Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số: Cần coi trọng phương pháp “cầm tay chỉ việc”
- Cập nhật: Thứ ba, 10/5/2011 | 9:38:52 AM
YBĐT - Các lớp tập huấn được cán bộ khuyến nông viên cơ sở tổ chức đến tận thôn, bản, chỉ dẫn kỹ thuật tại hiện trường như: kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng, cách phòng chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.
Cần tăng cường các nguồn lực để đầu tư các trang thiết bị thực hành cho học viên tại trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố.
|
Yên Bái có hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Để góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Yên Bái đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, đưa các tiến bộ KHKT mới áp dụng vào sản xuất.
Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải là những đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp dạy nghề, các khóa học chuyển giao tiến bộ KHKT cho người nông dân. Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu học nghề tại các địa phương, các đơn vị này đã xây dựng giáo trình học tập phù hợp, trong đó coi trọng phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho người nông dân.
Hàng trăm lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật đã được tổ chức, thu hút hàng nghìn lượt hộ nông dân tham gia, các lớp tập huấn được cán bộ khuyến nông viên cơ sở tổ chức đến tận thôn, bản, chỉ dẫn kỹ thuật tại hiện trường như: kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng, cách phòng chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Đoàn - Phó Trạm Khuyến nông Trạm Tấu cho biết: “Đây là cách làm phù hợp với vùng cao vì được tham gia các mô hình tập huấn theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” sẽ giúp người dân được tiếp cận và nắm bắt các tiến bộ KHKT đơn giản hơn, việc tích lũy kinh nghiệm để tự áp dụng vào sản xuất cũng dễ dàng hơn.
Ngoài ra, việc sử dụng nhiều kênh thông tin như: phát thanh - truyền hình, tờ rơi, áp phích, thành lập các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, tuyên truyền các gương điển hình làm kinh tế giỏi, các mô hình giảm nghèo có hiệu quả để nâng cao kiến thức cho người nghèo đã phát huy được những hiệu quả thiết thực.
Với cách làm đơn giản, dễ hiểu, nhiều nông dân vùng cao đã tự giác tham gia các lớp học nghề, tham gia các mô hình để góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho đồng bào dân tộc thiểu số thường được áp dụng đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chăn nuôi - thú y. Việc thực hiện phương pháp này với các ngành, nghề phi nông nghiệp như: sửa chữa xe máy, cơ khí, sửa chữa đồ điện… tại vùng cao lại rất khó thực hiện, mặc dù những ngành, nghề này đòi hỏi yếu tố thực hành cao.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải cho rằng, do trình độ nhận thức của người lao động vùng cao còn nhiều hạn chế lại không đồng đều nên ảnh hưởng đến việc tiếp thu các kiến thức về nghề, đặc biệt là các từ ngữ kỹ thuật.
Thời gian đào tạo các nghề này từ 1 - 3 tháng là không phù hợp, do đó học viên có ít thời gian để học thực hành. Thêm vào đó, các cơ sở dạy nghề lại không được trang bị đầy đủ về vật tư thực hành, gây khó khăn trong việc dạy và học tại các trung tâm này. Việc đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được cập nhật thường xuyên theo công nghệ mới và phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, giúp người lao động đã qua đào tạo chủ động tạo ra cơ hội việc làm cho mình.
Đổi mới phương pháp dạy nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc” là yếu tố cần thiết để giúp cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các tiến bộ KHKT một cách nhanh nhất và dễ hiểu nhất. Do vậy, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường các nguồn lực để đầu tư mua sắm các trang thiết bị, vật tư thực hành, xây dựng giáo trình học nghề theo hướng coi trọng phương pháp thực hành để công tác đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn.
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, huyện Yên Bình có trên 55 nghìn người trong độ tuổi lao động, tuy nhiện, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo rất thấp.
YBĐT - Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xã Việt Thành (Trấn Yên) có trên 80% lao động nông thôn được đào tạo nghề.
Tổng Cục dạy nghề cho biết, năm 2011, nhiệm vụ tuyển sinh toàn ngành dạy nghề là 1.860.000 người, tăng 6,4% so với kế hoạch năm 2010.