Cô giáo Lê Thu Trang - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên chia sẻ: "BLHĐ nảy sinh có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố về tâm lý lứa tuổi. Lứa tuổi học sinh thích thể hiện, hiếu thắng, bốc đồng nên dễ nảy sinh những hành vi thiếu kiểm soát. Cùng với đó, nhiều em bị thiếu sự quan tâm, yêu thương, dạy dỗ từ người lớn; bị bạn bè lôi kéo, sống trong gia đình thường xuyên căng thẳng, cãi vã. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng BLHĐ cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh, có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường, có 1 trường có học sinh đánh nhau.
Còn thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng, có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện nay, giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên.
Từ những con số này cho thấy, BLHĐ không còn là vấn đề nhỏ, vấn đề của con trẻ như nhiều người vẫn nghĩ mà là vấn nạn của xã hội cần sớm được ngăn chặn và đẩy lùi.
Chị Nguyễn Hồng Anh ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái có con đang học THCS tâm sự: "Sự thật là bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của BLHĐ và cha mẹ không thể theo dõi con trong thời gian đến trường. Bởi vậy, ngoài chăm lo cho con cái học hành, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm tới đời sống tinh thần của con, chủ động quan sát con để kịp thời nhận ra những dấu hiệu, hành vi bất thường của con; phải gần gũi, làm bạn với con để con có thể chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống. Nếu phát hiện con bị BLHĐ thì cần phải cho con thấy, mình luôn đồng hành cùng con và nói cho con hiểu không cần thiết phải phản ứng lại như những gì mà các bạn đã làm”.
Đồng hành, chia sẻ với con, đó là điều mà các bậc phụ huynh nên làm với con mỗi ngày, nhất là trong độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, BLHĐ lại thường xảy ra bên ngoài phạm vi gia đình, liên quan chủ yếu đến nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên. Do đó, cùng với sự quan tâm của các bậc phụ huynh thì sự chung tay vào cuộc của nhà trường và cộng đồng xã hội là điều hết sức cần thiết để ngăn chặn BLHĐ gia tăng.
Thiết nghĩ, cùng với tập trung dạy kiến thức, các nhà trường cũng cần tăng cường hơn nữa giáo dục đạo đức cho học sinh; dạy cho các em sống có ý thức, trách nhiệm, biết yêu thương và sẻ chia; tăng cường tuyên truyền giúp cho các em nhận thức được hậu quả của BLHĐ thông qua các buổi tuyên truyền, các giờ hoạt động ngoại khóa hoặc sinh hoạt dưới cờ.
Cùng với đó, cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích; có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm của học sinh để có biện pháp giáo dục và uốn nắn các em; khi học sinh vi phạm, nhà trường cần chiếu theo nội quy để xử lý, qua đó giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm với việc làm của mình…
Hồng Oanh