Nuôi cá chiên - mở hướng tăng thu nhập
- Cập nhật: Thứ năm, 20/6/2013 | 9:14:11 AM
YBĐT - Với lợi thế có dòng sông Hồng chảy qua, những năm gần đây, một số hộ dân ở thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên đã biết tận dụng lợi thế này đầu tư nuôi cá chiên - một loài cá đặc sản, quý hiếm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Tuấn hướng dẫn những người cùng nuôi cá chiên ở tổ cách chăm sóc và trị bệnh cho cá.
|
Theo chân ông Nguyễn Xuân Hiệu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái), chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở tổ 7 là một người tiên phong đi đầu trong việc nuôi cá chiên trong lồng. Gia đình anh Tuấn vốn đã nhiều đời gắn bó với nghề chài lưới trên sông Hồng.
Qua quá trình khai thác, anh nhận thấy, nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng ngày càng cạn kiệt, nhất là những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá chiên. Năm 2009, tình cờ một lần sang Tuyên Quang thăm người bà con, anh Tuấn thấy ở đây họ nuôi loại cá chiên trong lồng trên sông Lô nên lân la hỏi chuyện.
Thấy điều kiện nuôi loại cá này cũng không khó nên anh về bàn với gia đình đóng lồng nuôi thử. Mới đầu, anh Tuấn đóng lồng bằng tre và tự đánh bắt con giống về nuôi. Lồng cá trên 80 con, sau mấy tháng nuôi, cá phát triển tốt. Do đây là loài cá có giá trị kinh tế cao lại phải nuôi trên sông - nơi có dòng nước chảy nên để tránh mùa mưa bão, nước lên cuốn trôi mất lồng, anh Tuấn đóng lồng sắt chuyển cá sang.
Sau 16 tháng, anh được thu lứa cá đầu tiên với cân nặng bình quân 2kg/con, giá bán 400.000 đồng/kg đã cho thu lãi trên 60 triệu đồng. Thấy nuôi loại cá này mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Tuấn đóng thêm 6 lồng để nuôi.
Để có nguồn con giống, anh Tuấn tổ chức thu mua, tuyển lựa từ các thuyền chài đánh bắt ngoài tự nhiên. Vị trí đặt lồng là những nơi có dòng chảy của sông Hồng lưu thông liên tục và sẵn có nguồn phù du sinh vật. Thức ăn của cá chiên là các loại cá nhỏ, tép dầu đánh bắt từ hồ Thác Bà.
Anh Tuấn cho biết: "Nuôi loại cá này hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần các loại cá thông thường. Hiện nay, 1kg cá chiên có giá 500.000 đồng, nếu nuôi tốt bình quân một năm mang về cho gia đình tôi trên 100 triệu đồng". Với hiệu quả kinh tế rõ rệt từ mô hình nuôi cá chiên của gia đình anh Tuấn, nhiều hộ trong tổ đã đến học hỏi kinh nghiệm và nuôi theo như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuệ, Nguyễn Đăng Lộc, Nguyễn Văn Phong, Trần Văn Kiên...
Ông Lương Xuân Quyết - Phó chủ tịch UBND phường Yên Ninh cho biết: "Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, phường vận động bà con tùy vào điều kiện mỗi khu dân cư để phát triển như ở tổ 7, khu dân cư Bách Lẫm có lợi thế gần sông Hồng nên bà con phát triển nghề đánh bắt. Mấy năm gần đây, một số hộ mạnh dạn nuôi cá chiên trong lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển chung của phường".
Cũng là một trong những địa phương có dòng sông Hồng chảy qua, những năm qua, một số hộ dân ở thị trấn Mậu A Văn Yên đã nuôi cá chiên trong lồng. Gia đình bà Nguyễn Thị Lan, thôn Hồng Phong là một trong số hộ như vậy. Bà Lan cho biết: "Trước đây, loài cá này rất sẵn trên sông Hồng nhưng do nhiều người khai thác mà lại không có người nuôi dẫn đến ngày càng khan hiếm. Ngoài ra, cá chiên hiện nay được thị trường rất ưa chuộng, lượng cung không đủ cầu nên rất thuận lợi cho người chăn nuôi".
Năm 2010, bàn với gia đình quyết định đóng lồng nuôi cá chiên trên sông Hồng với 10 lồng cá, bà đầu tư 20 triệu đồng/lồng. Để có nguồn con giống, bà Lan tổ chức thu mua, tuyển lựa từ các thuyền chài đánh bắt ngoài tự nhiên, sau đó tiến hành phân loại theo kích thước để thả nuôi vào các cỡ lồng phù hợp.
Sau 1 năm tích cực chăm sóc, với 3 lồng cá chiên đầu tiên, gia đình bà Lan đã xuất bán 360 con, trọng lượng bình quân 1,8kg/con, doanh thu đạt trên 250 triệu đồng. Những người nuôi cá chiên cho biết, nuôi loài cá này không bao giờ lo khâu tiêu thụ bởi thịt cá rất thơm ngon, ít xương. Cá chiên ở đây chủ yếu do các nhà hàng ở Việt Trì đặt mua.
Lợi nhuận từ nuôi loài cá chiên quý hiếm mang lại rất lớn song nguồn giống ngày càng cạn kiệt do hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Người nuôi phải "săn" từng con cá giống của những người làm nghề chài lưới trên sông Hồng và để có đủ cá giống cho việc thả nuôi thì phải thu mua trong nhiều tháng liền. Điều mà hầu hết người nuôi cá đang lo lắng không chỉ là chất lượng nguồn cá giống ngày càng kém mà sẽ không thể tìm được cá giống để nuôi trong vài năm nữa.
Để nghề nuôi cá chiên ngày càng phát triển, người chăn nuôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, nguồn vốn và điều quan trọng là mong muốn các cơ quan chuyên môn nghiên cứu để chủ động được nguồn cá chiên giống. Đây không chỉ là gìn giữ được giống thủy sản quý hiếm mà còn là cơ hội để duy trì, nhân rộng, phát triển mô hình nuôi thủy sản mới, cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Hồng Duyên
Các tin khác
Ngày 31/5, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã khai trương dự án “Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, cơ chế xác định tiền lương, năng lực và các thể chế thực thi pháp luật lao động ở Việt Nam."
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Theo đó, có 17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Ngày 21.5, Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ) VN và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố kết quả xếp hạng 20 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực XKLĐ năm 2012.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 100 triệu đồng; người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS có thể phải ký quỹ để hạn chế tình trạng bỏ trốn.