Tuy nhiên, thiếu phòng học, thiết bị và nguồn nhân lực đang là rào cản đối với nhiều trường khi thực hiện trong năm học này. Vì thế, cùng với chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, việc chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên cần được thực hiện thế nào để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thành công?
Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3 có nhiều điểm thay đổi so với chương trình hiện hành, đó là dạy học bắt buộc 2 môn Tiếng Anh, Tin học; có thêm Hoạt động trải nghiệm và Công nghệ. Theo nhiều giáo viên, việc tổ chức dạy học, cho học sinh tiếp cận với tiếng Anh và Tin học là điều hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thời đại, giúp phát triển toàn diện năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, từ chủ trương đi vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các vùng quê, miền núi, vùng sâu vùng xa bởi vừa thiếu cơ sở vật chất vừa thiếu thiết bị để dạy môn Tin học.
Thầy Vì Văn Tụt, Trường tiểu học Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La nêu thực tế: "Mưa các em bị dột, nắng các em phải chịu nắng chứ không che được nắng mưa, cả bàn ghế không đạt tiêu chuẩn cho các em ngồi, cũng ảnh hưởng đến công tác dạy và học của thầy và trò. Muốn sử dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học nhưng với lớp học tạm thì các thầy cô giáo gặp rất nhiều khó khăn".
Cùng với thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy môn Tin học thì việc thiếu giáo viên dạy môn học này và môn Tiếng Anh cũng khiến các trường tiểu học gặp khó. Hiện nay, giáo viên Tin học chủ yếu được đào tạo giảng dạy cho cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông. Song theo chỉ đạo, giáo viên Tin học sẽ dạy luôn phần Công nghệ và số tiết tăng lên gấp đôi so với hiện hành, nhưng thực tế không phải giáo viên môn tin học nào cũng được đào tạo, bồi dưỡng về nội dung này.
Cô Cảnh Thị Hải Yến, giáo viên môn Tin học, Trường Tiểu học Liên Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội băn khoăn: "Trường tiểu học Liên Hà chỉ có mình tôi là giáo viên dạy Tin học, đúng là cũng có một chút áp lực bởi vì là khối lượng kiến thức sẽ tăng lên và có cả môn Công nghệ thì cũng sẽ phải tìm tòi thêm. Theo như chương trình mới thì Tin học sẽ học 2 tiết/tuần và công nghệ 1 tiết/tuần, là tổng 42 tiết thì sẽ rất quá sức với tôi, nên tôi cũng mong muốn Phòng Giáo dục sắp tới bổ sung thêm nhân lực để cùng san sẻ công việc với tôi".
Theo dự báo đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện ở tất cả các khối lớp sẽ phải bổ sung trên 24 nghìn giáo viên ở 3 môn học mới là Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học. Những con số này cho thấy rõ sự bị động của các địa phương trong nguồn tuyển giáo viên. Các địa phương cho biết, việc thiếu hụt lực lượng giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyện không mới, nên đã xây dựng nhiều chính sách khắc phục, như: khuyến khích giáo viên đi học văn bằng 2, đào tạo theo đơn đặt hàng.
Trước mắt, để khắc phục khó khăn trong việc thiếu giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, các địa phương đều hướng dẫn các trường tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để tổ chức dạy hai môn học này linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể, đồng thời sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường…
Ông Phạm Đức Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn và bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội cho biết: "Giáo viên hiện tại dạy các môn còn thiếu ví dụ như Ngoại ngữ đây là tình trạng chung không riêng ở huyện Ba Bể mà của tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Về vấn đề thiếu giáo viên Tiếng Anh thiếu hiện tại thì về phía Phòng cũng tham mưu cho huyện khắc phục bằng cách dạy liên trường. Tức là giáo viên ở trường này dạy chưa đủ tiết, thì có thể dạy thêm ở trường khác"
"Đối với giáo viên Ngoại ngữ thì cũng sẽ có những trường nhỏ thì giáo viên Ngoại ngữ thì sẽ dôi dư ra một số tiết, những trường lớn thì lại thiếu một số tiết. Huyện chúng tôi đang có định hướng cho những giáo viên dạy ở trường nhỏ thì tăng cường thêm những tiết đối với những trường lớn mà nhiều tiết".
Hiện các Sở GD-ĐT cũng tham mưu cho UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học. Đồng thời, bảo đảm giáo viên được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng sách giáo khoa trước khi được phân công giảng dạy.
Rõ ràng Chương trình giáo dục phổ thông mới giúp học sinh tiếp cận với tiếng Anh và Tin học để phát triển toàn diện năng lực. Thực tế triển khai dạy 2 môn học này ở các trường tiểu học cho thấy cần sự phối hợp hiệu quả hơn nữa của ngành GD-ĐT và các địa phương trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.
(Theo VOV)