Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu có 12 lớp với 476 học sinh. Dù khó khăn đặc thù của một ngôi trường vùng cao nhưng nhờ có nhiều giải pháp trong dạy và học nên những năm gần đây chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao.
Với tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 90%, nhiều phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em, còn có tư tưởng phó mặc cho nhà trường; một số học sinh không còn được hưởng các loại chế độ chính sách của Nhà nước khi một số địa phương được công nhận nông thôn mới; nhiều thiết bị dạy học chưa đáp ứng với nhu cầu, nhất là thiết bị phục vụ Chương trình GDPT 2018; đội ngũ giáo viên còn thiếu... dẫn đến tình trạng nguy cơ học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục hạn chế…
Trước những thách thức đặt ra, Trường THPT Trạm Tấu đã đề ra nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác dạy và học. Theo đó, hàng năm nhà trường luôn xác định phải làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm.
Thầy giáo Đỗ Thành Công - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngay từ đầu các năm học, nhà trường đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành phối hợp với nhà trường để tuyên truyền động viên, vận động học sinh ra lớp. Đồng thời, tập trung tuyên truyền các văn bản về chế độ chính sách cho phụ huynh và học sinh hiểu, từ đó giúp các em yên tâm học tập. Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp ký cam kết không để học sinh bỏ học; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là hoạt động trải nghiệm để thu hút học sinh tham gia".
Cùng với đó, nhà trường còn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua như: "Quản lý tốt, dạy tốt, học tốt”, "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; "Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc”, gắn với các cuộc vận động: "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, "Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc học yếu”...
Tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn trường, cũng như tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Theo đó, hàng năm, Ban Giám hiệu nhà trường cử 100% giáo viên tham gia các lớp tập huấn chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; cử giáo viên các bộ môn ôn thi tốt nghiệp đi học tập kinh nghiệm ở các trường bạn.
Cô Hà Thị Chuyên - giáo viên môn Vật Lý cho biết: "Thời gian qua, cũng như nhiều giáo viên khác, trong dạy học, tôi đã tích cực đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh. Chú trọng tìm các phương pháp dạy học làm sao để học sinh nắm chắc lý thuyết ngay tại lớp, rèn luyện kỹ năng phân tích, tư duy tổng hợp và logic, kỹ năng sử dụng các thiết bị trong thí nghiệm nhằm kích thích niềm say mê, yêu thích bộ môn, tính sáng tạo của học sinh trong học tập”.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, sát với thực tế, chất lượng giáo dục của Trường THPT Trạm Tấu đã có những chuyển biến rõ nét. Kết thúc học kỳ I, năm học 2022 - 2023, kết quả học tập của học sinh khối 10 loại khá, giỏi đạt 43,41%; khối 11 và 12 loại khá, giỏi đạt 45,1%, không có học sinh yếu kém. Đặc biệt, trong 2 năm học gần đây, tỷ lệ tuyển sinh đầu cấp của nhà trường đạt trên 100% kế hoạch, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99% trở lên.
Văn Tuấn