Theo Bộ GD và ÐT kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2006; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Ðể triển khai công tác đăng ký dự thi bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, cung cấp thông tin dữ liệu chính xác phục vụ tổ chức thi và bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã tổ chức tập huấn và quán triệt quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các sở GD và ÐT.
Trước khi thí sinh đăng ký chính thức, Bộ GD và ÐT cũng chuẩn bị kỹ lưỡng phần mềm đăng ký và mở cổng cho phép đăng ký thử trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các đơn vị đăng ký dự thi cũng triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu đăng ký dự thi của thí sinh.
Vì vậy, trong thời gian đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 2-10/5, hệ thống quản lý thi của Bộ GD và ÐT hoạt động ổn định, bảo đảm cho các thí sinh đăng ký dự thi thuận lợi, thành công. Kết thúc thời gian đăng ký có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống đăng ký thi của Bộ GD và ÐT; trong đó, có 45.344 thí sinh tự do đăng ký dự thi.
Quá trình đăng ký dự thi, phần lớn các điểm đăng ký, trường THPT đều cử thầy cô giáo hướng dẫn, chuẩn bị trang thiết bị máy tính để thí sinh đăng ký đạt kết quả.
Thầy giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) cho biết, những ngày đăng ký dự thi nguồn điện, máy tính, đường truyền internet của trường bảo đảm ổn định và thường xuyên có ba cán bộ, giáo viên túc trực để hỗ trợ học sinh.
Vì vậy, dù vẫn còn học sinh chuẩn bị hồ sơ minh chứng đối tượng, khu vực ưu tiên chưa tốt, ảnh chưa đúng quy định nhưng đến thời hạn, 697 học sinh lớp 12 của trường đều hoàn thành đăng ký dự thi; bảo đảm lựa chọn môn thi, tổ hợp thi theo đúng sở trường và phù hợp nhu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng của các em.
Từ ngày 11/5, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chuyển sang trọng tâm ôn thi giai đoạn "nước rút" cho học sinh lớp 12. Nhà trường yêu cầu giáo viên từng môn thi hướng dẫn, xây dựng đề cương ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, rà soát chất lượng đối với từng học sinh để phân hóa theo trình độ, mục tiêu của bài thi bảo đảm theo bốn mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ quá trình triển khai công tác đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12, nhà trường đã thành lập Ban cơ sở dữ liệu gồm lãnh đạo nhà trường, cán bộ văn phòng, giáo viên tin học, giáo viên chủ nhiệm tham gia hỗ trợ học sinh. Vì vậy, quá trình đăng ký dự thi của 445 học sinh lớp 12 khá suôn sẻ.
Học sinh Nguyễn Thế Trường, lớp 12 D, Trường THPT Tiền Phong cho biết, quá trình đăng ký dự thi cũng mắc một số lỗi như thiếu thông tin, nhầm lẫn đối tượng nhưng được các thầy cô hỗ trợ cho nên em đã đăng ký thành công. Ngay sau khi đăng ký dự thi, em cùng các bạn được các thầy cô tập trung ôn luyện các môn thi tốt nghiệp theo cấu trúc đề thi minh họa và gắn với các hoạt động ôn luyện môn thi xét tuyển đại học. "Em lựa chọn các môn Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân để dùng cho xét tuyển đại học" - em Trường cho biết.
Cục trưởng Quản lý chất lượng Bộ GD và ÐT Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ GD và ÐT đã ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn và tổ chức các đợt tập huấn cho kỳ thi. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và ban chỉ đạo thi của các tỉnh, thành phố cũng đã được thành lập để triển khai các bước của kỳ thi.
Sau khi thí sinh cả nước hoàn thành đăng ký dự thi, Bộ GD và ÐT sẽ tổ chức tập huấn và tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra triển khai kỳ thi ở các địa phương. Bộ GD và ÐT lưu ý các sở GD và ÐT, các trường phổ thông cần tập trung rà soát và in cơ sở dữ liệu cho thí sinh để đối sánh. Ðặc biệt, các đơn vị cần chú ý xác thực hộ khẩu đã được thực hiện theo đề án chuyển đổi số, không dùng hộ khẩu bản giấy.
Các trường và thí sinh phải thực hiện đối sánh và in bản dữ liệu để thí sinh ký xác thực kết quả cuối cùng. Ðối với thí sinh, cần tập trung thực hiện các hướng dẫn của trường THPT nơi học tập để kiểm tra lại cơ sở dữ liệu dự thi; rà soát lại các thông tin liên quan phục vụ công tác tuyển sinh. Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cũng lưu ý thí sinh tập trung hệ thống hóa lại kiến thức đã học vì chỉ còn một tháng rưỡi nữa sẽ đến ngày thi. Tuy nhiên, các em cũng không nên căng thẳng, lo lắng thái quá.
Theo Thứ trưởng GD và ÐT Phạm Ngọc Thưởng, năm nay là năm cuối của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi không hề thay đổi, bất cứ sai sót nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi. Ðể kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đạt hiệu quả tốt nhất theo các mục tiêu đề ra, công tác chỉ đạo thi của các cấp cần sâu sát, toàn diện.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tiếp tục quán triệt tinh thần "bốn đúng, ba không" trong kỳ thi. Ðó là: Ðúng quy chế và hướng dẫn thi, đúng và đủ quy trình, đúng vị trí và chức trách nhiệm vụ được giao, đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống và sự cố bất thường; không lơ là chủ quan, không căng cứng áp lực thái quá, không tự ý xử lý tình huống sự cố bất thường nhằm thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
(Theo NDO)