Thời gian qua, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã len lỏi vào hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn thế giới và giáo dục cũng không ngoại lệ. Với khả năng xử lý và phân tích dữ liệu "trong phút mốt", AI mở ra cánh cửa cho nhiều cơ hội trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Trước xu thế đó, 3 trường THPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái được lựa chọn thực hiện điểm mô hình "Bình dân học AI” là: THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái), THPT Chu Văn An (Văn Yên) và THPT Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ) bước đầu đã ứng dụng công cụ AI để hỗ trợ giảng dạy và học tập.
Cụ thể, thời gian qua,
Trường THPT Chu Văn An đã đưa công nghệ thực tế ảo vào các giáo án bài giảng, tạo cho học sinh có những trải nghiệm học tập mới mẻ, sinh động, giúp các em có thể tương tác với nội dung học tập một cách thú vị, hấp dẫn và trực quan hơn.
Một giờ học Lịch sử của các em học sinh lớp 11A1, thay vì sự khô khan, nhàm chán từ các câu hỏi đáp giáo viên cung cấp kiến thức một chiều cho học sinh nay là một tiết học đầy sinh động, hứng thú. Trong tiết học này, học sinh đóng vai trò trung tâm khi các em được thỏa sức thể hiện khả năng, sự sáng tạo khi xây dựng một video liên quan đến bài học mà giáo viên cho chuẩn bị trước. Từ việc lên ý tưởng, chọn hình ảnh, viết lời bình, thuyết minh, âm nhạc, dựng phim, các em đều tự thực hiện thông qua công nghệ AI nhằm trình bày những kiến thức lịch sử mà mình biết. Cách làm này đã giúp các em học sinh hào hứng hơn, nội dung bài học lịch sử nhờ đó đi vào tâm trí các em một cách nhẹ nhàng và dễ hiểu.
Em Đỗ Mạnh Tú - lớp 11A1, Trường THPT Chu Văn An cho biết: "Nhờ ứng dụng AI mà chúng em có thể dễ dàng xây dựng được những video liên quan đến bài học rất đa dạng và sinh động. Ngoài ra, ứng dụng AI đã tạo điều kiện để em tìm kiếm được rất nhiều tài liệu hay phục vụ cho việc học tập, giúp em giải quyết những bài tập khó”.
Trước đây, yêu cầu đổi mới chỉ đòi hỏi giáo viên thay đổi phương pháp dạy học thì nay, đổi mới giáo dục đặt ra cho giáo viên yêu cầu đáp ứng về năng lực ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Công cụ AI đã hỗ trợ các thầy, cô giáo thiết kế bài giảng; xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh một cách khá chính xác. Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thiết kế nhiều tiết học trải nghiệm nhằm giúp các em học sinh phát huy tốt năng lực của bản thân.
Thầy giáo Phạm Hữu Công - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho hay: "Việc triển khai ứng dụng công nghệ AI trong nhà trường đã được các thầy cô giáo và các em học sinh yêu thích, đón nhận. Việc ứng dụng AI hợp lý, có chọn lọc đã mang lại hiệu quả cho cả người học, người dạy lẫn nhà quản lý. Trong đó, người học có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận kho kiến thức khổng lồ của nhân loại; đồng thời, có thể cá nhân hóa việc học tập của mình”.
Là 1 trong 3 trường tham gia thí điểm mô hình "Bình dân học AI”,
Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; thường xuyên rà soát, tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT và công nghệ số cho thầy và trò. Liên tiếp trong các năm gần đây, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành
đạt giải cao trong các kỳ thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và cấp tỉnh với các đề tài ứng dụng trí tuệ nhân tạo giải quyết hiệu quả các vấn đề trong học tập và đời sống.
Là 1 trong 2 tác giả đạt giải Ba trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, năm học 2022 - 2023 với Dự án "Thiết bị giải mã tín hiệu điện não thành ngôn ngữ nói hỗ trợ người rối loạn phát âm”, em Đào Đình Bình, học sinh lớp 12 Chuyên Toán chia sẻ: "Với những người rối loạn phát âm, họ rất khó để nói hoặc có nói thì cũng rất khó để nghe. Để thực hiện đề tài, chúng em lựa chọn giải pháp giao thức tương tác trực tiếp giữa các tín hiệu não với một thiết bị bên ngoài và công nghệ AI để thực hiện chuyển đổi tín hiệu điện não từ phương pháp đo điện não đồ sang ngôn ngữ nói”.
Cô giáo Lục Thị Thu Hoài - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thì cho rằng: "Đổi mới phương thức trong giảng dạy và học tập là một trong những lợi ích của việc ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục mang lại. Tôi luôn cố gắng tự học và tìm hiểu những ứng dụng về trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ mình trong soạn giảng và hướng dẫn cho học sinh làm nghiên cứu khoa học. Qua công cụ AI đã hỗ trợ chúng tôi trong thiết kế bài dạy; xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá học sinh, qua đó đa dạng hình thức học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy”.
Cũng với việc ứng dụng AI, gần đây nhất, Dự án "EGP- Tủ điện thông minh cảnh báo sự cố và bảo đảm an toàn sự cố điện gia đình" của 2 em Nguyễn Thế Trường - lớp 12 chuyên Lý và Nguyễn Thành Đức - lớp 11 Toán tin, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành cũng là 1 trong 2 dự án của học sinh trung học Yên Bái đã xuất sắc đoạt
giải Nhì Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023- 2024 ở lĩnh vực Hệ thống nhúng.
Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng, mang đến thay đổi lớn trong việc thay đổi cách học sinh học và cách giáo viên hướng dẫn. Tuy nhiên, như với bất kỳ sự đổi mới nào cũng đều có ưu và nhược điểm. Bởi vậy, trong quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhà quản lý, giáo viên và học sinh cần học cách sử dụng một cách điều độ và biết chọn lọc thì chắc chắn công nghệ AI sẽ mang đến những thay đổi lớn, góp phần đổi mới phương pháp quản lý, việc giảng dạy và học tập cũng trở nên sáng tạo hơn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ số hiện nay.
Thanh Chi