Đây là chia sẻ của TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong khuôn khổ tọa đàm "Trường học hạnh phúc", do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ hỗ trợ và phát triển trường học hạnh phúc (Happy Lof Schools) tại Việt Nam tổ chức mới đây.
Theo ông Đức, thế hệ 6X được đến trường đã là hạnh phúc. Giờ đây ngược lại, cả trẻ em, thầy cô đến trường đều quá áp lực. Nhất là trong thời kỳ bùng nổ công nghệ và mạng xã hội, mỗi hành vi của thầy cô dù chỉ sơ suất rất nhỏ nhưng cũng có thể trở thành cơn bão trên mạng xã hội. Điều đó khiến các thầy cô e dè, không dám bộc lộ cảm xúc thực sự.
Năm 2018, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Sau đó, một số tỉnh, thành, trường học đưa hoạt động này trở thành phong trào thi đua với nhiều tiêu chí, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng. Tuy nhiên, ông Vũ Minh Đức nói việc này cần phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của các trường và giáo viên.
"Đừng biến mô hình trường học hạnh phúc thành phong trào, tiêu chí thi đua rồi bắt các trường thực hiện. Như thế là lại tạo thêm áp lực cho họ", ông Đức nói.
Ngoài ra, theo ông Đức, nhiều trường thực hiện hiệu quả, giúp giảm áp lực cho học sinh và giáo viên, thầy trò thích đến lớp. Song, một số mô hình chưa phù hợp, bị lợi dụng cho mục đích kinh tế. Do đó, ông đề nghị các nhà trường phải đảm bảo những giá trị cốt lõi của mô hình này.
Bà Louise Aukland, chuyên gia nghiên cứu về khoa học thần kinh, Đại học Oxford, Anh cho biết, theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ ba học sinh thì có một em bị bạo hành hàng tháng tại trường học, và 20% thanh thiếu niên toàn cầu đang gặp vấn đề về rối loạn tâm thần.
"Chúng ta không chỉ là khiến học sinh cười, mà phải giúp các em thích đến trường, có cảm xúc, suy nghĩ và tư duy tích cực. Những người trẻ hạnh phúc sẽ đạt kết quả tốt hơn", bà nói.
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ & Phát triển trường học hạnh phúc cho biết, chương trình trường học hạnh phúc được thiết kế với những kế hoạch hành động cụ thể dành cho giáo viên và học sinh với hai mô hình căn bản và toàn diện để có thể ứng dụng cả về chiều sâu và chiều rộng. Trong điều kiện hiện nay, trường học hạnh phúc là nhu cầu cực kỳ cần thiết của xã hội.
TS Lê Thị Quỳnh Nga, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, gợi ý mô hình trường học hạnh phúc với hai yếu tố chính.
Đầu tiên là yếu tố ngoại cảnh như cảnh quan thân thiện, an toàn, cơ sở vật chất kiên cố, phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, tiêu chí này cũng bao hàm cả mối quan hệ giữa người với người, để học sinh thấy được đối xử tôn trọng, tin tưởng, chia sẻ.
"Ví dụ cổng trường sắp đổ, quạt trần có nguy cơ rơi thì học sinh sao hạnh phúc được. Tương tự, cách đối xử giữa giáo viên với nhau, giữa nhân viên với học sinh cũng cần được chú trọng, làm sao đảm bảo văn minh, tôn trọng", bà nói.
Yếu tố còn lại, bà Nga cho rằng vì hạnh phúc là trạng thái cảm xúc cá nhân, nên để học sinh cảm được sự hạnh phúc, các em cần khỏe cả thể chất và tinh thần.
"Trường học nên tích cực tổ chức hoạt động thể thao, giúp học sinh nâng cao sức khỏe. Còn tinh thần thì làm sao hỗ trợ các em tư duy tích cực, từ đó sẽ có cảm xúc tích cực, khởi nguồn của cảm giác hạnh phúc", bà Nga nói.
(Theo VTC News)