Báo Yên Bái - Những chặng đường lịch sử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2012 | 9:55:29 AM

YBĐT - Để bạn đọc có thể hình dung sự phát triển của Báo Yên Bái - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, bắt đầu từ số báo này, Báo Yên Bái xin giới thiệu tới bạn đọc những chặng đường lịch sử của Báo trong 50 năm xây dựng và phát triển.

I - NHỮNG TỜ BÁO TIỀN THÂN

Tháng 8 năm 1945, ngay sau khi giành chính quyền cách mạng ở thị xã Yên Bái, ủy ban cách mạng lâm thời đã có trụ sở tuyên truyền. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc được cử phụ trách công tác tuyên truyền. 

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc hồi ở nhà tù Sơn La (sau này mới chuyển về Căng Nghĩa Lộ) đã tham gia làm báo Sông Công, có kinh nghiệm nên chủ trương ra tờ báo lấy tên là Tiến lên để làm công cụ tuyên truyền.

Từ những tháng đầu tiên giành chính quyền, Yên Bái đã sử dụng báo chí làm vũ khí chiến đấu và tuyên truyền nhân dân các dân tộc xây dựng chính quyền ở khắp các mường bản; tuy hình thức tờ báo còn thô sơ, chỉ là những trang đánh máy được trang trí trình bày thành từng số báo, dán ở hai nơi: trụ sở tuyên truyền và nhà hát của ông Tư Đoan (gần chợ Yên Bái).

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Phúc, tham gia công tác ở Nha Tuyên truyền có các đồng chí Doãn Kim, Tô Lưu, Nguyễn Viết Hòe, Lê Khoa và đồng chí Thân đánh máy.

Việc xây dựng và phát triển Báo ngày càng mở rộng, cơ sở vật chất in báo, từ đánh máy đã chuyển sang in litô và tipô. Năm 1947 bắt đầu xây dựng ngành thông tin, có Ty Thông tin đến phòng thông tin cấp huyện và cấp xã. Do yêu cầu về tuyên truyền kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc này đã bắt đầu có các bản tin gửi xuống cấp huyện và xã làm tài liệu tuyên truyền, nói chuyện và phóng thanh trên các chòi mọc lên ở khắp nơi.

Cơ sở vật chất để in rất đơn giản: in tipô lúc này sắp chữ, lăn mực rồi phải dùng bàn chải lớn để đập, lấy ra từng tờ. Còn in litô, in bằng đá, phải viết chữ ngược trên đá rồi mới lăn mực in, sau đó dùng cát đánh sạch để viết bản khác.

Trong những dịp đặc biệt, các đồng chí trong cơ quan báo đã làm được những việc đặc sắc khác thường. Đồng chí Phan Doãn đã tổ chức in được bằng bản kẽm, bằng cách đánh cát trên bản kẽm cho nổi hạt rồi dùng hóa chất làm nổi các chữ trên bản kẽm. Bằng cách đó, đồng chí Doãn đã ra một tờ phụ trương của tờ tin. Phụ trương đó được viết và vẽ bằng tay với giấy khổ rộng một mét, đồng chí "xuất bản" một số báo trong buổi triển lãm ở thị xã Yên Bái.

Năm 1947, sau chiến thắng ở Đồng Bằng, Yên Bái đã phát hành tờ tin Đồng Bằng in tipô và tờ Động viên dành riêng cho cán bộ thông tin ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Cả hai tờ này do cơ quan ấn loát của đồng chí Doãn in, báo ra đều kỳ và in đẹp. 

Kỷ niệm ngày 2-9-1948, Yên Bái đã phát hành rộng rãi một tập san nhiều trang in đẹp với nhiều thể loại báo chí nhưng phải đem về in ở Thanh Cù (Phú Thọ), giấy báo là giấy dó Lửa Việt của bà con làng Bưởi Hà Nội tản cư lên Phú Thọ sản xuất. Trong tập san này có bài "Những ngày đen tối" của đồng chí Nguyễn Văn Tình là cán bộ địch hậu, sau đã hy sinh ở Nghĩa Lộ khi vượt lũ Ngòi Thia để đi họp. 

Nhìn chung, trong các năm kháng chiến chống Pháp, tờ Đồng Bằng và Động Viên với hình thức và nội dung là một tờ báo nhưng chỉ xuất bản trong một thời gian ngắn còn vẫn là tờ tin. Từ năm 1950, tờ Tin Yên Bái đã xuất bản đều 5 ngày/một kỳ, in trên khổ giấy 20 x 30cm, đến năm 1960 thì chuyển sang khổ giấy 28 x 46cm.  

Từ hòa bình lập lại (1954), tờ tin đã được Đảng trực tiếp lãnh đạo. Ban soạn tin có các đồng chí Hồ Thức, An Thế Cường, Cao Ngọc Thụy ở trong cơ quan Tuyên huấn tỉnh. Trong thời gian này tờ tin đã có những thay đổi, không chỉ là tin tức thuần túy nữa mà đã có những thể tài khác như Câu chuyện dưới xóm, Ca dao... Bắt đầu từ tháng 7/1961, tờ tin chuyển sang chế độ bán với giá 5 xu/tờ.

II - BÁO YÊN BÁI 

Đến 1962, Báo Yên Bái mới chính thức được thành lập, sau khi có chỉ thị của Trung ương cho ra báo địa phương. Mỗi Đảng bộ tỉnh đều có cơ quan ngôn luận của mình. Ngày 5-11-1962, số báo đầu tiên mang tên cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái ra đời (dưới hình thức chuyển từ tờ tin sang). 

Giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Cừ kiêm nhiệm làm Chủ nhiệm Báo Yên Bái, đồng chí Đỗ Khắc Cương, ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được điều sang làm Phó chủ nhiệm Báo Yên Bái.

Là tờ tin của tỉnh chuyển sang báo nên làm công tác biên soạn báo vẫn là các đồng chí Hồ Thức, An Thế Cường, Cao Ngọc Thụy, sau này có bổ sung thêm đồng chí Bích, đồng chí Hán. Đến năm 1964, đồng chí Hồ Thức được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Báo Yên Bái cho đến năm 1965. Tháng 9 năm 1965, đồng chí Trần Vĩnh Bảo (tức Đào Văn Nhiễm) được cử về làm Tổng biên tập đến tháng 5/1975.  

Tháng 6-1975, đồng chí Lê Vân, cán bộ tuyên huấn biệt phái công tác ở nước Lào được Tỉnh ủy bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập thay đồng chí Trần Vĩnh Bảo. 

Trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, thị xã Yên Bái bị tàn phá, các phóng viên của Báo Yên Bái hết sức gian khổ, đi bộ hàng mấy ngày đường để lấy tài liệu viết bài phản ánh cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của quân dân trong tỉnh.

Năm 1966, Báo Yên Bái sơ tán về xã Chính Tâm, huyện Yên Bình đã bị máy bay Mỹ ném bom trúng Tòa soạn, đồng chí Nguyễn Thị Tường hy sinh ngay tại chỗ. Sau, trụ sở Báo Yên Bái được sơ tán về Km 6, đường đi Hà Nội (nay là khu đất của Trung tâm Dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh). Những ngày đầy gian khổ chiến đấu với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Báo Yên Bái đã tuyên truyền mạnh mẽ khí thế quả cảm kiên cường của quân và dân Yên Bái vừa đánh giặc, vừa hăng say sản xuất phục vụ tiền tuyến; cổ động toàn dân đánh giặc cứu nước, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu.

Nhiều địa phương, cá nhân điển hình trong công cuộc vừa chiến đấu vừa sản xuất đã được Báo Yên Bái tuyên truyền khắp các kỳ báo, có tác dụng mạnh mẽ tuyên truyền đường lối của Đảng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đến hết năm 1975 thì Báo Yên Bái sáp nhập vào Báo Hoàng Liên Sơn là tờ báo chung của ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ hợp nhất. Trong những năm này, Báo Yên Bái có thêm chị Phùng Thị Thành, đồng chí Triệu, đồng chí Phú... Đến năm 1973, có một số sinh viên tốt nghiệp Đại học báo chí khóa I về như đồng chí Khiêm, đồng chí Sơn, đồng chí Khai...

III - BÁO NGHĨA LỘ

Cũng trong những năm 60 thế kỷ trước, thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng, Nhà nước ta quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tháng 12-1962, tỉnh Nghĩa Lộ chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất một số huyện thuộc hai tỉnh Yên Bái và Sơn La: Than Uyên, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu (Yên Bái), Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La).

Đầu năm 1963, các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh Nghĩa Lộ chính thức đi vào hoạt động. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Tỉnh ủy Nghĩa Lộ đã quyết định ra tờ Tin Nghĩa Lộ với chức năng thông tin kịp thời những chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình trong nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của đồng bào và chiến sỹ miền Nam, phản ánh mọi mặt hoạt động của nhân dân, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, đề cao cảnh giác chống lại mọi âm mưu phá hoại của địch phấn đấu đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc đa số.

Tờ Tin Nghĩa Lộ tiếng phổ thông ra đời do đồng chí Đỗ Anh Châu, Phó bí thư Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm. Đội ngũ biên tập viên, phóng viên rất ít ỏi, gồm: Nguyễn Văn Bình, Lê Văn Tích, Đinh Lằm, Đinh ày và một số cán bộ hành chính quản trị là Vũ Văn Đáp, Vũ Xuân Phiến, Nguyễn Văn Công. 

Trong những năm đầu, trụ sở của tờ Tin Nghĩa Lộ đặt tại xã Hạnh Sơn nơi Tỉnh ủy sơ tán, nhà tranh tre, nứa lá đơn sơ dựa vào nhà dân là chủ yếu. Năm đầu số lượng xuất bản chỉ có 500 tờ/kỳ. Tờ tin được phát không đến từng chi bộ Đảng, hợp tác xã và các cơ quan, đơn vị của tỉnh và huyện. Bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng tờ Tin Nghĩa Lộ đã gây được ấn tượng trong nhận thức của cán bộ và nhân dân. Năm 1962, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết về việc thành lập tờ báo của Đảng bộ các tỉnh. Tỉnh ủy Nghĩa Lộ xác định là một tỉnh mới thành lập chưa đủ điều kiện xuất bản tờ báo của Đảng bộ địa phương, tờ Tin Nghĩa Lộ chính là bước tập dượt để chuẩn bị cho sự ra đời tờ báo của Đảng bộ tỉnh. 

Sau hai năm tập dượt, tờ Tin đã có bước trưởng thành đáng kể ngày càng thể hiện rõ chức năng thông tin không chỉ ở trong tỉnh mà còn thông tin kịp thời đến nhân dân những vấn đề trong nước và quốc tế, góp phần động viên cổ vũ, hướng dẫn nhân dân các dân tộc thực hiện các chủ trương của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên được bổ sung thêm một số người như: Phạm Như Đại, Lại Văn Duật đều là giáo viên chuyển sang làm phóng viên, số lượng xuất bản tờ Tin Nghĩa Lộ đến cuối năm 1964 đã nâng lên 1.000 tờ/kỳ.

Sau hơn hai năm hoạt động, tờ Tin Nghĩa Lộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đặt nền móng cho sự ra đời tờ báo của Đảng bộ tỉnh. 

Những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cán bộ, phóng viên Báo Nghĩa Lộ thật sự như những chiến sỹ chiến đấu có mặt ở những nơi ác liệt, nguy hiểm nhất để phản ánh tinh thần chiến đấu và chiến công của quân và dân ta.  

Đến năm 1967, Mỹ lại đánh phá ác liệt ở địa bàn Nghĩa Lộ, phóng viên Phạm Như Đại đã hy sinh anh dũng trong khi đang lấy tài liệu ngay trên nhà sàn của đồng bào Thái ở xã Hát Lừu, huyện vùng cao Trạm Tấu. Đây là trường hợp đầu tiên một phóng viên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở miền núi Tây Bắc. Đồng chí đã nêu một tấm gương sáng cho đội ngũ những người làm báo trong những năm tháng ác liệt nhất. Cơ quan Báo Nghĩa Lộ một lần nữa lại phải chuyển địa điểm sơ tán về bản Xá, xã Sơn A. Cuộc chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt nhưng tờ báo vẫn không bị ngừng một kỳ xuất bản nào. 

Năm 1968, đồng chí Lê Quang Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo, được Tỉnh ủy bổ nhiệm làm Tổng biên tập, đồng chí Hà Thứ được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập, đồng chí Nguyễn Văn Bình là ủy viên. Đồng chí Nguyễn Tiến Thảo, giáo viên dạy ở vùng cao biết chữ và tiếng Mông được tỉnh điều động về làm tờ báo chữ Mông kế tục công việc của đồng chí Phạm Như Đại đã hy sinh.

Năm 1969, Tỉnh ủy lại bổ nhiệm đồng chí Bùi Hồng Sính - Trưởng ban Tuyên giáo, làm Tổng biên tập, Nguyễn Văn Bình - Phó tổng biên tập và Phạm Thành Phúc là ủy viên. Cán bộ được bổ sung thêm 2 người là Hà Phúc Đối và Hoàng Xuân Phủ (người Dao). Thời kỳ này, Báo vẫn duy trì xuất bản 2 kỳ/tháng, khổ 28 x 41cm, 4 trang nhưng số lượng phát hành đã nâng lên 1.500 tờ/kỳ, tờ báo chữ Mông nâng số lượng phát hành lên 1.000 tờ/kỳ. Tờ báo tiếng Mông duy trì cho đến năm 1973 khi việc dạy chữ Mông trong các trường học giảm dần và chuyển sang dạy chữ phổ thông.  

Nơi làm việc của cơ quan Báo vẫn rất đơn sơ, cột tre, tường đất, mái tranh. Giặc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, nhưng nơi làm việc vẫn là địa điểm sơ tán ở gần Ngòi Nung thuộc hợp tác xã ả Hạ, xã Sơn A, huyện Văn Chấn. Nội dung xuyên suốt của tờ báo trong những năm này là động viên đồng bào các dân tộc thi đua mỗi người làm việc bằng hai, ra sức phát triển kinh tế ,văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất như sân phơi, nhà kho, chuồng trại, kênh mương và đường giao thông.

Đặc biệt là cuộc vận động đồng bào Thái Bình, Hà Nam Ninh lên xây dựng vùng kinh tế mới, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến lớn với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến lớn", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Hàng vạn thanh niên các dân tộc lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nuớc", trong đó có sự đóng góp to lớn của báo chí. Dân quân xã Mường Do đã dũng cảm chiến đấu dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ và bắt sống phi công. Chiến công của dân quân Mường Do đã khích lệ quân dân cả tỉnh kiên cường chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ.

Tiếp đến là chiến công của dân quân Cát Thịnh trên đỉnh núi Hồng đánh trả máy bay địch. Đó là những đề tài nóng hổi xuyên suốt tờ báo Đảng trong những tháng ngày chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Chiến thắng của quân và dân cả nước ta buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ ngày 22-10-1972. 

Năm 1973, phóng viên, biên tập viên phấn khởi rời những chiếc lán sơ tán trong rừng vầu ả Hạ và khu vực Cầu Nung về thị xã. Kể từ ngày đầu thành lập tờ tin qua 4 lần sơ tán về các bản làng, đây là lần đầu tiên cơ quan Báo Nghĩa Lộ có được một trụ sở làm việc gồm 13 gian nhà gỗ, cột vuông, tường trát toóc xi. Cán bộ, phóng viên được tăng cường: đồng chí Hà Quyết, tốt nghiệp đại học tổng hợp Văn, Nguyễn Duy Lãm và 4 phóng viên trẻ: Bùi Anh Túy, Nguyễn Văn Điền, Phạm Quang Trung, Nguyễn Thị Thu được bổ sung cho tờ báo. Sau này còn tiếp nhận các đồng chí: Hoàng Hữu Tê, Cầm Dinh, Lê Trọng Bài. Cũng thời kỳ này, phóng viên Đăng Chuyên tình nguyện lên đường bổ sung cán bộ cho miền Nam, Nguyễn Tiến Thảo lên đường nhập ngũ. 

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông quy về một mối. Đầu năm 1976, Báo Nghĩa Lộ cũng kết thúc vẻ vang sứ mệnh lịch sử của mình. Báo Nghĩa Lộ sáp nhập cùng Báo Yên Bái, Báo Lào Cai thành Báo Hoàng Liên Sơn.

IV- BÁO HOÀNG LIÊN SƠN 

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tinh thần Nghị quyết 245/NQ-TW ngày 20-9-1975 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa III) và Quyết định ngày 27-12-1975 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 3-1-1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập tỉnh mới, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã ra Nghị quyết số 01 thành lập tờ báo Hoàng Liên Sơn - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh trên cơ sở sáp nhập 3 tờ báo: Nghĩa Lộ, Yên Bái, Lào Cai, trụ sở đặt tại thị xã Lào Cai. Đồng chí Vũ Văn Thụ - nguyên Tổng biên tập Báo Lào Cai được bổ nhiệm làm Tổng biên tập; các đồng chí Nguyễn Văn Bình, Lê Vân- nguyên Phó tổng biên tập Báo Nghĩa Lộ, Yên Bái, được bổ nhiệm Phó tổng biên tập; đồng chí An Thế Cường được bổ nhiệm ủy viên Ban biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn.  

Cán bộ, phóng viên, biên tập viên 3 tờ báo tỉnh tụ hội tại thị xã Lào Cai, bắt tay ngay vào công việc xuất bản báo Hoàng Liên Sơn, nối tiếp sự nghiệp báo chí của 3 tỉnh. Tờ báo Hoàng Liên Sơn ra số kế tiếp ngay sau khi 3 báo ngừng xuất bản và số đầu tiên ra ngày 5/3/1976. Số lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên hùng hậu chưa từng có với tổng số biên chế lên tới 48 người. Báo xuất bản 5 ngày 1 kỳ, khổ 28 x 39cm, in 8 trang, số lượng phát hành trên 6.000 tờ/kỳ. 

Cuối năm 1978, các cơ quan tỉnh rời trụ sở từ Lào Cai về thị xã Yên Bái. ở Yên Bái, cơ quan Báo lại phải làm việc trong điều kiện tạm bợ, hết sức khó khăn, đó là mấy gian nhà lá của Trường Sư phạm bồi dưỡng nhường lại. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải điều động cho Đài Phát thanh tỉnh 3 phóng viên là Lê Khiêm, Trọng Bài và Vân Sơn, một số chuyển về xuôi, chuyển cơ quan khác.

Ngày 17-2-1979, phía Trung Quốc cho hàng chục vạn quân đồng loạt tấn công vào toàn tuyến biên giới Việt Nam. 10 giờ ngày 17-2-1979, Ban biên tập Báo Hoàng Liên Sơn đã quyết định điều động ngay một tổ cán bộ, phóng viên ra mặt trận gồm Nguyễn Văn Bình - Phó tổng biên tập, Bùi Anh Túy, Hoàng Hữu Tê, Phạm Quang Trung, Triệu Ngọc Bích và lái xe Nguyễn Văn Thắng, được Tỉnh đội Hoàng Liên Sơn cấp cho mỗi người một khẩu súng K44.

Đây là tổ cán bộ, phóng viên bổ sung ra mặt trận đầu tiên. Những ngày sau, Ban biên tập tiếp tục bổ sung các nhóm phóng viên khác tăng cường cho mặt trận. Một lần nữa, tất cả phóng viên, biên tập viên đều trở thành phóng viên mặt trận, lao vào cuộc chiến đấu mới rất ác liệt. Hàng chục nhà báo đã có mặt ngay trong các chiến hào cùng bộ đội, dân quân ở các chốt điểm quan trọng ở Mường Khương, Sa Pa, Lào Cai... ghi lại những hình ảnh chiến đấu quả cảm của quân và dân ta. Lịch sử báo chí địa phương mãi mãi ghi lại những tác phẩm báo chí nổi tiếng: Hồ Kiều làm chứng, Mường Khương đối mặt với kẻ thù, Tả Phìn cửa ngõ biên cương, Ô Qui Hồ - mồ chôn quân xâm lược của các nhà báo Bùi Nguyên Khiết, Nguyễn Vũ, Bội Đông và nhiều nhà báo khác.

Khi chiến tranh biên giới sắp nổ ra, nhà báo Bùi Nguyên Khiết đã khoác ba lô lên Mường Khương, nơi nóng bỏng nhất lúc bấy giờ. Sáng 17-2, khi địch tấn công, đồng chí đã có mặt ở chốt Tả Ngải Chồ, thực sự là một phóng viên chiến tranh. Đồng chí đã trực tiếp cầm súng chiến đấu như một người lính thực thụ và đã anh dũng hy sinh ngay tại chiến hào lúc 9 giờ 45 phút ngày 17-2-1979.

Trong suốt 10 năm gian khổ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, một lần nữa, lịch sử báo chí lại ghi nhận những đóng góp xứng đáng của nhiều nhà báo ở Hoàng Liên Sơn. 5 nhà báo đã xứng đáng nhận những giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam về những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh biên giới, Nhà báo Bùi Nguyên Khiết được công nhận là liệt sĩ với hình ảnh quả cảm anh hùng của một nhà báo chiến sĩ.

Chiến tranh kết thúc, quân và dân Hoàng Liên Sơn lại bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Cuộc chiến đấu chống đói nghèo và lạc hậu cũng gian nan không kém gì những năm tháng chiến tranh. Toàn Đảng, toàn dân và báo chí bước vào một thời kỳ chuyển đổi cơ chế xóa bỏ bao cấp, một cơ chế đã ăn sâu vào nếp nghĩ và cách làm hàng chục năm trời. Những bảo thủ, trì trệ sau bao nhiêu năm sống trong bao cấp đang là những trở lực lớn trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm tháng gian nan đó, Báo Hoàng Liên Sơn vẫn giương cao ngọn cờ tư tưởng của Đảng, ra sức tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình mới trong sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải. Các nhà báo đã phản ánh trung thực tình hình mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, tâm tư nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Đây là những năm tháng thiếu thốn và gian khổ, người làm báo vừa phải viết báo vừa thay nhau đi phát nương, tra lúa, trồng ngô để tự túc một phần lương thực. Các nhà báo chia nhau từng củ sắn, cân thóc, thanh củi làm cho tình đồng nghiệp thêm gắn bó sâu sắc hơn, thật sự là một thời để nhớ: vừa lao động chân tay để sống vừa làm báo nhưng báo vẫn ra đúng kỳ, đủ số.

Những vấn đề mới mẻ của đời sống kinh tế - xã hội đất nước rất phong phú và đa dạng, Báo Hoàng Liên Sơn đòi hỏi phải tăng tính thời sự. Do vậy, ngày 26-9-1980, báo chuyển từ 5 ngày một kỳ, 8 trang, khổ 28 x 39cm sang 3 ngày một kỳ, 4 trang khổ 33 x 45cm, với số lượng phát hành 4.000 - 5.000 tờ. Nội dung tờ báo phong phú, đã xây dựng được một vài chuyên trang, chuyên mục và có tiến bộ về hình thức.

Trong quá trình phát triển, chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh những nhà báo trưởng thành từ thực tế, Báo Hoàng Liên Sơn đã được bổ sung một lớp phóng viên được đào tạo qua Trường Đại học báo chí, cán bộ lãnh đạo báo chí được thay thế bổ sung bằng những nhà báo thực thụ, được đào tạo và trải qua thực tiễn hoạt động báo chí. Đồng chí Vũ Văn Thụ - Tổng biên tập nghỉ hưu năm 1986, đồng chí Hà Quyết được bổ nhiệm làm Tổng biên tập. Đồng chí Hà Quyết chuyển công tác khác cuối năm 1987, tỉnh bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Bội Đông làm Tổng biên tập, đồng chí Hồ Xuân Đoan làm Phó tổng biên tập. 

Do nhu cầu phát triển của tờ báo, năm 1985, xưởng in báo được thành lập sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi để việc in báo chủ động hơn và lấy lợi nhuận từ khâu in báo bổ sung cho kinh phí phát triển tờ báo. Mong muốn của Báo Hoàng Liên Sơn lúc đó là có được một xưởng in đã trở thành hiện thực.

Trong giai đoạn này, các nhà báo thể hiện rõ hơn bản lĩnh chính trị của mình, lăn lộn, bám sát cơ sở, phản ánh trên trang viết những thành tựu mới, những điển hình, nhân tố mới; đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn cản trở, kể cả mặt yếu kém với ngòi bút sắc sảo, đầy trách nhiệm. 

Những năm chuyển đổi cơ chế theo tinh thần đổi mới, Báo Hoàng Liên Sơn đã để lại những tác phẩm có tính phát hiện cao như: Khoán sản phẩm ở Báo Đáp, Những vấn đề nảy sinh trong khoán sản phẩm ở Văn Chấn (giải nhất viết về nông nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam) của nhà báo Nguyễn Bội Đông. Năm 1988, nữ phóng viên trẻ Trần Mai Lâm đoạt giải ba Giải báo chí toàn quốc với đề tài phát hiện một vấn đề mới là: Mô hình kinh tế trang trại của ông Trương Cơ (Yên Bình). 

Ngoài những bài chính luận sắc bén, những bài viết có tính phát hiện cao của các nhà báo trên các lĩnh vực làm cho nội dung tờ báo phong phú, sức chiến đấu của tờ báo mạnh mẽ hơn, từ đó lôi cuốn người đọc. Cũng nhờ đó, nhiều nhà báo đã giành được giải thưởng cao của các ngành, của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

15 năm hoạt động của Báo Hoàng Liên Sơn là một thời kỳ gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang. Với 1.525 số báo, trên 3.180.000 tờ được xuất bản gồm hàng nghìn tác phẩm báo chí, các nhà báo Hoàng Liên Sơn đã thể hiện lòng trung thành của mình với Đảng và Nhà nước. Tờ báo thật sự là ngọn cờ tư tưởng sắc bén, phản ánh một cách trung thực tình hình mọi mặt của đời sống đất nước, động viên cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tờ báo không chỉ là tiếng nói của Đảng, Nhà nước mà còn là diễn đàn của nhân dân. 

Báo Hoàng Liên Sơn đánh dấu một bước ngoặt thật sự về nội dung và hình thức. Hai lần Báo được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được Bộ Nội vụ tặng danh hiệu "Đơn vị quyết thắng", hàng chục nhà báo được khen thưởng về những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp báo chí. 

15 năm Báo Hoàng Liên Sơn là một chặng đường đầy hy sinh, gian khổ, thử thách lòng trung thành của những người làm báo đối với Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối mặt với gian nguy và thách thức, những người làm báo đã tỏ rõ phẩm chất cao đẹp của mình là lòng trung thành với Đảng, tinh thần quả cảm, lòng nhân ái với nhân dân. Các nhà báo: Vũ Văn Thụ, Nguyễn Bội Đông, An Thế Cường, Nguyễn Viết Hòe, Bùi Nguyên Khiết đã được Hội Nhà báo Việt Nam tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. 

Tháng 9 năm 1991 khép lại 15 năm hoạt động của Báo Hoàng Liên Sơn, những cống hiến và trưởng thành của Báo Hoàng Liên Sơn mãi mãi được ghi lại trong lịch sử báo Đảng bộ địa phương và sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. 

V- BÁO YÊN BÁI

Quý III năm 1991, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định chia lại một số tỉnh trong toàn quốc. Tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia tách thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1-10-1991, hai tỉnh chính thức được tách ra và cũng là ngày Báo Yên Bái tái lập.  

Số cán bộ của Báo Hoàng Liên Sơn được chia cho 2 báo, ở lại Báo Yên Bái có 16 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên. Đồng chí Nguyễn Bội Đông - nguyên Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn được Tỉnh ủy bổ nhiệm làm Tổng biên tập Báo Yên Bái. Do điều kiện lực lượng cán bộ, phóng viên còn lại ít, không thể tiếp tục xuất bản tuần 2 kỳ, in 4 trang khổ giấy 33x45cm nữa, Báo Yên Bái chuyển sang xuất bản 7 ngày 1 kỳ, báo 8 trang khổ 29x41cm. Lúc này, số phát hành chỉ còn 1.600 tờ/kỳ.  

Tháng 7-1992, Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm đồng chí Bùi Anh Túy - Bí thư chi bộ, Phụ trách phòng Phóng viên giữ chức Phó tổng biên tập. Báo tiếp tục được bổ sung thêm cán bộ, phóng viên về công tác. Những năm 1992, 1993, 1994, Báo Yên Bái đã nâng số phát hành lên 2.200 - 2.500 tờ/kỳ. 

Tháng 9-1994, đồng chí Nguyễn Bội Đông nghỉ hưu, Tỉnh ủy đã điều động đồng chí Nguyễn Thanh Vân - Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sang làm Tổng biên tập Báo Yên Bái. Phát huy truyền thống của Báo Yên Bái và Báo Hoàng Liên Sơn, ngày 1-1-1995, Báo Yên Bái lại một lần nữa chuyển xuất bản từ 7 ngày một kỳ lên 5 ngày/kỳ, in 8 trang khổ 29x41cm. Tháng 2-1995, lần đầu tiên Tỉnh ủy có quyết định chính thức bộ máy của Báo Yên Bái gồm 3 phòng chức năng: Thư ký tòa soạn, Phóng viên, Hành chính; số phát hành cũng tăng 2.800-3.000 tờ/kỳ. Lúc này, Báo Yên Bái có đủ điều kiện tiếp tục tăng kỳ xuất bản. Và ngày 1-4-1996, Báo Yên Bái đã xuất bản 3 ngày một kỳ, 8 trang khổ 29x41cm.

Sau 4-5 năm chuẩn bị, lực lượng phóng viên, biên tập viên không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện qua các trường đại học. Đến năm 1998, Báo Yên Bái đã có 28 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, trong đó 15 người có trình độ đại học. Ngày 1-7-1998, Báo Yên Bái đã nâng kỳ xuất bản lên 2 ngày một kỳ, 8 trang khổ giấy 29x41cm. Đồng thời từ quý II/1998, số lượng phát hành của tờ báo đạt hơn 5.000 tờ/kỳ. Tháng 9/1998, đồng chí Hoàng Thế Sinh - Trưởng phòng Phóng viên được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập.

Từ tháng 5-1995, ngoài báo thời sự, Báo Yên Bái còn xuất bản báo Yên Bái vùng cao, số lượng phát hành 1.200 tờ/kỳ. Báo in 4 màu, chữ to, tin viết ngắn gọn, trình bày đẹp phù hợp với trình độ dân trí và truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc ít người. Năm 1995, năm đầu tiên hình thành nên báo vùng cao cũng mới xuất bản được 2 kỳ. Đến năm 1996, Báo "Yên Bái vùng cao" được phép xuất bản định kỳ 3 tháng một kỳ. Năm 1997, xuất bản 1 kỳ/tháng, 16 trang khổ 20x30cm, in 4 màu trên giấy tốt. Báo phát hành 1.650 bản/kỳ tới tất cả các trưởng thôn bản các xã vùng cao đặc biệt khó khăn.  

Cuối năm 1996, Báo Yên Bái là một trong hai cơ quan của tỉnh có 2 máy vi tính, lần đầu tiên đã sử dụng công nghệ thông tin để đánh các bản thảo tin bài và các văn bản của cơ quan. Đến giữa năm 1999, Ban biên tập quyết định phải tự chủ khâu xuất bản báo, cũng là đáp ứng đòi hỏi bức thiết của xã hội phát triển, tăng tính thời sự, nên tòa soạn Báo phải làm chủ được các công đoạn xuất bản báo. Do vậy, Ban biên tập đã trang bị máy vi tính dựng trang và máy quét để đưa chế bản báo từ nhà in về tòa soạn nhằm chủ động hơn trong việc làm báo. Đến tháng 11-1999, Báo Yên Bái đã tự chế bản báo tại tòa soạn.

 Do yêu cầu công tác và luân chuyển cán bộ, tháng 12-1999, đồng chí Nguyễn Thanh Vân được Tỉnh ủy điều động làm Bí thư Huyện ủy Văn Yên; đồng chí Đào Văn Tỵ- Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về nhận nhiệm vụ làm Tổng biên tập Báo Yên Bái. Kế tiếp truyền thống, Báo Yên Bái tiếp tục có những cải tiến về nội dung và hình thức và đến tháng 4-2001, Báo Yên Bái đã tự chế bản màu tại tòa soạn, góp phần quan trọng chủ động trong công tác tuyên truyền, xuất bản. 

Tháng 5-2004, đồng chí Đào Văn Tỵ được nghỉ hưu. Theo quyết định của Ban thường vụ Tỉnh ủy, tháng 6-2004, đồng chí Bùi Anh Túy được bổ nhiệm giữ chức Tổng biên tập Báo Yên Bái. Số phòng chức năng có sự thay đổi theo yêu cầu nhiệm vụ là: Hành chính, Tòa soạn, Phóng viên Kinh tế, Phóng viên Văn xã - Xây dựng Đảng và Vùng cao - Nội chính. Đến tháng 8/2004, đồng chí An Hải Nam, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn được bổ nhiệm Phó tổng biên tập.

Từ năm 2004 đến nay, Báo Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tờ báo. Ban biên tập tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung tuyên truyền, bên cạnh bám sát tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy, nắm bắt nhanh các sự kiện thời sự chính trị của tỉnh, kết quả các biện pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể.

Ban biên tập đã chỉ đạo và khơi dậy tính tiên phong của báo chí, đó là: tăng cường khuyến khích tính phát hiện, đưa ra những vấn đề mới có tính gợi mở, định hướng lớn đã góp phần hình thành nên những chủ trương, quyết định mới của tỉnh về kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng và công tác xây dựng Đảng. 

Một sự kiện đánh dấu bước phát triển đột phá của báo chí tỉnh Yên Bái, đó là  ngày 6-12-2004, Báo Yên Bái đã xây dựng thành công báo Yên Bái điện tử - cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Yên Bái. Là một trong hai tờ báo của Đảng bộ địa phương trong toàn quốc có báo điện tử, báo Yên Bái điện tử ra mắt bạn đọc trong tỉnh, trong nước và quốc tế là một bước ngoặt lịch sử của báo chí tỉnh Yên Bái: lần đầu tiên một phương tiện thông tin tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh tuyên truyền ra toàn quốc và toàn cầu, hòa nhập với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.

Từ khi ra mắt bạn đọc đến nay, báo Yên Bái điện tử đã có tác dụng rất to lớn, không những giới thiệu và thông tin kịp thời mọi hoạt động của tỉnh ra trong nước và quốc tế mà còn làm cho bạn bè trong nước và quốc tế, các nhà doanh nghiệp, đầu tư hiểu Yên Bái hơn.

Đặc biệt, trong trận lũ quét cuối tháng 9/2005, báo Yên Bái điện tử thực sự đã phát huy ưu thế của mình: cung cấp thông tin ra mạng toàn cầu, tất cả các báo chí trong nước và thế giới đều sử dụng tin tức của báo Yên Bái điện tử. Báo Yên Bái điện tử đã mở chuyên mục "Chung sức cùng đồng bào bị lũ quét". Hộp thư và lời kêu gọi trên báo Yên Bái điện tử kêu gọi các cơ quan báo chí trong nước, bạn đọc, kiều bào ở nước ngoài, các nhà doanh nghiệp v.v... ủng hộ đồng bào bị lũ quét Yên Bái số tiền đạt trên 1,5 tỉ đồng. 

Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong thời kỳ mới, ngày 1-7-2005, Báo Yên Bái tiếp tục đẩy lên một bước mới, đó là tờ báo đã nâng từ 8 trang lên 12 trang. Báo Yên Bái 12 trang đã mở ra một thời kỳ mới để các nhà báo có điều kiện cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức tờ báo.

Lượng thông tin nhiều lên, đa dạng, phong phú, nhiều chuyên mục mới hấp dẫn, thu hút bạn đọc và có tác dụng tốt như chuyên mục: "Vấn đề hôm nay", "Sinh hoạt tư tưởng", "Chuyện thường ngày", "Nhật ký phóng viên", "ống kính nhà báo", "Nhịp sống trẻ", "Bạn đọc viết", "Mỗi tuần một con số"... và các thể loại lớn của báo chí được phát huy rất tốt như: phóng sự, điều tra, ký, ghi chép... đã làm cho tờ báo sôi động, tăng tính hấp dẫn, nâng cao tính định hướng và hướng dẫn dư luận, có tác dụng tốt trong công tác chỉ đạo của tỉnh. Đó là một bước phát triển của Báo Yên Bái, đã rút ngắn khoảng cách so với các báo Trung ương và các thành phố lớn.

Cùng với việc chủ động và nâng cao chất lượng chế bản báo trong tòa soạn, từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2005, bằng sự quyết tâm đổi mới và mạnh dạn, táo bạo của lãnh đạo cơ quan và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, Báo Yên Bái đã trở thành một trong rất ít tờ báo địa phương đi đầu trong toàn quốc tổ chức thành công công nghệ làm báo hiện đại trong toàn hệ thống cơ quan; mạng LAN, mạng Internet đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng trên tất cả các máy; 100% cán bộ, phóng viên, biên tập viên... tác nghiệp trên hệ thống máy móc với trên 60 máy vi tính, máy in laze, máy quét ảnh, máy dựng trang, gần 30 máy ảnh cơ và kỹ thuật số và hệ thống thiết bị làm báo điện tử...

Thành công này là một bước bứt phá vô cùng quan trọng và rất lớn lao, nó đã tác động mạnh mẽ làm thay đổi tư duy của những người làm báo công nghiệp. Thành công này không khác gì như người nông dân trút bỏ được chiếc cày chìa vôi nhảy lên lái chiếc máy cày chạy băng băng trên cánh đồng lớn.  

Thành công này là một mốc lịch sử sang trang mới, làm báo công nghiệp hiện đại bắt đầu từ đây. Nó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các ấn phẩm Báo Yên Bái, chất lượng các tác phẩm báo của hầu hết phóng viên được nâng lên, giúp cho việc làm báo nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn, hình thức trình bày và nội dung hấp dẫn hơn. 

Do yêu cầu nhiệm vụ phát triển của Báo Yên Bái với 3 ấn phẩm xuất bản liên tục, nên Ban biên tập được tăng cường, đến tháng 6-2006, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã bổ nhiệm đồng chí Phí Văn Nam - Trưởng phòng Tòa soạn giữ chức Phó tổng biên tập.

Với tinh thần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, phát triển mạnh kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, do vậy, ngày 17-6-2006, Báo Yên Bái lại đánh dấu một bước phát triển mới. Đó là ra đời truyền hình Internet trên Báo Yên Bái điện tử, là phương tiện truyền thông đầu tiên chuyển tải hình ảnh và âm thanh sống động mọi hoạt động của tỉnh Yên Bái ra toàn quốc và toàn cầu làm cho tỉnh miền núi Yên Bái gần gũi và hiểu biết hơn với đồng bào cả nước và thế giới. Truyền hình Internet đã được đầu tư 6 máy camera, 2 máy dựng hình và hệ thống máy vi tính để làm truyền hình.  

Ưu thế của truyền hình Internet đã chiếm được tình cảm của đông đảo bạn xem trong tỉnh, trong nước và trên thế giới. Ban biên tập đã nhận được sự động viên khích lệ rất lớn của đông đảo bạn xem truyền hình. Ban biên tập một mặt nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các tác phẩm truyền hình, mặt khác có bước đi táo bạo, cách mạng về kỹ thuật, đó là tất cả phóng viên truyền hình Internet quay phim và dựng hình trên máy tính xách tay, truyền thẳng về Tòa soạn kiểm duyệt và cập nhật ngay lên mạng.

Với những phát triển mới, báo Yên Bái không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nên đến đầu năm 2007, số lượng phát hành báo đã đến được nhiều đối tượng bạn đọc, đạt 8.500 tờ/kỳ. Bên cạnh đó, bằng sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của lãnh đạo và toàn thể cơ quan đồng thời để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nhất là đồng bào Mông, từ tháng 1/2007, báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông ra đời và tăng 1 kỳ/tháng 16 trang lên 2 kỳ/tháng 20 trang, số lượng phát hành tăng lên 3.000 cuốn/kỳ.  

Nhằm nâng cao tính thời sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, cũng từ ngày 1-10-2007, Báo Yên Bái thời sự đã tăng kỳ xuất bản từ 3 kỳ/tuần lên 4kỳ/tuần, báo 12 trang ra vào thứ hai, tư, năm, sáu hàng tuần. Cũng từ đây, Ban biên tập đã tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng hình thức tuyên truyền. Đó là chuyển đổi tư duy làm báo, rèn luyện đội ngũ nhà báo toàn cơ quan, tăng cường các thể loại phóng sự, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm, tản văn..., mở rộng, tăng lượng thông tin trong tỉnh, trong nước và quốc tế, mở các chuyên mục mới phù hợp với các đối tượng, các ngành, địa phương... Ban biên tập có nhiều biện pháp, định hướng cho phóng viên và cộng tác viên tuyên truyền trên báo những vấn đề sát với đời thường hàng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, nâng cao tính chiến đấu của tờ báo Đảng qua nhiều thể loại báo chí.

Nhằm bổ sung kiến thức làm báo hiện đại trong thời kỳ bùng nổ thông tin cho các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, Ban biên tập đã có một chủ trương rất mạnh mẽ, đó là trong 3 năm liền phối hợp với Học viện Báo chí -Tuyên truyền, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam... mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ từng chuyên đề theo yêu cầu của Báo Yên Bái tại Yên Bái và Hà Nội. 100% cán bộ từ Tổng biên tập đến phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên... đều theo các lớp bồi dưỡng bổ sung nâng cao kiến thức làm báo hiện đại. Bên cạnh đó, lãnh đạo Báo Yên Bái cũng chú trọng chất lượng tuyển chọn bổ sung nhân lực để chuẩn bị ra báo hàng ngày.

Đến ngày 1-7-2010, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của bạn đọc về tăng cường lượng thông tin, nhanh nhạy và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn mới, Báo Yên Bái bắt đầu ra báo hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với 5 mục đích và yêu cầu của báo ra hàng ngày là: tăng tính thời sự, tăng lượng thông tin, có điều kiện diện tích để làm cho tờ báo phong phú, hấp dẫn hơn, đáp ứng yêu cầu thông tin của mọi đối tượng bạn đọc, tăng cường định hướng, hướng dẫn dư luận mang tính chỉ đạo những vấn đề trọng tâm rõ hơn, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và đời sống xã hội, đổi mới phong cách và tư duy làm báo trong toàn cơ quan (từ làm báo tuần sang làm báo ngày).

Báo ra hàng ngày đã cải tiến mạnh mẽ, mở 20 chuyên mục tăng cường các thể loại bình luận, chuyên luận, phóng sự, tiểu phẩm; tăng mảng văn hóa - văn nghệ, giải trí, thể thao..., đi sâu vào các vấn đề thường ngày mà cuộc sống đang đặt ra đồng thời mở 34 chuyên trang, chuyên mục phối hợp với các địa phương, các ngành, đoàn thể để có những chuyên trang, chuyên mục đặc thù, có sắc thái riêng... làm cho tờ báo ra hàng ngày đa dạng, phong phú, hấp dẫn, không khô cứng mà chuyển tải được những định hướng của công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và đời sống nhân dân.

Và cũng từ tháng 10/2010, máy chế bản phim màu chính thức đi vào hoạt động đã giúp cho công tác chế bản báo tại tòa soạn chủ động hoàn toàn, bỏ hẳn in giấy can chuyển hoàn toàn sang in phim đã làm cho hình thức tờ báo thay đổi rất nhiều, đẹp hơn, ảnh độ nét cao, chữ sáng và nhiều tiện ích thay đổi kéo theo.  

Có thể nói, đến thời điểm này, các thiết bị máy móc làm báo hiện đại đã tương đối hoàn chỉnh, Ban biên tập chuyên tâm đầu tư tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền. Chính vì vậy, bắt đầu từ cuối năm 2011 sang đầu năm 2012, Ban biên tập đã lãnh đạo chuyển hướng tuyên truyền trên Báo Yên Bái hàng ngày từ tuyên truyền các chuyên trang, chuyên mục theo vấn đề thời sự định kỳ, sang xây dựng các chuyên đề, tuyên truyền theo chủ đề tập trung, tùy theo từng vấn đề từng tháng, quý, năm, đi sâu làm rõ vấn đề của chủ trương, nghị quyết, chính sách mới để hướng luận và hướng dẫn thực hiện. Hình thức tuyên truyền này giúp bạn đọc tiếp nhận thông tin sâu hơn, có được cái nhìn bao quát, nhiều chiều về một vấn đề mà bạn đọc quan tâm.

Báo Yên Bái đã bám sát định hướng của tỉnh, có tính chiến đấu và thể hiện rõ lập trường, từng bước nâng cao chất lượng nội dung và hình thức; đồng thời đã làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn dư luận, giúp nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ tư tưởng chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh. Nhiều bài báo đã đi sâu vào các vấn đề của cuộc sống, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống đặt ra, phát hiện, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần động viên nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngày 20-8-2011, Ban biên tập Báo Yên Bái chỉ đạo thay đổi giao diện báo Yên Bái điện tử, giới thiệu báo Yên Bái hàng ngày và báo Yên Bái vùng cao trên báo điện tử hàng ngày để  mở rộng đối tượng bạn đọc không những trong tỉnh mà cả trong nước và quốc tế, độc giả hàng ngày có thể đọc ngay báo in, báo vùng cao trên báo điện tử.

Và năm 2012, phòng thu hình của truyền hình Internet được trang bị thiết bị hiện đại, có máy đọc chữ hỗ trợ phát thanh viên - mở ra một bước tiến mới sử dụng công nghệ hiện đại cho truyền hình Internet. Đây là thiết bị đầu tiên ở một địa phương trong cả nước áp dụng. 

Đến tháng 10-2012, Báo Yên Bái đã có đội ngũ làm báo khá hùng hậu, được đào tạo bài bản với 60 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, viên chức, trong đó 51 người có trình độ đại học, 9 người cao đẳng và trung cấp, gần 20 người có từ 2-3 bằng đại học. Đảng bộ Báo Yên Bái có 48 đảng viên sinh hoạt ở 6 chi bộ, Công đoàn có 58 đoàn viên, Chi hội Nhà báo có 43 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Chi đoàn thanh niên có 25 đoàn viên.

Có 3 loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, truyền hình Internet và xuất bản 4 loại ấn phẩm, gồm:

1- Báo Yên Bái hàng ngày 12 trang. 

2- Báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông 20 trang, 2 kỳ/tháng. 

3- Báo Yên Bái điện tử liên tục cập nhật trong ngày.

4- Truyền hình Internet cập nhật hàng ngày. 

50 năm qua là một chặng đường các thế hệ Báo Yên Bái đã luôn luôn sáng tạo, tìm tòi, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ lao động, cống hiến công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp báo chí của Đảng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái. Với những thành tích đó, Báo Yên Bái đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2002, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2007 và hàng trăm lượt tập thể, cá nhân trong 50 năm qua được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước, cờ, bằng khen của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh...

Tròn nửa thế kỷ qua, các thế hệ làm Báo Yên Bái luôn cống hiến hết sức mình cho tờ báo Đảng bộ tỉnh, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

Trong công cuộc đổi mới của Đảng và của đất nước, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, viên chức Báo Yên Bái không ngừng nỗ lực phấn đấu, trưởng thành hơn nữa về nhận thức, tư tưởng chính trị, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ làm báo, xây dựng các thế hệ cầm bút yêu nghề, tinh thông về kỹ thuật làm báo hiện đại, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và trên quê hương Yên Bái.

BÁO YÊN BÁI

Các tin khác
Phóng viên Báo Yên Bái điện tử kiểm tra máy quay trước khi ghi hình.

YBĐT - Thế là đã 20 năm có lẻ tôi bước chân vào nghiệp làm báo. Ngần ấy thời gian đủ để cho tôi trải nghiệm những niềm vui và cả những khó khăn, vất vả của nghề báo.

Đội ngũ những người làm Báo Yên Bái không ngừng học tập làm chủ công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác xuất bản báo.

YBĐT - Những năm gần đây, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin được Báo Yên Bái nắm bắt, ứng dụng kịp thời góp phần quan trọng phát huy tối đa tính thời sự, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Phóng viên Báo Yên Bái tác nghiệp tại cơ sở.

YBĐT - Đối với tôi, gần chục năm làm nghề, kỷ niệm vui thật nhiều, buồn cũng lắm nhưng những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa vẫn là ấn tượng khó quên.

Một số tác phẩm ảnh đoạt giải cao của cuộc thi.
(Ảnh: Nguyễn Giang)

YBĐT - Những hình ảnh “đắt” trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nét đẹp trong phong tục tập quán, lễ, hội, các trò chơi dân gian, các điệu múa… được các tác giả thể hiện với nhiều góc độ khác nhau đã làm nổi lên được chủ đề của từng bức ảnh, giúp độc giả khó tính khi xem bức ảnh cũng có thể “đọc được” nội dung mà tác giả muốn chuyển tải tới người xem.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục