Cầu nối tri thức qua dạy trực tuyến môn Tiếng Anh

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/4/2025 | 2:06:54 PM

YênBái - Chương trình dạy học trực tuyến không chỉ giúp các em học sinh tiếp cận với kiến thức tiếng Anh mà còn khẳng định tinh thần hợp tác giữa các địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô Phạm Thị Xuân trong tiết dạy trực tiếp với các em học sinh lớp 4A1, Trường PTDTBT TH&THCS Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.
Cô Phạm Thị Xuân trong tiết dạy trực tiếp với các em học sinh lớp 4A1, Trường PTDTBT TH&THCS Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.


Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc từ cấp tiểu học, nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết trong thế giới toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tại Yên Bái, giáo viên tiếng Anh còn đang rất thiếu, đặc biệt tại các địa phương vùng cao. Sự hỗ trợ từ các sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đặc biệt là Sở GD&ĐT Hải Phòng, đã mở ra cơ hội quý báu cho học sinh Yên Bái. Chương trình dạy học trực tuyến không chỉ giúp các em tiếp cận với kiến thức tiếng Anh mà còn khẳng định tinh thần hợp tác giữa các địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô giáo Phạm Thị Xuân - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng mới đây đã có tiết dạy trực tiếp môn Tiếng Anh đối với học sinh lớp 4A1, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học & THCS Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải. Đây không phải là lần đầu tiên cô và các trò gặp nhau, bởi lớp 4A1 đã được cô Xuân đảm nhận dạy môn Tiếng Anh trực tuyến từ tháng 2/2025 theo chương trình hợp tác hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh cấp tiểu học, THCS cho học sinh các vùng khó khăn, vùng cao của Yên Bái giữa 2 Sở GD&ĐT Yên Bái và Hải Phòng. 

Cô Xuân chia sẻ: "Lên tới đây, tôi mới thấu hiểu sự khó khăn vất vả thiếu thốn của các em học sinh vùng cao Yên Bái. Dạy trực tiếp cho các em học sinh lớp 4A1, tôi cũng đã thực hiện như tiết học bình thường vẫn dạy các con trực tuyến. Tuy cô trò đã quen nhau qua màn hình rồi nhưng các con lúc đầu vẫn còn bỡ ngỡ, rụt rè nhưng sau thì các con đã bắt nhịp và tương tác với cô tốt hơn”. 

Sau tiết dạy, cô Xuân cùng các thầy cô giáo tiếng Anh của quận Hồng Bàng sinh hoạt chuyên môn cùng các thầy cô giáo ở trường cũng như ở huyện. Các thầy cô ở Hải Phòng chia sẻ với các thầy cô ở huyện Mù Cang Chải những kỹ thuật dạy học, phương pháp học trực tuyến hiệu quả, chia sẻ phần mềm ứng dụng dạy học, để tạo các trò chơi trong mỗi tiết Tiếng Anh.

Ngày 4/10/2024, Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận được Công văn số 1561 của Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái về việc đề nghị hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh cấp tiểu học, THCS cho học sinh các vùng khó khăn, vùng cao của tỉnh. Cụ thể, Yên Bái cần hỗ trợ 3.950 tiết/năm học cấp tiểu học tại 10 trường thuộc thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải và 1.720 tiết/năm học cấp THCS tại 6 trường thuộc thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu. 

Ngay sau khi nhận được đề nghị, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã ban hành văn bản gửi các phòng GD&ĐT quận nội thành, phát động giáo viên đăng ký tự nguyện tham gia chương trình. Kết quả, phòng GD&ĐT các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền đã thống nhất đáp ứng đủ số tiết học, lớp học như đề nghị của tỉnh Yên Bái. 

Sở GD&ĐT Yên Bái sau khi nhận được thông tin hỗ trợ từ Hải Phòng, đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ phân công lãnh đạo, chuyên viên làm đầu mối triển khai chương trình phối hợp dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh. Các điều kiện về cơ sở vật chất cũng được chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo hiệu quả dạy học trực tuyến. Các phòng GD&ĐT được hỗ trợ đã gửi văn bản đề nghị hỗ trợ tới phòng GD&ĐT các quận của Hải Phòng, cung cấp thông tin cụ thể về lớp học, học sinh, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy tiếng Anh, giáo viên trợ giảng.

Chương trình hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm học 2023 - 2024, 2 trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố và THCS Võ Thị Sáu (quận Lê Chân) đã hỗ trợ Trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù và Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Khấu Ly (huyện Trạm Tấu) với 4 giáo viên giảng dạy cho 4 lớp, 286 tiết. Năm học 2024 - 2025, quận Lê Chân đã mở rộng tổ chức triển khai dạy học trực tuyến từ ngày 13/1/2025, với 15 giáo viên tiểu học hỗ trợ 561 học sinh/18 lớp và 4 giáo viên THCS hỗ trợ 239 học sinh/6 lớp. 

Quận Ngô Quyền đã tổ chức triển khai dạy học trực tuyến hỗ trợ cho các trường của thị xã Nghĩa Lộ từ ngày 13/1/2025, với 12 giáo viên tiểu học hỗ trợ 768 học sinh/22 lớp và 14 giáo viên THCS hỗ trợ 740 học sinh/21 lớp. Tính đến ngày 29/3/2025, quận Ngô Quyền đã hỗ trợ cho 6 trường, 36 lớp với 479 tiết. Quận Hồng Bàng đã bố trí 8 giáo viên tiểu học tham gia giảng dạy 226 học sinh/8 lớp từ ngày 05/2/2025 hỗ trợ cho các trường của Mù Cang Chải. Không chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn, các trường học tại Hải Phòng còn chia sẻ những phần quà thiết thực và ý nghĩa về cơ sở vật chất cho các trường vùng cao Yên Bái.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, chương trình hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh cũng gặp phải không ít khó khăn. Cơ sở vật chất chưa đầy đủ, đường truyền Internet không ổn định gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy - học trực tuyến. Thời gian sử dụng nền tảng Google Meet bị giới hạn gây gián đoạn tiết học. 

Học sinh vùng cao chủ yếu là dân tộc thiểu số, chưa được làm quen với Tiếng Anh từ sớm nên kiến thức và kỹ năng còn hạn chế. Giáo viên trợ giảng của Yên Bái hầu hết không biết tiếng Anh gây khó khăn trong phối hợp giảng dạy và đánh giá học sinh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hai bên, những khó khăn này đang dần được khắc phục. Các trường học tại Yên Bái đang cố gắng trang bị thêm cơ sở vật chất, cải thiện đường truyền Internet. Sở GD&ĐT Yên Bái cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về dạy học trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Chương trình hỗ trợ dạy học trực tuyến môn Tiếng Anh tại Yên Bái là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Sự nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên Hải Phòng cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Sở GD&ĐT sẽ góp phần tạo điều kiện cho học sinh vùng cao có cơ hội học tập tốt hơn.

Để đảm bảo tính hiệu quả và sự phối hợp chặt chẽ, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã phân công 3 quận trung tâm thành phố phụ trách hỗ trợ 3 huyện của tỉnh Yên Bái: quận Hồng Bàng hỗ trợ huyện Mù Cang Chải; quận Ngô Quyền hỗ trợ thị xã Nghĩa Lộ; quận Lê Chân hỗ trợ huyện Trạm Tấu. Đồng thời, Sở cũng phân công các cán bộ đầu mối để cùng phối hợp xây dựng kế hoạch, thời khóa biểu triển khai thực hiện.

Thanh Ba

Tags Yên Bái môn Tiếng Anh cầu nối tri thức giáo dục và đào tạo Phổ thông Dân tộc bán trú

Các tin khác
Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao cho học sinh, góp phần giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Trong những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng sống (KNS) nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện, tự tin và có khả năng ứng phó với những thách thức trong cuộc sống. Việc trang bị cho học sinh những KNS cần thiết đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục.

Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành trong giờ học.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học cấp tỉnh năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Yên Bái có 956 học sinh đoạt giải, trong đó, khối THPT có 605 giải, khối THCS có 531 giải. Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái xuất sắc là ngôi trường giành nhiều giải nhất ở cả hai khối với 199 giải, trong đó có 17 giải Nhất, 88 giải Nhì, 63 giải Ba và 31 giải Khuyến khích, là trường có số lượng và chất lượng học sinh đạt giải cao nhất tỉnh, tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường.

Đoàn học sinh Trường THCS & THPT Phạm Ngũ Lão tham gia ngày hội tại Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông.

Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 714/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Phát triển Trường Đại học Y Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia thuộc nhóm hàng đầu châu Á'.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục