Xác định CĐS sẽ mang lại không ít cơ hội đổi mới, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt thời cơ, nhanh chóng bắt tay vào thực hiện CĐS để nâng cao chất lượng dạy và học. Trường THCS xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn năm học 2022 - 2023 có 464 học sinh ở 11 lớp, trong đó có 94,8% là con em người dân tộc thiểu số. Sẽ không tránh khỏi những khó khăn khi thực hiện CĐS bởi là xã vùng cao, song xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy sự sáng tạo, tính độc lập, chủ động của học sinh, giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục nên thời gian qua, nhà trường đã nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, học sinh về CĐS.
Thầy giáo Dương Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đến nay, CĐS trong nhà trường được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm trong quản lý như: phần mềm VNEdu, cơ sở dữ liệu ngành; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sử dụng phần mềm quản lý công văn đi, đến của nhà trường. Trong giảng dạy, giáo viên khai thác phần mềm học liệu của bộ môn; sử dụng bài giảng điện tử để phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý chuyên môn, coi đó là nhiệm vụ quan trọng để tập trung thực hiện”.
Khi yêu cầu CĐS ngày càng cao, các thầy cô giáo cũng phải nỗ lực thay đổi để ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy. Chia sẻ về CĐS trong giảng dạy, cô giáo Lê Thị Lan Anh - giáo viên Trường THPT huyện Văn Chấn cho biết: "Từ định hướng CĐS của ngành, bản thân tôi đã tích cực nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ. Từ đó, đổi mới phương pháp giảng dạy, lồng ghép sử dụng phần mềm dạy học để phát huy năng lực, chủ động học tập của học sinh”.
Tại Trường Tiểu học và THCS xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, giờ học bắt đầu khi giáo viên giới thiệu tổng quát bằng hình ảnh minh họa qua phần mềm kết nối giữa máy vi tính với màn hình tivi. Sau đó, học sinh thảo luận, tham gia phát biểu, đóng góp xây dựng bài theo chủ đề.
Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, đến nay, toàn tỉnh có 200 trường học triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử; 90 trường học triển khai xây dựng được 249.666 câu hỏi trắc nghiệm; trên 147 nghìn bài giảng điện tử được giáo viên tạo ra và áp dụng vào giảng dạy; 87 trường học triển khai xây dựng kho bài giảng E-learning với 3.264 bài giảng E-learning.
Đối với các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số, nhiều trường học như: THCS Lê Hồng Phong, THCS Nguyễn Du, Tiểu học Hồng Thái, Tiểu học Nguyễn Trãi… đã tổ chức các lớp học không biên giới có kết nối với các trường học khác trong tỉnh cũng như các tỉnh khác và các nước trên toàn thế giới như: Hy Lạp, Hàn Quốc, Ai Cập, Ấn Độ...
Các trường cũng đã tổ chức kết nối dạy học trực tuyến giữa nhà trường với Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh và các địa điểm văn hóa, du lịch nổi tiếng trong tỉnh theo cụm trường để tổ chức dạy học giáo dục địa phương, cho học sinh hoạt động trải nghiệm về lịch sử, địa lý, văn hóa theo hình thức trực tuyến.
Cùng với đó, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý trường học, chức năng Sổ điểm điện tử và Học bạ điện tử đảm bảo các quy định. Qua đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh với thông tin đầy đủ, chính xác được cập nhật thường xuyên.
Có thể thấy, việc CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập đã giúp ngành giáo dục tỉnh có công cụ hiện đại để thực hiện việc đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời tạo môi trường giáo dục ổn định, năng động, linh hoạt, đặc biệt hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai, dịch bệnh và những nguy cơ thay đổi khó lường. Với mục đích lấy người học và giáo viên là trung tâm của quá trình CĐS, lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của CĐS, ngành Giáo dục - Đào tạo Yên Bái tăng cường sử dụng phần mềm quản lý trường học ở các cơ sở giáo dục phổ thông, tiếp tục khai thác các ứng dụng hồ sơ điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu; đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh phấn đấu tạo ra môi trường giáo dục số, thúc đẩy chất lượng giáo dục phù hợp với yêu cầu kết nối chính quyền số và xã hội thông minh trong tương lai.
Thanh Chi