“Gieo chữ” nơi đất lũ Minh Chuẩn

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/11/2024 | 10:49:38 AM

YênBái - Sau hơn 2 tháng kể từ khi cơn bão số 3 đi qua, song các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học và THCS xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên (Yên Bái) chưa có một ngày nghỉ trọn vẹn. Sau dọn lũ đón học sinh giờ các thầy cô đang miệt mài trên lớp với những giờ giảng, đảm bảo cho các em không bị tụt lùi kiến thức.


Trở lại thăm Trường Tiểu học và THCS xã Minh Chuẩn sau cơn bão lịch sử Yagi, tôi đã thực sự ngỡ ngàng. Nhìn khuôn viên khang trang, xanh- sạch - đẹp, thật khó có thể hình dung ra ngôi trường mà cách đây hơn 2 tháng còn chìm trong bùn nước, tan hoang và đổ nát. Những nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt rạng ngời của các cô cậu học trò đang nô đùa trong sân trường hay những tiếng trẻ bi bô đọc bài trên lớp dường như đã "đẩy" cơn bão đi rất xa khỏi nơi này.
 
Gặp lại cô giáo Hoàng Minh Diệp, giáo viên của Trường TH & THCS Minh Chuẩn, người mà chỉ sau một đêm "bỗng dưng” nổi tiếng trên báo chí truyền thông và mạng xã hội khi bức ảnh về cô quần áo lấm lem bùn đất, tay đang cầm gói mì tôm sống ăn tranh thủ để tập trung dọn dẹp trường sau cơn bão được đưa lên mạng. Tuy nhiên, cũng chính vì bức ảnh lan truyền nhanh chóng sau đó có phần gây ảnh hưởng, xáo trộn đến cuộc sống sinh hoạt và công tác nên cô Diệp cũng rất ngại khi tiếp xúc với báo chí. 

Hôm nay gặp phóng viên "báo nhà", cô Diệp mới mở lòng: "Ngay sau khi cơn bão đi qua, Ban giám hiệu nhà trường đã huy động 100% cán bộ, giáo viên đến trường để dọn dẹp bùn đất, vệ sinh trường lớp. Khi nước rút, toàn bộ trường, lớp, các thiết bị dạy học đều bị ngập sâu trong bùn đất, khu vực sân trường bùn dày đến cả mét nên khi đó tất cả các thầy, cô cũng chỉ mải miết dọn dẹp mà quên cả ăn và không biết mệt mỏi. Không ngờ bức ảnh của mình đăng lên được lan tỏa, nhiều người quan tâm đến vậy. Thực chất thì cũng chỉ là đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình cùng với các thầy, cô giáo nhà trường với mong muốn nhanh chóng vệ sinh trường lớp sạch sẽ để sớm đón các em học sinh trở lại chứ không mong trở thành người nổi tiếng mà trên các trang mạng xã hội mọi người đặt cho là "hoa hậu" hay "người hùng vùng đất lũ"…”.



Cô giáo Hoàng Minh Diệp hiện đang là giáo viên dạy lớp mầm non 5 tuổi của Trường TH&THCS Minh Chuẩn. Đã hơn 5 năm gắn bó với mái trường nhưng có lẽ trận lũ lịch sử vừa qua đối với cô giáo Diệp chắc chắn sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên. Sau lũ trở lại trường lớp, cô giáo Diệp vẫn đang nỗ lực miệt mài dạy các em những bài hát múa, tập viết, tập đọc đánh vần giúp các học trò làm quen với "con chữ” tự tin trước khi vào lớp 1.

Cháu Lê Hà Trang, lớp mẫu giáo 5 tuổi A, khoe : "Em rất vui khi được đến trường vì có nhiều trò chơi, tham gia các hoạt động trải nghiệm, lại còn được cô Diệp dạy múa hát, dạy viết chữ nữa. Em yêu quý cô Diệp nhiều lắm”.  

Không chỉ cô giáo Diệp mà khi mưa lũ xảy ra còn rất nhiều hình ảnh cảm động của các thầy giáo, cô giáo của nhà trường "cứu lũ". Thầy giáo Lương Ngọc Tuấn, thầy giáo Lương Ngọc Thuần khi nước lũ tràn về đã thức trắng đêm bám trường, bám lớp, không quản hiểm nguy lên rừng lấy cây đóng mảng đưa người dân đến nơi an toàn, bơi qua dòng nước cao gần 4m chảy xiết để vào các lớp học sơ tán đồ dùng học tập và tài liệu hồ sơ của nhà trường bị lật mảng suýt bỏ cả tính mạng. 

Thầy giáo Lương Ngọc Tuấn nhớ lại: "Đêm hôm xảy ra bão lũ, mình cùng với một số thầy cô đang trực tại trường. Khi thấy nước lũ tràn vào sân trường, mình đã hô hào các thầy cô có mặt lúc đó chạy được một vài bộ máy tính, hồ sơ lên tầng 2 nhưng khi nước dâng lên quá nhanh và ngập đến cả tầng 2, các thầy cô cũng đành bất lực khi nhìn toàn bộ đồ đạc của nhà trường bị cuốn trôi”.

Anh Lương Ngọc Đủ, ở thôn Khau Nàng, xã Minh Chuẩn hiện đang có con theo học tại trường chia sẻ: " Sau bão, nhà trường bị thiệt hại nặng nề, ngập đầy bùn đất nên các thầy, các cô đã phải dọn dẹp nhiều ngày, vất vả lắm. Gia đình tôi cũng bị thiệt hại; toàn bộ tài sản, sách vở, đồ dùng học tập của các cháu cũng bị lũ cuốn trôi hết nhưng được các thầy cô và mọi người quan tâm động viên ủng hộ quần áo, sách vở để các cháu được tới trường như hôm nay, gia đình tôi mừng lắm!”.

Trường TH & THCS Minh Chuẩn là một trong những trường gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 3 trong các trường học trên địa bàn huyện Lục Yên do xã Minh Chuẩn bị cô lập nhiều ngày. Sân trường, lớp học đến bàn ghế phủ bùn dày đặc. Tại các phòng học chức năng, nhiều trang thiết bị đồ dùng học tập, bàn ghế, ti vi, máy tính… mà nhà trường vừa sắm để chuẩn bị cho năm học mới cũng đã bị ngập nước hỏng hoặc lũ cuốn trôi.



Cô giáo Vũ Thu Hương – Hiệu trưởng Trường TH &THCS Minh Chuẩn kể lại: "Trong cơn bão số 3 vừa qua, nhà trường bị thiệt hại rất nghiêm trọng, nước ngập lên đến tận tầng 2. Mặc dù nhà trường đã chủ động sơ tán đồ đạc, trang thiết bị dạy học lên tầng 2, nhưng nước dâng lên quá nhanh nên các thầy cô cũng chỉ kịp chạy lấy người, còn mọi thứ đều cuốn trôi theo dòng nước. Nghĩ mà xót xa. Có thể nói đây là những ngày kinh hoàng nhất đối với thầy cô và học sinh của nhà trường”. 

Ngay sau khi cơn bão đi qua, các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị đã quan tâm giúp xã Minh Chuẩn vượt qua khó khăn, khắc phục hệ thống điện- đường- trường -trạm. Trực tiếp đồng chí Nguyễn Thế Phước - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tiếp cận xã Minh Chuẩn khi đang bị cô lập để thăm hỏi, động viên, chia sẻ và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ. 

Các cấp chính quyền, ngành giáo dục và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường thay toàn bộ bóng điện trong lớp học, quạt trần, lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng tại sân trường, thay thế một số tủ, bàn ghế bị hư hỏng; mua sắm 12 chiếc ti vi tại các lớp học, đặc biệt đã hỗ trợ 100% học sinh có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập trị giá hàng trăm triệu đồng, giúp các em học sinh sớm quay trở lại trường học. Hiện nhà trường cũng đang được Nhà nước đầu tư hơn 1 tỷ đồng để khôi phục cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp học để đảm bảo an toàn phục vụ cho công tác dạy và học.


Minh Chuẩn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lục Yên, với trên 96% học sinh của Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn là người dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn; nhất là sau cơn số 3, nhiều gia đình thầy cô giáo cũng như các gia đình phụ huynh học sinh bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản. Toàn trường có 181 em học sinh bị ảnh hưởng bão lũ, trong đó có 44 em bị ảnh hưởng nặng nề, 16 gia đình học sinh bị trôi, sạt lở mất nhà và mất hết đồ đạc.

Cô giáo Vũ Thơm, giáo viên chủ nhiệm khối lớp 7 của Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn với thâm niên hơn 13 năm gắn bó dạy học dưới mái trường này nên rất thấu hiểu với những khó khăn, vất vả của các bậc phu huynh và học sinh nơi đây. Cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn nay thiên tai ập đến lại càng chồng chất khó khăn. Sau lũ, giao thông đi lại vất vả, cuộc sống sinh hoạt và nề nếp học tập của một số học sinh cũng bị ảnh hưởng. Thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn ấy, cô Thơm cũng như các thầy cô giáo của nhà trường cũng đã đến từng nhà kịp thời nắm bắt tình hình, thăm hỏi, động viên các bậc phụ huynh cho con em trở lại trường học.



"Các em học sinh trong lớp phần lớn là con em đồng bào dân tộc Tày. Gia đình các em vừa trải qua  bão lũ, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng các em rất tình cảm, ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô. Những tình cảm chân thành, mộc mạc của học sinh chính là nguồn động lực để mình cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa giúp các em vươn lên trong học tập” - cô giáo Thơm chia sẻ.

Năm học 2024 - 2025, nhà trường có 18 lớp học với tổng số 557 học sinh, trong đó khối mầm non 149 em , tiểu học 238 em và THCS 170 em. Do bị ảnh hưởng nặng nề nhất nên Trường Tiểu học và THCS xã Minh Chuẩn cũng là đơn vị cho học sinh quay trở lại trường muộn nhất trên địa bàn huyện Lục Yên. Tuy nhiên, đến nay, tỉ lệ chuyên cần của các khối lớp luôn đạt 100%. 

Hiệu trưởng Vũ Thu Hương cho hay, cùng với sự chuẩn bị, khôi phục về cơ sở vật chất, Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn cũng xây dựng kế hoạch nhằm duy trì, bám sát nội dung, kế hoạch của năm học. Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch và thông qua UBND xã, ban đại diện phụ huynh; trong đó thống nhất, đối với THCS, các em học sinh sẽ học bù các buổi chiều trong tuần; đối với khối tiểu học sẽ học bù vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần. Sau hơn 2 tháng kể từ khi cơn lũ đi qua, đến nay tất cả các thầy cô chưa có một ngày nghỉ trọn vẹn, vẫn đang miệt mài dạy bù "chạy" chương trình, đảm bảo cho các em không bị tụt lùi kiến thức so với các bạn trường khác.



Em Lý Thị Hoàng Liên - học sinh lớp 9 chia sẻ: "Sau cơn bão số 3, chúng em được các thầy cô và mọi người hỗ trợ cấp phát sách vở, đồ dùng học tập nên chúng em rất vui khi sớm được trở lại trường học. Vì đây là năm học cuối cấp nên em cũng rất lo lắng nhưng được các thầy cô giáo giảng bài, truyền đạt kiến thức đầy đủ. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành công dân có ích, không phụ lòng của thầy cô và gia đình”. 

Dù vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, bộn bề do hậu quả bão số 3 để lại song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay chia sẻ của cộng đồng và sự chủ động, nỗ lực của nhà trường; các thầy cô giáo, học sinh nơi đây đang quyết tâm thi đua học tốt, dạy tốt để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm học 2024 -2025, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; tiếp tục triển khai xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc" để các thầy cô và các em học sinh trên vùng đất lũ mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc.

Đức Toàn


Tags Lục Yên Minh Chuẩn Gieo chữ vùng lũ tiểu học THCS

Các tin khác
Cô giáo Trương Thị Thơm chăm sóc học trò Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng.

5h30 phút sáng, "rẽ” màn sương sớm vùng cao, cô giáo Trương Thị Thơm, giáo viên Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu bắt đầu hành trình vượt chặng đường gần 20km đèo dốc từ nhà đến với học sinh thân yêu của mình. Và đến nay đã hơn 10 năm...

Một giờ học của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Búng.

Khi các xã vùng III đạt chuẩn nông thôn mới, vấn đề “thôi hưởng chế độ bán trú” trở thành một bài toán cần được giải quyết kịp thời và hiệu quả. Huyện Văn Chấn cũng là địa phương chịu tác động khi học sinh không còn được hưởng chế độ bán trú. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của các em mà còn tác động đến sự phát triển giáo dục của địa phương. Song, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện đã có nhiều giải pháp tích cực.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Nói rằng “mình là người hạnh phúc nhất”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, khi xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo đã nhìn sang các ngành khác, chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, hay ưu ái bất thường.

Bằng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, học sinh Trường TH&THCS Y Can số 1 đã có những bữa cơm chất lượng.

Đi qua những ruộng rau, bãi ngô tươi tốt, dấu tích bởi trận mưa lũ lịch sử do bão Yagi gây ra đã mờ dần, chúng tôi đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Y Can số 1, huyện Trấn Yên giữa lúc giáo viên và học sinh nhà trường đang sôi nổi thi đua “Dạy tốt - học tốt” và rộn ràng luyện tập các tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục