Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức vào các ngày từ 27-29/6/2023; kỳ thi cũng cơ bản được giữ ổn định như năm 2022. Ngày 24/3/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Để hiểu hơn về những điểm mới cũng như sự chuẩn bị của ngành GD&ĐT tỉnh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.
P.V: Xin bà cho biết những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Bà Tô Thị Ánh: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có một số điều chỉnh đáng chú ý:
Thứ nhất, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chỉ được mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.
Bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.
So với năm 2022, quy chế mới đã bỏ quy định thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT được phép về việc được mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi. Thay đổi này cũng phù hợp với đề xuất của nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT năm ngoái, lo ngại người coi thi không đủ chuyên môn kiểm tra từng thiết bị thí sinh mang vào.
Thứ hai, thí sinh là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi được đăng ký dự thi bằng cả 2 hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12.
Thứ ba, sửa đổi quy định về hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, đối với hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thuộc đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi thì thành phần hồ sơ sẽ bao gồm: 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu (gọi chung là bản sao) học bạ THPT; hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với giáo dục thường xuyên do hiệu trưởng trường phổ thông cấp; các loại chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có); file ảnh (hoặc 2 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng ký dự thi trực tiếp) kiểu căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.
Như vậy, quy chế mới đã bỏ quy định về bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Ngoài ra, còn bổ sung quy định về file ảnh (hoặc 2 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng ký dự thi trực tiếp) với trường hợp đăng ký trực tuyến.
Thứ tư, liên quan đến điểm ưu tiên xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2023 cho một số đối tượng thuộc diện 2 và diện 3, Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung điểm d, Khoản 2 và điểm a, Khoản 3, Điều 39 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:
- Đối với người dân tộc Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thuộc diện 2 được cộng 0,25 điểm khi có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 3 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước), xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hoặc có nơi thường trú ít nhất 2/3 thời gian học cấp THPT tại các xã khu vực I, II, III và xã có thôn ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2022, yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tính đến ngày thi).
- Đối với người DTTS thuộc diện 3 được cộng 0,5 điểm khi có nơi thường trú trong thời gian học tập cấp THPT từ 3 năm trở lên ở xã ĐBKK, xã biên giới, an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định 135/QĐ-TTg năm 1998 (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); hoặc có nơi thường trú tại các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS&MN theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, học tại các trường phổ thông Dân tộc nội trú hoặc học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2022, yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú).
Ngoài ra, Quy chế mới còn có thêm các quy định mang tính kỹ thuật tổ chức kỳ thi: bổ sung và điều chỉnh thành phần Hội đồng ra đề thi, các ban in sao đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023; không cử thanh tra tham gia công tác in sao đề thi, làm phách bài thi; bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi và điểm chấm thi nhằm tăng sự độc lập giữa thanh tra và hội đồng thi.
P.V: Xin bà cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh đã được thực hiện như thế nào?
Bà Tô Thị Ánh: Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Sở GD&ĐT đã chủ động thực hiện các phần việc cũng như tham mưu với tỉnh. Theo đó, Sở tham mưu với UBND tỉnh thành lập một Ban Chỉ đạo chung để chỉ đạo tổ chức cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh trung học.
Trong công tác chỉ đạo dạy học, ôn tập, ngay từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch năm học; xây dựng kế hoạch ôn tập, phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức công tác cam kết chất lượng ở tất cả các bậc học, trong đó chú trọng đối tượng học sinh cuối cấp.
Chỉ đạo công tác tư vấn hướng nghiệp, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, từ đó lựa chọn môn thi, khối thi phù hợp (với học sinh THPT). Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức "Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh - việc làm” để định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12.
Cùng với đó, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, chỉ đạo đổi mới công tác sinh hoạt tổ chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ, hiệu quả công tác dạy học, ôn tập; trọng tâm là bàn giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của các môn thi, đặc biệt là các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Chỉ đạo các nhà trường tổ chức kiểm tra, khảo sát thường xuyên để đánh giá kết quả, từ đó tiếp tục điều chỉnh kế hoạch ôn tập; tổ chức khảo sát các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh lớp 9 và thi thử tốt nghiệp THPT theo đề thi chung toàn tỉnh.
Trong công tác chỉ đạo, tổ chức thi, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế sửa đổi, Sở đã gửi văn bản đến các trường, yêu cầu nhà trường triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, so sánh những điểm thay đổi trong quy chế để chú ý thực hiện.
P.V: Để kỳ thi diễn ra thành công, ngành GD&ĐT tỉnh xác định những nhiệm vụ cụ thể nào trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Tô Thị Ánh: Để kỳ thi diễn ra thành công, Sở tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác dạy học, ôn tập.
Đặc biệt tổ chức phân tích kết quả thi thử; rút kinh nghiệm công tác dạy học và ôn tập của các cơ sở giáo dục; điều chỉnh nội dung và phương thức ôn thi sát với các nhóm đối tượng học sinh, tập trung ôn tập hiệu quả đến đối tượng có học lực yếu, hoàn cảnh khó khăn.
Chuẩn bị tốt các điều kiện, tổ chức kết thúc chương trình đúng quy định. Tới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác thi. Ngay sau khi dự Hội nghị tập huấn của Bộ GD&ĐT, Sở sẽ có những chỉ đạo hướng dẫn chi tiết các đơn vị, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ:
Tổ chức các hội nghị tập huấn công tác tổ chức đăng ký dự thi cho thí sinh, đặc biệt đăng ký theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo độ chính xác trong hồ sơ, dữ liệu, thông tin của thí sinh; Tập huấn quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi (cả lực lượng bảo vệ, phục vụ); khảo sát nghiệp vụ bằng phiếu trắc nghiệm đối với 100% cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên của các đơn vị; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra công tác thi cho các lực lượng thanh tra, kiểm tra.
Lựa chọn, cử cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi đảm bảo theo quy chế, có phẩm chất tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ.
Rà soát, bổ sung các thiết bị, cơ sở vật chất để các Hội đồng thi làm việc; đảm bảo an toàn, nghiêm túc đúng quy chế ở tất cả các khâu.
Xây dựng các phương án phối hợp với các ban, ngành tổ chức xã hội, phụ huynh học sinh tham gia chuẩn bị, tổ chức tốt các kỳ thi. Đặc biệt, phối hợp với lực lượng công an đảm bảo an ninh, an toàn cho các kỳ thi.
Cùng với Công đoàn ngành phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể rà soát các trường hợp thí sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không có thí sinh bỏ thi do hoàn cảnh khó khăn.
Với sự chuẩn bị chu đáo cùng những kinh nghiệm từ các năm trước, tin tưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh Yên Bái sẽ được tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và hiệu quả.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Thanh Ba (thực hiện)