Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Yên Bái là tỉnh thứ 18 toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ II
Năm học 2022-2023 công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành GD&ĐT có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả; kỷ cương, nền nếp trong các đơn vị, nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã được ngành thực hiện có hiệu quả.
Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp; quy mô phát triển ổn định tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Toàn tỉnh hiện có 466 cơ sở giáo dục. Riêng giáo dục mầm non, phổ thông có 442 đơn vị với quy mô 6.993 lớp, 227.196 học sinh; so với năm học trước tăng 68 lớp, tăng 1.259 học sinh.
Quang cảnh Hội nghị.
Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục nâng lên, giáo dục mũi nhọn có nhiều bứt phá. Số học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia tăng cao so với năm học trước (33 giải, trong đó có 2 giải Nhất); đội tuyển Yên Bái đứng thứ 5 trong 15 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; đứng thứ 27/63 tỉnh thành trên toàn quốc, tăng 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ thí sinh đoạt giải đạt 53,2% (lần đầu tiên tỷ lệ thí sinh đạt giải vượt 50%).
Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bỏ học giảm, kỹ năng sống của học sinh người dân tộc thiểu số được nâng lên. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chú trọng; đã triển khai có hiệu quả chương trình GDPT 2018 đối với 3, lớp 7, lớp 10.
Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS, xóa mù tiếp tục đạt mức cao và bền vững. Trong năm, tỉnh Yên Bái được Bộ GD&ĐT công nhận
đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (là tỉnh thứ 18 trong toàn quốc).
Cùng với đó, ngành cũng đi đầu trong chuyển đổi số và thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng mô hình chuyển đổi số trong trường học với 10 tiêu chí cụ thể. Ngành tiếp tục nhân rộng mô hình "Trường học hạnh phúc” với 3 giá trị cốt lõi là "yêu thương, an toàn, tôn trọng”. Hiện, toàn tỉnh đã có 296 trường được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc” (chiếm 66,9% tổng số trường, vượt 16,9% so với chỉ tiêu kế hoạch).
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ II.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp trong năm học vừa qua. Đồng thời, thảo luận, trao đổi, bàn bạc các giải pháp thực hiện Kế hoạch năm học 2023 - 2024.
Tập trung thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách của tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn (ảnh trên) ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả, thành tích của ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã đạt được trong năm học vừa qua.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024, đồng chí đề nghị ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực GD&ĐT, nhất là 2 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 3 đề án và các chính sách của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các chương trình hành động của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm, kế hoạch xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".
Đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, giáo dục quốc phòng, các hoạt động giáo dục "đức, trí, thể, mỹ", công tác y tế trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành.
Thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; thực hiện công tác phân luồng học sinh, tăng cường tuyên truyền, vận động để học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp đạt 30% theo chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị ngành chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Tổ chức, triển khai việc đánh giá, phân loại nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo chuẩn, thực hiện việc luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Tiếp tục phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu các cấp với các giải pháp sáng tạo, đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Xây dựng các biện pháp cụ thể để giảm thiểu số học sinh yếu, kém; tăng số học sinh khá, giỏi, học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Đồng thời, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, dân tộc nội trú phù hợp với điều kiện mới hiện nay; tập trung đầu tư cho các trường dân tộc nội trú để đến năm 2025 đảm bảo tỷ lệ 10% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ cở, trung học phổ thông được học tại trường phổ thông dân tộc nội trú. Trước mắt, tập trung các giải pháp nhằm hỗ trợ giáo viên và học sinh huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả thiên ta; đảm bảo các điều kiện để giáo viên và học sinh những nơi bị ảnh hưởng thiên tai (xã Hồ Bốn, Lao Chải, ...) bước vào năm học mới 2023 - 2024 theo đúng chương trình, kế hoạch năm học.
Giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xoá mù chữ
Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện theo hướng giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xoá mù chữ; có các giải pháp quyết liệt đảm bảo giữ vững và nâng cao phổ cập giáo dục trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Tập trung hoàn thành mục tiêu các đề án phát triển GD&ĐT, đặc biệt là Đề án triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh. Tích cực xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đồng chí cũng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp với ngành GD&ĐT huy động sự vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 4 tập thể và 121 cá nhân, công nhận 6 tập thể đạt danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc” (ảnh trên).
Đức Toàn