Giai đoạn 2016 - 2020, Sở GD&ĐT đã tham mưu với tỉnh triển khai thành công Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức thực hiện Đề án đã thu gọn được các đầu mối, khắc phục tình trạng nhiều trường, điểm trường trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ; cơ sở vật chất được đầu tư tập trung theo hướng kiên cố hơn, khang trang hơn và từng bước hiện đại hóa.
Đề án giải quyết căn bản những bất cập trong việc tổ chức các lớp học ở điểm lẻ; khó khăn trong việc bố trí giáo viên, tỷ lệ học sinh đến lớp thấp, sự bất bình đẳng trong thụ hưởng chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ.
Trước khi thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 530 trường, 765 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn bản, khu dân cư; sau khi thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm được 130 trường và 478 điểm trường, giảm nhu cầu 1.985 người làm việc, số học sinh ra lớp tăng 20.482 học sinh, đặc biệt có trên 10.000 học sinh ở bán trú được hưởng chính sách theo Nghị định số 116 của Chính phủ, qua đó giảm bớt khó khăn cho hàng chục ngàn gia đình ở vùng cao, vùng khó khăn.
Bước sang giai đoạn 2021-2025, ngành GD&ĐT đã tham mưu với tỉnh ban hành các nghị quyết, đề án, chính sách phát triển GD&ĐT. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 22 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2021-2025; HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết chuyên đề về phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh ban hành các đề án phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 (Đề án phát triển giáo dục mầm non; Đề án triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành). Đến nay, ngành GD&ĐT Yên Bái đã có quy mô mạng lưới trường lớp hợp lý.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có trên 460 cơ sở giáo dục (trong đó: có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp nghề, 7 trung tâm giáo dục thường xuyên, 9 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập). Riêng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 442 đơn vị với quy mô trên 6.900 lớp, gần 226.000 học sinh. Đội ngũ toàn ngành hiện có gần 14.000 lao động; trong đó, đội ngũ công lập có trên 13.000 người; tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức đạt 84,2%. Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh có 6.751 phòng học của giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó tỷ lệ kiên cố đạt 85,6%; về cơ bản đáp ứng đủ cho học hai ca và đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày.
Nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ nét. Năm 2022, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2021.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì và nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Yên Bái là một trong số ít các tỉnh miền núi phía Bắc có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic Quốc tế: 1 huy chương Bạc kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2019, 1 giải Khuyến khích Olympic Vật lý Châu Á -Thái Bình Dương. Công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao chất lượng. Năm 2021, Yên Bái là tỉnh thứ 24/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT đã công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chú trọng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 293/444 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 66% các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú được củng cố, phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.
Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc” một cách bài bản. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, ngành GD&ĐT Yên Bái tiếp tục tập trung quán triệt sâu rộng trong toàn ngành quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT theo tinh thần chỉ đạo của các cấp.
Tiếp tục sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của học sinh; tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để sắp xếp đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ, năng lực.
Chú trọng bồi dưỡng phương pháp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cùng với đó, tập trung xây dựng "trường học hạnh phúc”; đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong giáo dục…
Thanh Vy