Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nhập nhèm tiền bạc

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/8/2013 | 7:59:55 AM

Đề án 1956 của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai ở Hậu Giang hơn 3 năm, nhưng kết quả còn mù mịt, trong khi có chuyện nhập nhèm tiền bạc, vi phạm tràn lan.

Ông Nguyễn Văn Tây, người duy nhất trong 23 lao động học nghề sửa xe ở khu vực 6, phường Lái Hiếu, nay sống được với tiệm sửa xe mở ra từ 10 năm trước khi đi học.
Ông Nguyễn Văn Tây, người duy nhất trong 23 lao động học nghề sửa xe ở khu vực 6, phường Lái Hiếu, nay sống được với tiệm sửa xe mở ra từ 10 năm trước khi đi học.

Cãi nhau tiền hỗ trợ

Lớp đào tạo nghề sửa xe gắn máy ở khu vực 6, phường Lái Hiếu (Ngã Bảy, Hậu Giang) khai giảng tháng 12/2011, kết thúc tháng 5/2012. Ban đầu, có 18 học viên, trong quá trình học có thêm 5 học viên. Tất cả là nông dân thuộc nhóm đối tượng 2 (lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo).

Hiện nay, duy nhất ông Nguyễn Văn Tây, 53 tuổi, sống với nghề được đào tạo (sửa xe đạp, xe gắn máy). Nhưng ông Tây cho biết, đã mở tiệm tại nhà hơn 10 năm trước, “khi xã mở lớp thì đăng ký học để hy vọng nâng cao tay nghề”. Ông Ngô Văn Phước, 47 tuổi, nói rằng, đi học chủ yếu cho có kiến thức phòng khi xe hỏng thì biết đường sửa, “chứ không làm ăn gì được đâu”.

Đề án 1956 quy định, học viên phải trong độ tuổi lao động, với nam giới thì tuổi từ 15 tuổi đến dưới 60. Thế nhưng, ở lớp đào tạo này, nhiều học viên trên 60 tuổi, cao tuổi nhất là ông Trần Văn Vũ, 66 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Gái (phường Lái Hiếu) nói rằng, tháng 6/2011, 30 lao động ở khu vực 6 học lớp đan dây nhựa trên ghế, có một người tên Hai Sơn từ tỉnh Đồng Tháp sang hợp đồng gia công sản phẩm. Trong 3 tháng, lớp học làm được 500 cái ghế, tiền gia công mỗi chiếc là 30.000 đồng, tổng cộng 15 triệu đồng. Lớp học kết thúc, người nhận hàng gia công chở ghế đi và biệt tích luôn.

Ông Cao Hoàng Thọ, Phó chủ tịch UBND phường Lái Hiếu, nói lao động được học nghề xong đều thất nghiệp như trước, “nhưng doanh nghiệp mở lớp lại không minh bạch tiền hỗ trợ nên dẫn đến nhiều bức xúc của học viên”. Lớp học do Cty TNHH Nhật Tân ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tổ chức, theo phân bổ chỉ tiêu của Sở LĐTB&XH tỉnh Hậu Giang, đào tạo sơ cấp nghề sửa chữa xe gắn máy, thời gian 3 tháng, mỗi người đi học được hỗ trợ một ngày 10.000 đồng.

Ông Trần Văn Mậu, 63 tuổi, trình bày, Cty Nhật Tân thỏa thuận với học viên, mỗi tuần học 2 ngày vào thứ bảy và chủ nhật, một tháng học 8 ngày. Học viên học đủ 8 ngày thì cơ sở dạy nghề hỗ trợ 160.000 đồng, nghỉ một ngày trừ 20.000 đồng. Kết thúc tháng học thứ nhất, Cty Nhật Tân trả tiền hỗ trợ cho người học.

Ông Mậu cho rằng, nhân viên Cty chấm công không trung thực, nên người được trả 90.000 đồng, có người 120.000 đồng hay 140.000 đồng dẫn đến cãi nhau. Tháng 5/2012, kết thúc khóa học mà Cty chưa trả đủ tiền, nên các học viên giữ lại một xe máy và hộp phụ tùng. Cuối tháng 9/2012, Cty Nhật Tân trả thêm cho mỗi học viên gần 400.000 đồng.

Ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Cty Nhật Tân, nói sau hai đợt trả tiền, đã trả đủ cho học viên. Lãnh đạo Phòng LĐTB&XH thị xã Ngã Bảy cho biết, sau khi lớp học kết thúc, đã thanh toán đầy đủ chi phí đào tạo nghề cho Cty Nhật Tân, nhưng phải nhắc nhở nhiều lần thì Cty mới trả đủ tiền hỗ trợ cho học viên.

Tất cả đều có vi phạm

Từ ngày 24/6 đến 13/7, Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo đề án 1956 tỉnh Hậu Giang kiểm tra 5 lớp dạy nghề lao động nông thôn ở thị xã Ngã Bảy, phát hiện tất cả có nhiều vi phạm.

Cũng Cty Nhật Tân mở lớp kỹ thuật pha chế thức uống ở xã Đại Thành, tại thời điểm kiểm tra, sổ điểm danh học viên không rõ ràng, chữ ký học viên từng ngày khác nhau, sổ điểm danh giáo viên giao cho học viên tự ghi.

Về chất lượng đào tạo, lớp học ra nội quy cho phép học viên nghỉ dưới 1/3 thời gian học (33% thời gian đào tạo), trong khi theo quy định, nghỉ quá 10% thời gian đào tạo đã không được thi. Giáo viên đứng lớp cũng chưa đúng chuẩn quy định và chưa đăng ký với Sở LĐTB&XH tỉnh Hậu Giang.

Các lớp xâu hạt - kết cườm ở phường Lái Hiếu; lớp đan lục bình, lớp sửa chữa quạt và động cơ điện ở xã Hiệp Lợi; lớp kỹ thuật nấu ăn ở phường Ngã Bảy đều có vi phạm như: học viên ngoài tuổi lao động, đang học phổ thông tham gia học nghề; không phát giáo trình cho học viên, không có trang thiết bị tại địa điểm học… Những lớp này do nhiều đơn vị tổ chức, trong đó có HTX Nông nghiệp Phước Hưng, HTX Đại Phát, Trường Trung cấp nghề Hậu Giang, Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành.

(Theo TPO)

Các tin khác
Ảnh minh hoạ

Cổng thông tin Điện tử của Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH vừa ra mắt tại địa chỉ www.dolab.gov.vn

Dạy nghề may cho lao động nông thôn tại Nghệ An.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới các trường dạy nghề đến năm 2020 và Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, để bảo đảm sự ổn định và phát triển của hệ thống các cơ sở đào tạo này.

YBĐT - Ngày 17/7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai nhiệm vụ ba năm 2013 - 2015.

YBĐT - Xác định công tác đào tạo nghề và tạo việc làm mới cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục