Dân tộc Khơ Mú
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2005 | 12:00:00 AM
YBĐT - Người Khơ Mú ở Yên Bái có rất ít, sinh sống tập trung tại xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn. Đây cũng là xã duy nhất ở Yên Bái có người Khơ Mú sinh sống. Ngoài tên gọi Khơ Mú, đồng bào còn có tên gọi Xá Cẩu hay người Xá. Người Khơ Mú có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me (thuộc dòng ngôn ngữ Nam á).
Thiếu nữ Kho Mú biểu diễn trống chiêng. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
|
Theo các nhà nghiên cứu về dân tộc học, người Khơ Mú di cư từ Lào đến Việt Nam khoảng trên 100 năm. Các cụ già ở xã Nghĩa Sơn kể lại, người Khơ Mú từ Lào đến tỉnh Sơn La, Lai Châu rồi tới địa phương. Địa hình cư trú của người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn chủ yếu là nơi cao, đất dốc, ít có nơi phù hợp để khai phá ruộng nước.
Đồng bào sống chủ yếu bằng nương rẫy khác với văn minh lúa nước gắn với đồng ruộng của người Thái nên có câu “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước ”. Từ kinh tế nương rẫy truyền thống mà dân tộc Khơ Mú đã đúc kết cho mình kinh nghiệm sản xuất canh tác dựa vào trời mây, con vật di chuyển để đoán biết thời tiết. Phương tiện làm nương là rìu, dao, cuốc, xẻng và phương tiện tra hạt là cây gỗ đặc để chọc lỗ bỏ hạt. Ngoài trồng trọt đồng bào còn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà để phục vụ đời sống, sản xuất và lễ nghi.
Do canh tác nương rẫy nên nghề đan lát phát triển và trở thành nghề truyền thống. Trong các vật đan lát thì Eng là phương tiện vận chuyển thông dụng tiện lợi đan rất cầu kỳ. Eng tựa như chiếc gùi của người Mông nhưng miệng lại có quai to, giữa quai là mảnh vải đệm, vắt qua trán người, tạo nên điểm tựa lưng và trán, làm cân đối giữa lực cơ thể và trọng lượng hàng hoá trên Eng.
Trang phục của người Khơ Mú chịu ảnh hưởng nhiều trang phục của người Thái đen. Nhà ở là nhà sàn, thường làm ba gian trên diện tích đất chênh vênh chật hẹp, có phần sơ sài. Dòng họ của dân tộc này đều mang tên một loài vật hoặc cỏ cây.
Quan hệ hôn nhân được chú trọng, cha mẹ tôn trọng ý kiến của con cái nhờ vậy gia dình người Khơ Mú thường sống hạnh phúc, không mấy khi xảy ra bất hoà. Nếu gia đình có người chết thì con rể hay cháu rể gốc có hiểu biết, có uy tín chủ trì tang lễ.
Hiện nay xã Nghĩa Sơn đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ các dự án, chương trình của Chính phủ. Đồng bào Khơ Mú cũng đang tích cực vươn lên lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo.
Các tin khác
YBĐT - Người Giáy ở Yên Bái có rất ít, hiện chỉ có khoảng 2.200 người chiếm 0,3% dân số toàn tỉnh. đồng bào sinh sống tập trung đông nhất tại xã Gia Hội huyện Văn Chấn. Ngoài tên gọi người Giáy còn có tên gọi khác là Nhắng hay Giằng. Người Giáy ở Yên Bái có tiếng nói riêng, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Theo các nhà nghiên cứu, người Giáy di cư vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XIIX và sinh sống tại Gia Hội được gần 200 năm.
Người Sán Chay ở Yên Bái thuộc nhóm Cao Lan, hiện có khoảng 7.000 người sống tập trung tại 8 xã của huỵên Yên Bình và 2 xã của huyện Trấn Yên.
Có khoảng 13.000 người chiếm 1,86% dân số. Đồng bào Nùng sống xen kẽ với các dân tộc Tày, Kinh, Dao, Sán Chay…ở rải rác hầu khắp các huyện trong tỉnh. Nơi đông nhất là huyện Lục Yên và huyện Yên Bình.
Đồng bào Mường ở Yên Bái có khoảng 14.000 người, chiếm 1,92% dân số toàn tỉnh. Người Mường sống tập trung ở 11 xã của huyện Văn Chấn, Thị xã Nghĩa Lộ. Ngoài ra sống rải rác ở các huyện, thành phố trong tỉnh.