Đào tạo nghề góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/5/2011 | 8:47:00 AM

YBĐT - Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn đã được huyện Mù Cang Chải xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế chung đến năm 2020.

Lớp học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải.
Lớp học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải.

Hiện nay, toàn huyện Mù Cang Chải có trên 22.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 49,7%. Do đặc thù của một huyện vùng cao nên chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chiếm trên 5%. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn đã được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế chung đến năm 2020.

Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện Mù Cang Chải mới dừng lại ở việc đào tạo nghề thường xuyên, thực hiện theo kế hoạch của Nhà nước giao hàng năm. Việc tham gia học nghề vẫn còn mới mẻ đối với người lao động, công tác tuyên truyền còn hạn chế, nội dung, ngành nghề đào tạo chưa phong phú, chưa thu hút nhiều lao động học nghề.

Bên cạnh đó, nhu cầu học nghề của người lao động chưa rõ ràng, công tác giải quyết việc làm và tạo việc làm cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức mà chủ yếu là người lao động tự phát triển kinh tế hộ gia đình.

Lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Hiện nay, toàn huyện có 185 cơ sở sản xuất CN-TTCN gồm 14 hợp tác xã, 11 công ty TNHH và 160 hộ sản xuất cá thể thu hút khoảng 600 lao động tham gia, song lao động là người địa phương cũng không nhiều. Ngành nghề sản xuất chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến chè, sản xuất đồ mộc dân dụng và khai thác cát sỏi.

Ông Giàng A Tông - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2020 là tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Năm 2011, huyện sẽ tạo bước đột phá về đào tạo nhân lực, thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có trên 40 % lao động qua đào tạo”.

Để thực hiện được mục tiêu này, Mù Cang Chải tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, trong đó chú trọng phát triển các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất CN-TTCN; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề; mở rộng các lĩnh vực đào tạo nghề và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung các nguồn lực để xóa đói giảm nghèo, chú trọng phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, TTCN để tạo ra nhiều việc làm tăng thu nhập cho người lao động.

Đến năm 2015, huyện sẽ tập trung phát triển mạnh một số lĩnh vực có tiềm năng như: xây dựng 1 cơ sở sản xuất gạch công xuất 2 triệu viên/ năm, nâng cấp nhà máy chè Púng Luông công xuất chế biến 3 tấn chè tươi/ngày, hình thành 2 làng nghề truyền thống là nghề may thổ cẩm tại xã Nậm Khắt và nghề rèn tại xã Chế Cu Nha.

Các cơ sở sản xuất này đã dự kiến thu hút khoảng 3 nghìn lao động tham gia. Chính vì vậy, đòi hỏi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện cần được đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cấp giáo trình dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đưa ra. Ngoài ra, huyện cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia vào công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện Mù Cang Chải cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, đồng thời phát huy nội lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

 M.C

Các tin khác
Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề sẽ được trợ cấp, miễn, giảm học phí và ưu tiên trong tuyển sinh.

Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề sẽ được trợ cấp, miễn, giảm học phí và ưu tiên trong tuyển sinh.

Một bể nuôi lươn. (Ảnh: Internet)

YBĐT - Nuôi lươn trong các ao mương cần phải chú ý vấn đề này. Tùy theo điều kiện cụ thể, bà con có thể áp dụng một số phương pháp nuôi lươn dưới đây:

Các học viên tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy do Trung tâm mở trên địa bàn huyện Lục Yên.

UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc cho phép những người lao động lớn tuổi được học nghề nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và trong khả năng kinh phí được bố trí.

YBĐT - Trong giai đoạn 2011-2016, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm tỉnh Yên Bái phấn đấu hỗ trợ tạo việc làm mới cho 88 nghìn người lao động; giải quyết việc làm cho 71.500 lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục