Giải pháp cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn ở thành phố Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/4/2011 | 3:11:55 PM

YBĐT - Quá trình đào tạo nghề ở thành phố Yên Bái hiện đang nảy sinh những khó khăn cần những tháo gỡ kịp thời.

Người dân chưa mặn mà
Dân số thành phố Yên Bái hiện có trên 94 vạn người, trong đó có 27.752 người thuộc khu vực nông thôn. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung toàn thành phố đạt 61,25%, giai đoạn 2006 - 2010 đã có 1.626 lao động nông thôn được đào tạo nghề từ thường xuyên đến cao đẳng nghề. Theo thống kê trong giai đoạn 2011 – 2015, thành phố Yên Bái có 8.385 lao động nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề.

Nhiều xã trên địa bàn do thu hồi đất phục vụ cho các công trình trọng điểm nên việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn địa phương khi đất sản xuất bị thu hẹp cũng đang là nỗi lo của cấp ủy chính quyền các địa phương.

Điển hình như xã Tân Thịnh, là địa phương có nhiều dự án xây dựng đã và đang triển khai trên địa bàn, vì vậy lao động nông thôn của xã sau khi bị thu hồi đất sản xuất phục vụ giải phóng mặt bằng thường làm các nghề lao động phổ thông.

Nhiều người dân trong xã mong muốn được học nghề phù hợp với sức khỏe cũng như khả năng của mình. Song do thời gian học thường kéo dài từ 3 tháng trở lên, trong khi kinh phí hỗ trợ cho học viên lại thấp nên dù có mong muốn được đào tạo nghề nhưng chính họ lại không tha thiết với việc đi học nghề vì nếu đi học thì họ không đủ khả năng nuôi sống bản thân và gia đình.

Chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Thanh Hùng - xã Tân Thịnh cho biết: “Chồng tôi không may mất sớm, một mình vất vả nuôi 2 con nhỏ. Cả gia đình chỉ trông vào hai sào ruộng khoán và 800 ngàn tiền công trông trẻ. Do hoàn cảnh khó khăn tôi cũng mong muốn có một nghề có thể mang lại thu nhập ổn định để nuôi hai con ăn học. Nhưng nếu đi học nghề trong thời gian 3 - 9 tháng thì hoàn cảnh hiện nay của tôi không cho phép vì thời gian học quá dài, mức hỗ trợ cho học viên thấp với kinh phí 5 - 10 nghìn/người/ngày không đủ đảm bảo cho cuộc sống của mẹ con tôi”.

Ngoài ra, chị còn băn khoăn nếu thu xếp việc gia đình để đi học liệu khi hoàn thành khoá đào tạo chị có tìm được công việc ổn định hay không? Hay chỉ học xong rồi để đấy.

Suy nghĩ của chị Huyền cũng là trăn trở của nhiều người dân 10 xã trên địa bàn thành phố nói chung và xã Văn Tiến nói riêng. Hiện diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp của xã Văn Tiến chỉ còn 17,8%.

Đây là một trong những xã có nhiều dự án, công trình đang tiến hành san tạo giải phóng mặt bằng. Nhiều gia đình sau khi bị thu hồi đất sản xuất không biết mình phải làm gì khi cả cuộc đời họ vốn đã quen với nghề nông nghiệp.

Mong muốn của họ cũng giống như chị Huyền là được đào tạo những nghề phi nông nghiệp và được tạo điều kiện giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành khóa học.

Anh Cồ Ngọc Bồi - thôn Bình Sơn - xã Văn Tiến nói: Gia đình tôi có 4 khẩu đều trong độ tuổi lao động nhưng đất sản xuất và đất thổ cư của tôi đều bị thu hồi để phục vụ cho xây dựng Khu công nghiệp phía Nam của tỉnh. Cả 4 người trong gia đình tôi hiện nay đều không có việc làm.

Con trai đầu của tôi trước đây cùng thanh niên trong xã và các địa phương lân cận đi học nghề mất một năm rưỡi theo chương trình đào tạo với lời hứa học xong sẽ được vào làm việc tại Công ty thép Cửu Long Vinashin nhưng đến nay cũng đang ở nhà.

"Tôi chỉ mong các cấp, các ngành tạo điều kiện cho nông dân mất đất sản xuất như chúng tôi có điều kiện học các nghề phi nông nghiệp, đồng thời giúp đỡ chúng tôi được vào làm tại các cơ sở hay doanh nghiệp để ổn định cuộc sống" - Anh Bồi nói.

Nỗi lo người dân không có nghề nghiệp ổn định sau khi đất sản xuất bị thu hẹp cũng đang đặt lên vai chính quyền 10 xã trên địa bàn. Đặc biệt là trong điều kiện việc dạy nghề ở thành phố hiện nay chủ yếu là đào tạo nghề nông nghiệp như chăn nuôi, thuỷ sản, trồng trọt hay các nghề dân dụng như điện, gò hàn, cơ khí, mộc, nề…

Phần lớn những người theo học các nghề nông nghiệp đều là những người đang thực hiện các mô hình sản xuất còn lại hầu hết các nghề khác chưa có được sự tham gia tích cực của nông dân các xã.

Cần có sự chung tay ...
Thành phố hiện có 1 trung tâm dạy nghề và 13 cơ sở dạy nghề với các cấp đào tạo từ thường xuyên đến cao đẳng nghề. Năm 2010 và 3 tháng đầu năm 2011, Trung tâm Dạy nghề thành phố đã mở 16 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và các nghề điện, may dân dụng, mộc, nề... cho 370 học viên.

Tuy nhiên, Trung tâm Dạy nghề thành phố cũng đang gặp khó khăn như cơ sở, trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Trong khi đó nhận thức của người dân về học nghề chưa cao, người dân chưa mặn mà với việc học nghề, một số chính quyền địa phương chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân theo học nghề để chuyển đổi cơ cấu lao động.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hoan - Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề thành phố cho biết: Trung tâm được thành lập vào tháng 8/2009 nên cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành còn thiếu thốn, chưa đủ khả năng để đào tạo các nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là các ngành có kỹ thuật cao.

Ông Hoan còn cho rằng, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho người dân. Bản thân người lao động nông thôn còn nhận thức hạn chế và chưa quan tâm nhiều đến việc học nghề. Cùng với đó mức kinh phí hỗ trợ học viên thuộc đối tượng lao động nông thôn thấp nên việc tuyển sinh, mở lớp của Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn.

Khi diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp đang dần thu hẹp, sản xuất nông nghiệp của thành phố chưa phát triển thì việc giúp người dân chuyển đổi sang các nghề phi nông nghiệp cũng như tiếp cận với tiến bộ KHKT trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao để đảm bảo yêu cầu an sinh xã hội và phát triển nông nghiệp nông thôn là điều tất yếu.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những bất cập trong công tác đào tạo nghề hiện nay thì các cấp chính quyền và các cơ sở dạy nghề cần liên kết với các doanh  nghiệp trong việc đào tạo lao động có tay nghề.

Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp - cơ sở đào tạo nghề và cơ sở cung ứng giới thiệu việc làm gắn với định hướng cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông và trong giai đoạn học nghề.

Các ngành nghề đào tạo cần được đa dạng hóa theo hướng phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là các nghề có tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, thương mại dịch vụ, khách sạn nhà hàng… Có như vậy mới đảm bảo đầu ra cho các lao động sau khi được đào tạo.  

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tiến tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Chính vì vậy, việc đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao hiệu quả đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia học nghề phù hợp với nhu cầu, trình độ học vấn cũng như điều kiện kinh tế của mỗi người là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Nhưng để làm được điều này cần hơn nữa sự chung tay của các địa phương, các cơ sở dạy nghề cũng như các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề. Và điều quan trọng hơn nữa chính là sự nỗ lực của mỗi người nông dân trong việc tìm hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình mình, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Bích Liên - Tuấn Anh

Các tin khác

YBĐT - Sau khi trồng 15 ngày kiểm tra và trồng dặm lại những cây bị chết; chăm sóc trong 3 năm liền.

Lớp học nghề may tại Trung tâm dạy nghề huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Đại Phác là một xã thuần nông của huyện Văn Yên với gần 90% lao động tham gia sản xuất nông - lâm nghiệp. Lao động qua đào tạo của xã chiếm tỷ lệ thấp, từ 15 - 18%, chủ yếu là tham gia các lớp tập huấn, các lớp đào tạo nghề ngắn hạn.

Sau khi đi XKLĐ trở về, nhiều người vẫn phải quay lại nghề nông với thu nhập thấp.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng lao động xuất khẩu trở về khó tìm việc trong khu vực chính thức (công ty, doanh nghiệp) do thiếu thông tin, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp.

Sau khi trở về nước, trình độ ngoại ngữ, tay nghề, tác phong làm việc và nhận thức xã hội của lao động tốt hơn so với trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục