Dòng họ Sa hiếu học ở Cát Thịnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/3/2022 | 7:40:25 AM

YênBái - Không chỉ có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, dòng họ Sa ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn còn vang danh là dòng họ hiếu học. Với 70 hộ, trên 350 khẩu, dòng họ Sa đã có 5 người có trình độ thạc sĩ, 54 người có bằng đại học, 5 người có bằng cao đẳng.

Chị Hà Thị Mơ - Trường THPT Sơn Thịnh (đứng giữa) đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn.
Chị Hà Thị Mơ - Trường THPT Sơn Thịnh (đứng giữa) đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn.

Cơ duyên được gặp ông Sa Quang Phụng - Trưởng Ban liên lạc dòng họ Sa trong một chuyến công tác tại Văn Chấn. Ở tuổi lục tuần, ông chia sẻ điều khiến ông hạnh phúc nhất là đến nay dòng họ Sa ở Cát Thịnh với 70 hộ, trên 350 khẩu đã có 68 đảng viên, 5 người có trình độ thạc sĩ, 54 người có bằng đại học, 5 người có bằng cao đẳng, 100% các gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập. Năm 2007, được sự quan tâm của UBND xã Cát Thịnh và hướng dẫn của Hội Khuyến học xã, dòng họ Sa thành lập Ban Khuyến học Dòng họ với 4 chi họ nhỏ. 

Sau khi kiện toàn, Ban Khuyến học Dòng họ đã xây dựng quy ước, hương ước hoạt động với quy định cụ thể từ phát triển hội viên, xây dựng quỹ, các hình thức khen thưởng. Bản hương ước cũng nêu rất rõ trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, các gia đình trong việc chăm lo, nuôi dạy con cháu và trách nhiệm của con cháu trong việc học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức. 

Mỗi gia đình, mỗi thành viên phải tích cực xây dựng gia đình văn hóa, gia đình học tập, góp phần xây dựng dòng họ văn hóa, dòng họ học tập, phát huy tình làng nghĩa xóm, hưởng ứng tốt các cuộc vận động do cộng đồng, địa phương phát động. 

Ông Sa Quang Phụng - Trưởng ban liên lạc dòng họ Sa cho biết: "Tôi luôn tâm niệm, nếu cha mẹ để lại tiền của cho con thì tiêu dần rồi cũng hết nhưng để lại tri thức thì sẽ còn mãi. Vậy nên tôi thường xuyên động viên con, cháu trong gia đình nỗ lực học tập, hoàn thành tốt công việc, biết kính trên nhường dưới. Gia đình tôi hiện có 8 người con trai, gái, dâu, rể thì có 7 cháu đã hoàn thành bậc đại học, 1 cháu đang học sĩ quan bên quân đội”. 

Bên cạnh đó, để khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời con cháu của dòng họ đạt thành tích cao trong học tập, lao động việc xây dựng Quỹ Khuyến học được Ban Khuyến học dòng họ đặc biệt chú trọng. Hàng năm, cùng với việc ủng hộ 200.000 đồng/hộ, Ban Khuyến học dòng họ còn kêu gọi sự ủng hộ tùy tâm của các gia đình thành đạt. 

Từ nguồn quỹ xây dựng được khoảng 20 triệu đồng, hàng năm vào dịp giỗ tổ họ Sa - ngày 18/8 Âm lịch, Ban Khuyến học dòng họ lại khen thưởng các con, cháu có thành tích trong học tập, các cá nhân lao động sản xuất giỏi làm giàu cho gia đình, xã hội hay những cán bộ đạt nhiều thành tích trong công tác ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 

Là con dâu của dòng họ Sa, có thành tích cao trong công tác, được dòng họ động viên, khen thưởng, chị Hà Thị Mơ - giáo viên Trường THPT Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Về làm dâu họ Sa, noi gương các thế hệ trong dòng họ tôi thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng phấn đấu vươn lên trong công việc. Nhờ vậy, năm học 2020 - 2021, tôi được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, vinh danh "tri thức trẻ tiêu biểu”, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen "Giáo viên đạt danh hiệu nhà giáo trẻ tiêu biểu”. 

Không chỉ phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài trong dòng họ, dòng họ Sa còn có nhiều đóng góp phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Tiêu biểu là việc dòng họ đã ủng hộ 1 tủ sách khuyến học đặt tại nhà văn hóa thôn Ba Khe để nhân dân trên địa bàn có thể cùng nhau học tập, trau dồi kiến thức nuôi dạy con cháu, lao động, sản xuất. 

Với những kết quả đạt được, dòng họ Sa nhiều năm liền được các cấp khen thưởng là dòng họ học tập tiêu biểu. Đặc biệt, năm 2020, dòng họ vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng dòng họ học tập. Đây là động lực để dòng họ Sa và mỗi cá nhân, gia đình trong dòng họ tiếp tục phấn đấu, xây dựng dòng họ ngày càng phát triển, góp phần lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Lê Huyền

Tags dòng họ hiếu học dòng họ Sa hiếu học công tác khuyến học khuyến tài Cát Thịnh Ban Khuyến học Dòng họ tri thức trẻ tiêu biểu Văn Chấn

Các tin khác
Học sinh ở các địa phương có cấp độ dịch ở mức 1, 2 sẽ trở lại học trực tiếp từ ngày 15/3.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vừa có Công văn hỏa tốc số 699 yêu cầu: Tất cả các cơ sở giáo dục thuộc các địa phương được phân loại cấp độ dịch ở mức 1, 2 (thuộc vùng xanh, vùng vàng) cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đi học trực tiếp.

Học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang, Lai Châu điều chỉnh lịch học từ trực tiếp sang trực tuyến do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Giáo viên trung học phổ thông thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II phải nắm khoảng 20 văn bản liên quan đến luật. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Giáo viên THPT thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II phải nắm khoảng 20 văn bản liên quan đến luật, nghị định, thông tư và công văn của Bộ Giáo dục.

Các tân khoa chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện hai trường tại  Lâu đài  Altstadtrathaus (TP. Braunschweig, Đức).

Theo thông tin từ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chiều ngày 11/3 (theo giờ CHLB Đức), lễ trao bằng tốt nghiệp và bằng thi đậu kỳ thi M3, cho 9 sinh viên Khóa 2 (2014 – 2020) và 23 sinh viên Khóa 3 (2015 – 2021) thuộc khoa Y Việt – Đức (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đã diễn tại Lâu đài cổ nhất Altstadtrathaus của TP. Braunschweig (Đức).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục