Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT huyện Văn Chấn (1972 - 2022)

Trường THPT huyện Văn Chấn hòa nhịp xu thế chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/11/2022 | 9:48:29 AM

YênBái - Hòa nhịp xu thế chuyển đổi số, những năm qua, Trường THPT huyện Văn Chấn đã có nhiều hoạt động nổi bật về chuyển đổi số (CĐS) trong dạy và học. Giáo viên không chỉ biết dựa vào công nghệ để tạo và soạn bài giảng mà còn thay đổi cách thức, phương pháp giảng dạy, tương tác, thu hút học sinh, đưa học sinh trở thành trung tâm và thực sự làm chủ việc học.

Một giờ học với bài giảng điện tử của thầy và trò Trường THPT huyện Văn Chấn.
Một giờ học với bài giảng điện tử của thầy và trò Trường THPT huyện Văn Chấn.

Khi dịch Covid-19 làm thay đổi hình thức dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến, tập thể sư phạm nhà trường đã xác định dạy học trực tuyến là cơ hội và là bước đi đầu tiên để thay đổi nhận thức, kỹ năng CĐS của giáo viên và năng lực số của học sinh. Bởi vậy, thầy và trò đã tự trau dồi kiến thức, kỹ năng để ứng dụng tốt và có hiệu quả các nền tảng phần mềm dạy học trực tuyến như: K12online, Msteam, Zoom... 

Nhà trường cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ quản lý, giáo viên như: soạn thảo văn bản, khai thác Internet, sử dụng thư điện tử, xây dựng bài giảng điện tử, thiết kế bài giảng E-learning, phần mềm quản lý giáo dục để hỗ trợ công tác giảng dạy... 

Câu lạc bộ CĐS trong nhà trường được thành lập; đội ngũ phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) được kiện toàn. Theo đó, mỗi tổ, khối chuyên môn có ít nhất 1 giáo viên nòng cốt biết ứng dụng thành thạo CNTT là đầu mối hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về áp dụng CNTT vào giảng dạy. Không gian, thiết bị học tập trong từng lớp học cũng ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại hóa. 

Hiện, toàn trường có 6/21 phòng học thông minh, 15/21 phòng học tiên tiến với 100% có trang bị bảng tương tác và nhiều trang thiết bị hiện đại có khả năng kết nối máy tính, Internet và Wifi phủ sóng toàn trường. Nhà trường cũng đã rà soát, phát triển hệ thống thư viện điện tử, kết nối liên thông với các kho học liệu điện tử, chia sẻ tài liệu số hoá giữa các nhà trường, phục vụ tốt hơn nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin của học sinh.

Từ những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ với khái niệm và các công cụ của CĐS, đến nay, các giáo viên trong trường đã tích cực sáng tạo trong áp dụng CNTT vào giảng dạy. Việc áp dụng hệ thống bài giảng điện tử kết hợp với các thiết bị học tập được trang bị ngày càng hiện đại vào giảng dạy đã giúp học sinh chủ động và làm chủ kiến thức, kích thích sự ham học hỏi của học sinh. 

Em Nguyễn Minh Tuấn - học sinh lớp 11B1 chia sẻ: "Những năm học cấp 2 khi còn phòng học và cách học truyền thống, giữa cô và trò ít có sự tương tác, khi ấy em học khá mơ hồ, chỉ biết nghe và tiếp thu 1 chiều. Nhưng khi lên cấp 3, được tiếp cận với phương pháp học mới, em thấy hứng thú và chủ động hơn hẳn. Không chỉ có những bài giảng rõ ràng với sự hỗ trợ của video, âm thanh, hình ảnh mà bản thân em cũng được hướng dẫn, hình thành thói quen tự thiết kế, chuẩn bị bài học, bài tập về nhà bằng các phần mềm để hôm sau trình chiếu trước lớp. Từ đó cô và trò tăng tương tác, trao đổi nhiều hơn, bài học cũng vì thế mà dễ nhớ, dễ hiểu”.

Mới đây, Trường THPT huyện Văn Chấn đã xây dựng và ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT và CĐS giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả quản lý ngành và xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. 

Thầy giáo Nguyễn Quang Hà - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Văn Chấn cho biết: "Nhà trường đang tiến hành rà soát, phân cấp cơ sở vật chất, đội ngũ về CNTT, kiểm tra các hoạt động về CNTT của giáo viên toàn trường; từ đó tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ giáo viên áp dụng CNTT trong giảng dạy tốt hơn; đồng thời tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa để tiếp tục đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị CNTT, đào tạo nhân lực CNTT phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy. Cùng đó, nhà trường sẽ đẩy mạnh việc thực hiện kết nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh thông qua hệ thống phần mềm hồ sơ điện tử, sổ liên lạc điện tử, thanh toán học phí không dùng tiền mặt trong thời gian tới”.

Hoài Anh

Tags Trường THPT huyện Văn Chấn chuyển đổi số nền tảng phần mềm dạy học trực tuyến bài giảng điện tử

Các tin khác
Học sinh Trường THPT Cảm Nhân hôm nay

Tháng 7 năm 1972, Trường Phổ thông trung học (PTTH) số 2 Yên Bình chính thức được thành lập - nay là Trường THPT Cảm Nhân (huyện Yên Bình). Từ khi thành lập đến nay, Trường THPT Cảm Nhân đã 3 lần chuyển địa điểm khác nhau để đảm bảo an toàn cho công tác dạy và học phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thông tin về việc điều chỉnh học phí năm học 2022 - 2023.

Buổi tập thể dục giữa giờ của học sinh Trường Phổ thông cấp III huyện Văn Chấn (nay là Trường THPT huyện Văn Chấn) từ những năm học đầu tiên 1973 -1974.

50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, các thế hệ thầy và trò Trường THPT huyện Văn Chấn đã chung tay góp sức, vượt qua mọi khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường không ngừng phát triển, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Thành tích rất đáng tự hào của nhà trường không ngừng được thầy và trò phát huy, viết tiếp những trang sử vẻ vang, tô thắm bảng vàng thành tích.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, trong đó giáo viên công lập là 10.407 người, giáo viên ngoài công lập là 5.858 người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục