Nghe cô thuyết minh viên giới thiệu về Di tích lịch sử mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 cùng các hạng mục, công trình của di tích mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa; làm lễ dâng hương bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân có công với đất nước, các em học sinh đã có thêm những hiểu biết về truyền thống lịch sử của địa phương.
Em Nguyễn Minh Hằng - học sinh Lớp 5 hào hứng: "Đi tham quan thực tế cùng lời thuyết minh về di tích lịch sử giúp chúng em củng cố thêm kiến thức đã học; nắm sâu, biết kỹ hơn về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng cách mạng của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và Cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Qua buổi học ngoại khóa này, chúng em đã hiểu hơn về di tích lịch sử văn hóa địa phương, về truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông để thêm trân trọng và tự hào về truyền thống oai hùng của ông cha ta. Chúng em sẽ quyết tâm học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông đi trước”.
Cô giáo Lê Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng Trường TH&THCS số 2, Y Can, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Nắm bắt được tầm quan trọng cũng như những lợi ích thiết thực của hoạt động học tập tham quan ngoại khóa, nhà trường luôn lựa chọn các khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh là điểm đến để học sinh có hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa địa phương. Từ đó, giúp các em có thái độ sống tích cực, biết yêu thương, trân trọng quá khứ, phát huy truyền thống yêu nước bằng chính sự cố gắng, chăm chỉ trong học tập”.
Cùng với quan tâm cho học sinh tham quan, học tập, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, nhiều trường học cũng đẩy mạnh dạy học Lịch sử cho học sinh qua những giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh. Bởi mỗi hiện vật, hình ảnh và những thông tin quan trọng về lịch sử sẽ là những giáo cụ trực quan làm bớt đi sự khô khan của những bài giảng lý thuyết. Các em học sinh sẽ thấy thú vị hơn khi được trực tiếp nhìn ngắm những hiện vật, được cán bộ thuyết minh cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử, giá trị của chúng.
Em Nguyễn Khánh Tùng - học sinh Lớp 6E, Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái nghe và cẩn thận ghi chép đầy đủ những thông tin tiếp nhận được vào quyển sổ nhỏ. Em cho biết: "Những chuyến tham quan, trải nghiệm như thế này giúp em được học tập thực tế nhiều hơn, hỗ trợ em học bài dễ thuộc, nhớ lâu và dung nạp kiến thức sâu rộng hơn”.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, hơn 5.000 lượt học sinh của các trường học trên địa bàn tỉnh đã được học lịch sử tại Bảo tàng. Đây là một hình thức học tập, trải nghiệm thú vị, khơi gợi được niềm đam mê, tạo động lực để các em học tập và sáng tạo, phát triển kỹ năng, tự ghi chép kiến thức, phát triển trí tuệ và nhân cách của học sinh.
Có thể thấy, dạy học Lịch sử bằng hình thức trực quan sinh động, trải nghiệm từ bảo tàng, di tích lịch sử là hình thức giáo dục hiệu quả, vừa đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn đã tạo hiệu ứng tốt để học sinh lĩnh hội các kiến thức về giá trị lịch sử, văn hóa của cha ông một cách hiệu quả nhất.
Con số 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia; 119 di tích cấp tỉnh chính là nguồn tư liệu vô giá để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên.
Thanh Chi