Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2013 | 2:18:36 PM
YBĐT - Xác định tầm quan trọng của công tác dạy nghề, từ năm 2010, tỉnh Yên Bái đã triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Thanh niên xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) học nghề điện dân dụng.
|
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ tỉnh đến các huyện xã, phường, thị trấn, sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 9.718 lao động với các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp như: trồng trọt, chế biến nông sản, chế biến gỗ rừng trồng, kỹ thuật trồng nấm, sản xuất rau an toàn, nuôi cá lồng, sản xuất mây tre đan, thêu dệt thổ cẩm, sản xuất tranh đá quý, điện dân dụng, gò hàn, kỹ thuật nấu ăn…
Các lao động tham gia học nghề đều thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi: người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất canh tác và lao động nông thôn.
Nét nổi bật trong đào tạo nghề lao động nông thôn thời gian qua là đã dạy nghề cho trên 7.500 lao động là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động gắn với việc làm và có việc làm sau học nghề đạt 70%, mức thu nhập bình quân từ 800 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình thực hiện Đề án 1956, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu nghề cho lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, năng lực của các cơ sở dạy nghề.
Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho 7 cơ sở dạy nghề công lập. Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, cũng như các trang thiết bị phục vụ việc đào tạo nghề với hình thức đào tạo: ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Đồng thời đa dạng các hình thức đào tạo tập trung, đào tạo lưu động, đặt hàng đào tạo nhằm phục vụ tối đa nhu cầu học nghề của mọi thành phần, lứa tuổi cũng như trình độ của người dân.
Thực hiện Đề án 1956, hiệu quả của công tác đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt, người học nghề đã tiếp cận được kiến thức chuyên môn, biết cách làm nghề, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp. Một số xã thực hiện các mô hình thí điểm như sản xuất rau an toàn ở xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái), các mô hình chăn nuôi, xây dựng tại xã Đại Phác (Văn Yên) đã tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động hình thành mô hình sản xuất mới do những nông dân đã qua đào tạo nghề là lực lượng nòng cốt.
Một số lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Kết quả đạt được của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đi đúng hướng, chất lượng lao động được nâng lên rõ rệt, nhiều lao động nông thôn được giải quyết việc làm, chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đó là một số cơ sở đào tạo nghề mặc dù được đầu tư nhiều trang thiết bị nhưng chưa khai thác hết hiệu quả sử dụng trong khi đó đội ngũ giáo viên thiếu, chưa có kinh nghiệm, thậm chí có nơi giáo viên giảng dạy trực tiếp không đúng ngành nghề cần đào tạo.
Một số địa phương, cơ sở dạy nghề chưa quan tâm gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp. Việc giới thiệu lao động sau khi học nghề đi làm việc ngoài tỉnh gặp khó khăn do tâm lý người lao động chưa thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp.
Năm 2013, Yên Bái phấn đấu đào tạo nghề cho trên 8.000 lao động nông thôn, đào tạo bồi dưỡng 250 lượt cán bộ công chức xã với 14 nghề thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp và 8 nghề thuộc nhóm nghề nông nghiệp.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, tỉnh cần có những chính sách thu hút tuyển chọn giáo viên dạy nghề, tổ chức sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề ở cấp huyện, hỗ trợ học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc ở những vùng đặc biệt khó khăn học nghề; tổ chức khảo sát những ngành nghề phù hợp với tập quán, trình độ của đồng bào dân tộc trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời có những chính sách phù hợp khi tuyển sinh gắn với đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những lao động ở nhóm ngành nghề phi nông nghiệp; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, dạy nghề để thực hiện hiệu quả Đề án.
Kim Tiến
Các tin khác
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã đào tạo nghề cho 1.380 lao động tại địa phương gồm các ngành nghề như: trồng và chế biến nông lâm sản, chăn nuôi thú y; đào tạo nghề phi nông nghiệp; ngành nghề thương mại - dịch vụ và nhóm ngành công nghệ kỹ thuật.
Các địa phương cần khuyến khích mọi cơ sở đào tạo có đủ tiêu chuẩn tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Năm 2013, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mặc dù đã giảm 5.000 người so với năm 2012 nhưng mục tiêu này không dễ đạt được.
YBĐT - Năm 2013 là năm thứ ba Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) (Đề án 1956) được triển khai trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái). Trong quá trình triển khai thực hiện, Văn Yên đã nâng tổng số LĐNT qua đào tạo lên trên 15.200 lao động, chiếm 27,11% với các ngành nghề chủ yếu là xây dựng, chăn nuôi thú y, quản lý và phát triển trang trại, trồng trọt, bảo vệ thực vật, sửa chữa nông cụ, sửa chữa diện dân dụng...