Kỷ niệm 124 năm ngày thành lập tỉnh Yên Bái (11/4/1900 - 11/4/2024)

Nở hoa hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2024 | 7:42:36 AM

YênBái - Năm 2024, Yên Bái tròn 124 năm thành lập tỉnh. Trải qua hơn 1 thế kỷ, nhân dân Yên Bái anh dũng, kiên cường lập nên những mốc son lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái đang ra sức xây dựng tỉnh theo triết lý sống vì một quê hương “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả trong triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Ngược dòng lịch sử 124 năm trước, ngày 11/4/1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái gồm phủ Trấn Yên, 2 châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái. Sau khi quân Pháp đánh chiếm tỉnh (1886 - 1898), đã có rất nhiều  cuộc khởi nghĩa nhỏ liên tục nổ ra ở khắp các vùng Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình... 

Nổi bật là cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo đã khiến thực dân Pháp gặp vô vàn khó khăn  trong việc thiết lập bộ máy thống trị và kiểm soát các tổng, xã. Mặc dù không thành công, nhưng tinh thần yêu nước bất khuất và ý chí kiên cường của các nghĩa sĩ trước sự khủng bố, đàn áp dã man của kẻ thù đã thức tỉnh mạnh mẽ lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân các dân tộc Yên Bái. 

Tinh thần đoàn kết quật khởi ấy, còn được nhân lên gấp bội khi có sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Rồi, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám tiếp tục thổi bùng ngọn lửa yêu nước, tinh thần bất khuất, quật cường đánh đuổi giặc Pháp giành độc lập của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng. 

Thành quả ấy đã đến trong ngày 22/8/1945, trước sự chứng kiến của gần một vạn đồng bào các dân tộc khi UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái được thành lập, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến và công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc cùng đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng… Từ đây, đất và người Yên Bái bước vào trang sử mới - xây dựng cơ đồ tươi đẹp, hạnh phúc cho quê hương.

Trải qua 124 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, song Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, kiên quyết nói không với tư tưởng bảo thủ, trì trệ. 

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, gần dân, sát cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu để về đích tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết 19 kỳ đại hội đã và đang đề ra, góp phần đưa Yên Bái đứng vào vị trí của tỉnh phát triển khá trong khu vực với những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong đó, nổi bật nhất là những thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. 

Vượt qua những cản trở của suy thoái kinh tế toàn cầu, Yên Bái vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định và lọt vào tốp khá cao trong mặt bằng chung của cả nước, đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,0%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc (bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ đạt 7,24%/năm), đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu kinh tế của năm 2023 tăng cao so với năm 2022 như: giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, giá trị xuất khẩu hàng hóa, tổng vốn đầu tư phát triển, số khách du lịch và doanh thu từ dịch vụ du lịch. 

Với sự điều hành thông minh của một chính quyền vì dân, trọng dân, cải cách hành chính, chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt kết quả rất tích cực với các chỉ số lần lượt đứng thứ 14/63 và 15/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng như cầu Giới Phiên, cầu Tô Mậu đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Nét nổi bật trong thành tựu 124 năm xây dựng và trưởng thành của Yên Bái không thể không kể đến, đó là thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Yên Bái vẫn tiếp tục là điểm sáng của khu vực Tây Bắc với 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (vượt 1 xã so với kế hoạch), nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 106 xã, bằng 70,7% tổng số xã; trong đó, có 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Ấn tượng nhất là sự bứt phá trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM của huyện Yên Bình đã nâng tổng số đơn vị cấp huyện của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM lên 4/9 huyện, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc, vượt chỉ tiêu chính phủ giao đến năm 2025. Nhờ đó, đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa của Yên Bái đã đạt 23,3%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 89%. 

Người dân các xã vùng cao huyện Trấn Yên tích cực tham gia kiên cố hóa giao thông nông thôn. 

Giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc trong tỉnh được quan tâm chăm lo, bảo tồn và phát huy nhờ sự lan tỏa của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng. Vì vậy, năm 2023 vừa qua, cũng là năm tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố của Yên Bái đạt danh hiệu văn hóa cao 71%, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa là 83%; chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Năm 2023, Yên Bái là tỉnh thứ 18 trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. 

Hiện, toàn tỉnh có 296 trường học được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc" (đạt 67%), góp phần nâng chỉ số hạnh phúc của người dân lên 65,62%, tăng 12,32% so với đầu nhiệm kỳ và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,76%, vượt kế hoạch đề ra. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị địa phương được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Công tác xây dựng Đảng được củng cố, tạo chuyển biến tích cực nhờ thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05 của Bộ chính trị, thể hiện bằng tỷ lệ tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023 của tỉnh đạt trên 97%; tỷ lệ cán bộ, đảng viên nêu gương tốt đạt trên 93%; toàn tỉnh đã kết nạp 1.962 đảng viên mới, bằng 3,29% tổng số đảng viên, vượt chỉ tiêu đề ra. 

Với mục tiêu "Kết thúc năm 2024, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra”, ngay từ đầu năm, Yên Bái đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tích cực thu hút đầu tư, chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, xác định rõ những giải pháp khả thi để thực hiện 32 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội với phương châm hành động "Kỷ cương, sáng tạo, đồng bộ, bứt phá, hiệu quả”. 

Bước sang tuổi 124, Yên Bái hoàn toàn có quyền tự tin, tự trọng và tự hào khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc của mình bằng Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn chiến lược đến năm 2050 đã được công bố trước toàn thể đồng bào các dân tộc với triết lý và khát vọng về một Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Triết lý đẹp và khát vọng xanh ấy đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra những thời cơ, vận hội và không gian phát triển mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cùng ra sức thi đua phấn đấu vun đắp, xây dựng cho "cơ đồ tươi đẹp” ấy ngày càng rực rỡ thêm những mùa hoa hạnh phúc và đứng vào nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc trong năm 2030. 

Thanh Hương

Tags Yên Bái hạnh phúc nghị quyết Đại hội Đảng bộ nông thôn mới an sinh xã hội

Các tin khác
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cho Công ty cổ phần EREX Nhật Bản.

Với sự nỗ lực và từng bước khắc phục khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thời gian qua, công tác thu hút đầu tư (THĐT) vào địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Học và làm theo lời Bác, người dân Mù Cang Chải tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc luôn ghi sâu lời căn dặn cách đây 65 năm, khi Người về thăm Yên Bái, đó là việc đoàn kết dân tộc; là tăng gia sản xuất để đời sống nhân dân được sướng hơn; là phải tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hoá mới; và Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi.

Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt về công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026; xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030; 2026 - 2031.

Thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái luôn chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức xây dựng Đảng; tham mưu ban hành các nghị quyết (NQ) toàn diện về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Lắp đặt hệ thống báo cháy cho các hộ gia đình tham gia “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy” tại tổ 7, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.

Tham gia Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), các hộ dân được trang bị các phương tiện và thiết bị chữa cháy cần thiết, được lắp đặt chuông báo cháy tại tầng 1, nút báo cháy ở vị trí phù hợp. Nút ấn và chuông báo cháy của các gia đình được liên kết với nhau. Khi xảy ra cháy, nổ, chỉ cần một gia đình ấn nút thì toàn bộ chuông của các gia đình khác cùng kêu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục