Các nghị quyết hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo: Đúng, trúng, nhân văn, hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/2/2025 | 8:20:01 AM

YênBái - Xác định giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một trong những trụ cột quan trọng trong khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh Yên Bái liên tiếp ban hành 3 nghị quyết quan trọng hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Các nghị quyết được triển khai thực hiện kịp thời đã tác động tích cực, đem lại những kết quả rõ rệt, tạo nền tảng vững chắc cho GD&ĐT của tỉnh.

Một giờ học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Trạm Tấu.
Một giờ học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Trạm Tấu.


Hỗ trợ kịp thời, trợ lực phát triển

Với một hệ thống các chính sách đồng bộ, GĐ&ĐT phải được quan tâm đầu tư đúng tầm, giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết: Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020; Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND ngày 8/7/2023 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Yên Bái từ năm học 2023 - 2024 đến hết năm học 2025 - 2026. 

Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết trên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể, thực hiện bảo đảm kịp thời, đúng chính sách và đối tượng; thường xuyên rà soát, báo cáo tình hình thực hiện, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đặc biệt là khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. 

Trên cơ sở đó, có các giải pháp hỗ trợ đối với học sinh bị ảnh hưởng, ổn định tư tưởng của học sinh và gia đình, không để học sinh bỏ học; đồng thời có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý cơ sở vật chất, thiết bị của những trường giảm hoặc không còn học sinh bán trú. UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình tại cơ sở, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú khi xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; chỉ đạo đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách đối với nhà giáo, học sinh và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Từ các nghị quyết hỗ trợ phát triển GD&ĐT của tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024, đã có 12 chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT được thực hiện với tổng kinh phí 76.047,3 triệu đồng, chia làm 3 nhóm chính sách gồm: nhóm các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trẻ em mẫu giáo; nhóm các chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, bán trú và quản lý học sinh bán trú; nhóm các chính sách hỗ trợ bồi dưỡng học sinh giỏi và bồi dưỡng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. 

Theo đó, đã có trên 39.000 lượt học sinh và trẻ mẫu giáo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trẻ em mẫu giáo với kinh phí 40.245 triệu đồng. Trong đó, trên 4.000 lượt học sinh được hưởng hỗ trợ tiền ăn và mua gạo cho học sinh bán trú thôi hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với kinh phí trên 13 tỷ 588 triệu đồng; trên 33.800 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ với tổng kinh phí trên 25.275 triệu đồng. Nhóm các chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, bán trú và quản lý học sinh bán trú được thực hiện với kinh phí trên 31,5 tỷ đồng. 

Đối với nhóm các chính sách hỗ trợ bồi dưỡng học sinh giỏi và bồi dưỡng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đã có 86 lượt giáo viên, giảng viên tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế được hỗ trợ 4.040 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là 9 người, kinh phí hỗ trợ 235 triệu đồng.  

Hiệu quả thiết thực, chuyển biến rõ nét

Việc tỉnh Yên Bái ban hành các chính sách tại Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc, cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp GD&ĐT, nhất là giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Yên Bái. Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, trong 4 năm (2021 - 2024) thực hiện Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND, sự nghiệp GD&ĐT của huyện đã có những chuyển biến đáng kể. 

Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hàng năm tăng rõ rệt. Ở cấp tiểu học, trong 4 năm thực hiện Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đã có trên 7.400 lượt học sinh được thụ hưởng chính sách với kinh phí hỗ trợ trên 5 tỷ 254 triệu đồng; cấp THCS có gần 3.000 học sinh được hỗ trợ với kinh phí trên 2 tỷ đồng. 


Đoàn công tác của tỉnh và huyện Mù Cang Chải kiểm tra bếp ăn của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Khao Mang. 

Bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu khẳng định: "Các chính sách hỗ trợ giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành trong những năm qua thực sự là chủ trương lớn, đúng. Các chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực và sự chuyển biến rõ nét. Đến nay, hệ thống giáo dục chuyên biệt như trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Trạm Tấu nói riêng ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. 

Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, tạo thêm cơ hội cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn được đến trường, tiếp cận giáo dục, giảm bớt khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi. 

Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục đặc thù của các trường phổ thông dân tộc bán trú được quan tâm hơn, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, cụ thể là trong 3 năm gần đây không có học sinh tiểu học bỏ học; chất lượng giáo dục ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện; công tác dạy học 2 buổi/ngày tại các trường phổ thông dân tộc bán trú được thực hiện bảo đảm quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ đến trường, lớp đối với nhóm trẻ mẫu đạt 97,4%, trong đó riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng đội tuyển tham gia các kỳ thi học sinh giỏi được quan tâm, đầu tư, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên, kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia cao hơn so với giai đoạn trước. Giáo viên tiếng Anh có thêm cơ hội tham gia các lớp bồi dưỡng, học tập để đạt chứng chỉ quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường học trên địa bàn tỉnh. 

Những chính sách hỗ trợ từ các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025 cùng nỗ lực phát triển GD&ĐT, hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng trong tỉnh. 

Năm 2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 80%; có 90% trường mầm non, phổ thông đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc”. Yên Bái duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tại 168/168 xã, phường, thị trấn đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, 2 tại 168/168 xã, phường, thị trấn; phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 tại 115/168 xã, phường, thị trấn…
                                                                  
Minh Thúy

Tags Yên Bái công tác dạy và học sự nghiệp GD&ĐT giáo viên học sinh

Các tin khác

Hiện nay, nhiều trường đại học sử dụng điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (TSA) để xét tuyển đầu vào. Tuy nhiên, công thức quy đổi sang thang điểm của các trường sẽ khác nhau.

Chiều 18/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tổ chức khai mạc Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học cấp tỉnh năm học 2024 – 2025 tại Trường THCS Quang Trung và Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái).

Phụ huynh đưa con đi thi lớp 10 tại Hà Nội

Phụ huynh cần tham gia giám sát việc thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật thực hành, thực nghiệm (Học viện Quân y) hướng dẫn học viên thực hiện kỹ thuật buộc chỉ ngoại khoa bằng tay.

Ngày 17-2, theo tin từ Học viện Quân y, Học viện sẽ tuyển 630 sinh viên, học viên hệ dân sự, từ đại học đến tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II trong năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục