sự việc trong nghề báo, quan điểm của tôi xác định rõ ràng là sống và làm việc theo pháp luật. Hơn thế, những nhà báo chân chính không vì vụ lợi cá nhân mà luôn nghĩ tới mục đích cao cả, thiêng liêng hơn đó là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.

Báo chí được coi là cơ quan quyền lực thứ tư bởi vậy những thông tin khi đưa đến bạn đọc đòi hỏi phải trung thực, khách quan, tuyệt đối không vì bất cứ lý do gì mà bóp méo sự thật. Chính vì vậy, đội ngũ phóng viên của Chi hội luôn giữ được tư cách, lòng tự trọng, vị trí xã hội của mình. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, cuộc sống của con người đã được cải thiện nhưng cũng rất nhiều cám dỗ và cạm bẫy, nhất là khi các giá trị đạo đức có biểu hiện xuống cấp, bị xói mòn, việc nhà báo đi tác nghiệp tại cơ sở thường gặp mối giao tiếp “phong bì” sẽ là chuyện bình thường nếu người đưa phong bì coi trọng giá trị thực sự của nhà báo, coi đó là phần thưởng, động viên, khích lệ cho phóng viên nhưng sẽ không thực sự bình thường khi người đưa phong bì với những ý đồ muốn điều khiển, áp đặt nhà báo để bóp méo sự thật vì lợi ích riêng. Việc dọa dẫm, hách dịch, vòi vĩnh tuy chưa xuất hiện tại Báo Yên Bái song cũng luôn là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở trách nhiệm làm nghề của mỗi nhà báo hiện nay.

Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Yên Bái đưa ra chủ trương “3 không” rất kịp thời, qua đó, phóng viên Báo Yên Bái luôn để lại hình ảnh thân thiện, tích cực trong các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố và trong lòng nhân dân. Đó chính nét đẹp mà mỗi người làm báo Báo Yên Bái hướng tới hoàn thiện bản thân theo đạo đức, tư tưởng của Bác Hồ về báo chí.

 Trần Minh

Các tin khác

YBĐT - Tôi nhận nhiệm vụ làm Tổng biên tập Báo Yên Bái từ 15/09/1994. Hoàn cảnh lúc đó về cơ bản vẫn chưa ra khỏi bao cấp, kinh phí hạn hẹp, một năm Báo Yên Bái chỉ có 300 triệu được ngân sách Đảng cấp cho bao gồm cả chi cho con người, bộ máy và xuất bản báo. Tờ báo giữ nguyên hình thức nghiêm trang như anh chị em vẫn nói vui là: “áo bốn túi, dép bốn quai”, nghĩa là chỉ có các tin tức và những bài chính luận, phản ánh. Các chế độ nhuận bút, khen thưởng… cũng chỉ “ba cọc ba đồng” do ngân sách cấp.

Nhóm tác giải đạt giải A Giải báo chí Yên Bái 2014. (Ảnh: Thanh Ba)

YBĐT - Trải qua 14 mùa giải, Giải báo chí Yên Bái hàng năm ngày càng khẳng định uy tín, thu hút sự tham gia đông đảo của những người làm báo trong tỉnh. Mùa giải năm 2015, với 43 tác phẩm của 4 loại hình báo chí được trao giải là số lượng giải cao so với những mùa giải trước, đã thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết của các nhà báo và hội viên trong tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Tổng biên tập Báo Yên Bái giới thiệu ấn phẩm báo Yên Bái tại Hội báo xuân Ất Mùi - 2015 với đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Hà Minh Huệ - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

YBĐT - Trong những ngày này, những người làm báo cả nước phấn khởi, tự hào kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015). Trong 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành với lịch sử dân tộc, là một bộ phận không thể tách rời của tiến trình cách mạng nước ta.

Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy tặng cờ thêu của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh mang dòng chữ “Đoàn kết - Trung thành - Sáng tạo” cho Hội Nhà báo tỉnh.

YBĐT - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí và các thế hệ những người làm báo Yên Bái. Báo Yên Bái xin trích đăng bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường tại buổi gặp mặt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục