Yên Bái: Giải pháp nào hỗ trợ học sinh bán trú không còn hưởng chính sách của xã khu vực III?

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/8/2024 | 7:58:51 AM

YênBái - Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các địa phương của tỉnh Yên Bái cũng đồng thời với những vấn đề đặt ra trong giải quyết bài toán "thôi hưởng chế độ bán trú” với học sinh bán trú tại các xã vùng III đạt chuẩn NTM.

Cô giáo Trường Tiểu học & THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên đến tận nhà tuyên truyền, vận động khi học sinh thôi hưởng chế độ vùng III.
Cô giáo Trường Tiểu học & THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên đến tận nhà tuyên truyền, vận động khi học sinh thôi hưởng chế độ vùng III.

Những khó khăn phát sinh

Giáo dục là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của một quốc gia. Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú ở các xã khu vực III là một trong những biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo quyền được học tập và phát triển của trẻ em vùng khó khăn. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các địa phương, nhiều trường học thuộc xã đạt chuẩn NTM có những thay đổi về chính sách dẫn đến tình trạng học sinh bán trú tại các xã này không còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trước. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với việc duy trì tỷ lệ chuyên cần và điều kiện học tập tốt nhất cho các em.

Nhiều nơi, nhiều vùng, nhiều bản vùng cao đến nay đã hoàn thành toàn bộ, hoặc hoàn thành một phần các tiêu chí NTM. Không thể phủ nhận rằng, xây dựng NTM đã và đang làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng địa phương. 

Văn Yên là một huyện miền núi, có diện tích tự nhiên khoảng 1.391,54 km2 với 24 xã và 1 thị trấn. Dân số toàn huyện trên 129.000 người; trong đó, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 47%. Những năm gần đây, huyện Văn Yên đang đẩy mạnh xây dựng NTM. Với phương châm xây dựng NTM bền vững và thực chất, song việc xây dựng NTM vẫn không tránh khỏi tác động tới tỷ lệ chuyên cần của các trường học trên địa bàn. 

Văn Yên có 24 trường mầm non và phổ thông; trong đó, 10 trường mầm non, 6 trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú, 8 trường phổ thông có học sinh bán trú với tổng số 2.910 học sinh bán trú được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 của Chính phủ và Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh; 152 học sinh trường PTDT bán trú học 2 buổi/ngày hưởng chế độ theo Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh. 

Những chính sách này đã phát huy tác dụng tích cực, giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Văn Yên được tiếp cận và theo học đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Năm học 2023 - 2024 vừa qua, trên địa bàn 10 xã khu vực III của huyện Văn Yên có 6 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2021 đến 2023 và sẽ có 4 xã dự kiến đạt chuẩn NTM năm 2024. 

Qua rà soát, thống kê năm học 2024 - 2025, toàn huyện có 519 học sinh bán trú sẽ không còn được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 của Chính phủ và Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh do các xã đã đạt chuẩn NTM từ năm 2021 đến 2023. Trong đó, Trường Tiểu học Lang Thíp có 232 học sinh, Trường THCS Lang Thíp 195 học sinh và Trường Tiểu học & THCS Đại Sơn có 92 học sinh. 

Ngoài ra, còn có 1.001 học sinh bị tác động, thôi hưởng các chế độ khác như chế độ hỗ trợ chi phí học tập (trong đó, bậc học mầm non 229 em, tiểu học 341 em và THCS 368 em); chuyển sang mức đóng học phí theo khu vực I (cao hơn mức nộp trước khi xã đạt chuẩn NTM) 476 em (trong đó, mầm non 100 em và THCS 376 em). Việc học sinh không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của xã khu vực III sẽ gây ra nhiều khó khăn và thách thức. Các em học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận giáo dục, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, tỷ lệ chuyên cần và kết quả học tập của các em.


Giải quyết bài toán "thôi hưởng chế độ bán trú” 

Trong 2 năm gần đây, trước thềm năm học mới, huyện Văn Yên đều tổ chức rà soát, thống kê học sinh chịu tác động, bàn giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, chủ yếu vẫn là giải pháp tuyên truyền, vận động và tăng cường các nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là sự góp sức của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm, các tổ chức đoàn thể… 

Đúng vậy, giải pháp chính vẫn là tuyên truyền và vận động. Nhưng câu chuyện tuyên truyền như thế nào, vận động ra sao khi mà cũng còn nhiều người dân đã và đang cho rằng việc học của bọn trẻ là của Nhà nước, là của chính quyền. Vẫn biết ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy cô giáo cũng được ví là một trong các đối tượng "người uy tín trong cộng đồng”, nhưng không ít thầy cô đã phải bất lực với các yêu cầu vượt ngoài tầm giải quyết như: "chính quyền làm đường bê tông tôi sẽ đưa con đi học”, "gia đình còn phải đi làm, thầy cô tới đón thì đi”… 

Đó là những câu chuyện có thật ở Văn Yên. Chính vì thế, mô hình bán trú dân nuôi được xem là một giải pháp hiệu quả. Điều này không chỉ giúp các em duy trì tỷ lệ chuyên cần mà còn là giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước, mô hình bán trú dân nuôi đã giúp xây dựng biết bao thế hệ cán bộ cho vùng Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng. 

Bán trú dân nuôi của thời điểm đó khó khăn gấp bội với bán trú dân nuôi của NTM bởi hệ thống trường lớp học, nhà ở, công trình vệ sinh, bếp ăn đã được đầu tư khang trang chứ không phải tranh tre, vách nứa. Có lẽ, đây sẽ là giải pháp thực sự bền vững giải quyết bài toán "thôi hưởng chính sách bán trú” ở nhiều địa phương NTM trong tương lai. 


Khó khăn thôi hưởng chế độ xã vùng III sẽ không ngăn được các em học lên những cấp học cao hơn. Trong ảnh: Một giờ học của thầy và trò Trường THPT Văn Chấn. 

Vẫn biết tuyên truyền, vận động là giải pháp then chốt, song mỗi địa phương cần cụ thể phù hợp với thực tế. Chính quyền địa phương cần chủ động liên hệ, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để vận động nguồn lực tài chính, vật chất bổ sung cho công tác hỗ trợ học sinh bán trú. Các quỹ, dự án về giáo dục, phát triển cộng đồng, các chương trình của các tổ chức phi chính phủ... cũng có thể là nguồn hỗ trợ tiềm năng. 

Bên cạnh việc kêu gọi sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài, việc vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong địa bàn cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp cho phát triển giáo dục địa phương, đặc biệt là những nơi có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền cần có chính sách khuyến khích các nhà tài trợ này, như ưu đãi về thuế, quảng bá hình ảnh, vinh danh... 

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động gây quỹ, chương trình thiện nguyện tại cộng đồng. Đây là cách để huy động được nguồn lực trực tiếp từ người dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, góp phần cải thiện điều kiện học tập cho học sinh bán trú. Các hoạt động này có thể bao gồm: ngày hội gây quỹ, chương trình văn nghệ, triển lãm, các trại hè, trại gắn kết cộng đồng... Tổ chức Đoàn, hội cha mẹ học sinh có thể là những đơn vị chủ trì, phối hợp với nhà trường và chính quyền địa phương…

Cần tính đến những thách thức

Việc giải quyết bài toán "thôi hưởng chế độ bán trú” cần phải được xem xét, tính toán cùng với xây dựng NTM. Không thể cứ hoàn thành đạt chuẩn rồi mới tính đến những thách thức phía sau. Tỉnh Yên Bái cũng đã có Nghị quyết số 38 ngày 8/3/2023 của HĐND tỉnh, trong đó quy định tiền ăn, mua gạo ở cho học sinh khi xã đạt chuẩn NTM, kinh phí nấu ăn cho học sinh bán trú khi xã đạt chuẩn NTM, kinh phí nấu ăn cho trường có trên 150 học sinh bán trú khi xã đạt chuẩn NTM. Đó là giải pháp căn bản, thông suốt từ cấp tỉnh.

 Song, thiết nghĩ, cần nhiều hơn những giải pháp hỗ trợ mang tính chiến lược, lâu dài huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, tiến cử như mô hình Quỹ Hỗ giáo dục cấp tỉnh nhằm tập trung nguồn lực để hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ này hoạt động theo các nguyên tắc vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp tài chính; ưu tiên hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giám sát, đánh giá và công khai minh bạch việc sử dụng nguồn quỹ… 

Việc hỗ trợ học sinh bán trú không còn hưởng chính sách của xã khu vực III là một thách thức đáng quan tâm. Bằng việc áp dụng các giải pháp tuyên truyền vận động người dân hiểu đúng; huy động nguồn lực xã hội, tăng cường sự tham gia của nhà trường và cộng đồng, cải thiện cơ sở vật chất, tin rằng các em học sinh thôi hưởng chính sách sẽ được đảm bảo quyền lợi và có điều kiện học tập tốt hơn. Đây là trách nhiệm chung của chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Thanh Ba

Tags Yên Bái giải pháp hỗ trợ học sinh bán trú

Các tin khác
Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bổ sung thêm môn Tin học, Công nghệ (ảnh minh hoạ)

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang xây dựng dự thảo Thông tư mới về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với những điểm mới.

Năm học 2024 - 2025 là năm học hoàn tất lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. 451 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn Yên Bái đã sẵn sàng vào năm học mới.

Trường TH&THCS xã Tân Nguyên dạy tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ đón năm học mới.

Chỉ còn ít ngày nữa là bước vào năm học mới. 52 đơn vị trường học trên địa bàn huyện Yên Bình đã tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để sẵn sàng đón học sinh các cấp trở lại trường sau 3 tháng nghỉ hè, hướng đến năm học mới với nhiều thành tựu ấn tượng.

551.479 thí sinh đã xác nhận nhập học tại các trường đại học. Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) cho biết có 122.107 thí sinh dù đã trúng tuyển đợt 1 nhưng từ chối nhập học đại học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục