Hướng tới kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2015)

Không phải là cổ tích

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/7/2015 | 2:49:52 PM

YênBái - YBĐT - Không phải là cổ tích. Đó là câu chuyện có thật về lòng thủy chung son sắt mãi mãi chỉ dành cho anh bộ đội, dù lúc ấy chiến tranh chia cắt không gian, thời gian và làm tổn thương thân thể của những người trong cuộc. Đây cũng là câu chuyện nghĩa tình cao cả của người thương binh mang bao thương tật trên mình trở về chăm sóc mẹ của người liệt sỹ chưa hề quen biết, mà chỉ gọi nhau bằng hai tiếng thân thương “đồng đội”.

Ông Tâm và bà Nhận quây quần bên con cháu.
Ông Tâm và bà Nhận quây quần bên con cháu.

Chuyện tình yêu của hai con người có lý tưởng cao cả

Những ngày giữa tháng 7 chúng tôi tìm về thôn Quyết Thắng, xã Y Can (huyện Trấn Yên). Sau nhiều ngày nắng nóng, cơn mưa rào bất chợt khiến ai cũng thích thú vì trời dịu mát. Nhưng ấy là chuyện của người khỏe, còn với thương binh Nguyễn Minh Tâm, thời tiết thay đổi khiến vết thương ở đầu, tay của ông đau nhức. Ngôi nhà nhỏ của ông Tâm nằm giữa khu vườn sum suê hoa trái và cố gắng lắm nhưng thỉnh thoảng ông vẫn nhăn mặt với những cơn đau khi trò chuyện với chúng tôi. Ngoài 90 tuổi, câu chuyện lúc nhớ, lúc quên, lộn xộn, nhưng với sự trợ giúp của vợ ông - bà Lê Thị Nhận, vẫn đủ để người nghe cảm phục về lòng quả cảm của cả ông và bà, cảm phục tấm lòng son sắt thủy chung của người con gái đợi chờ người yêu nơi chiến trường.

Năm 1947, ông Tâm vào quân đội ở Đại đội 97 đóng tại Y Can. Ở đây ông gặp bà Nhận. Lúc đó, bà mới 16 tuổi. Cảm mến nhau, nhưng chiến tranh ác liệt khiến ông và bà tạm xa nhau, cất chặt chuyện tình cảm vào trong tim lên đường chiến đấu. Sau khi ông được điều động đến Trung đoàn 148 chiến đấu nhiều năm ở mặt trận phía Tây bắc thì bà Nhận cũng đi thanh niên xung phong. Những lá thư thời chiến là sợi dây liên hệ duy nhất của hai người. Bà kể: “Ông ấy viết thư cho tôi nhiều lắm. Mỗi lần nhận được thư cứ như là được gặp nhau ấy. Ông kể đủ thứ chuyện, rằng đơn vị ông đã bắn rơi được máy bay, ông đi rừng gặp loài hoa lạ, ép gửi cho tôi...”. Những lá thư không chỉ mang theo tình yêu mãnh liệt của hai con người mà còn mang theo cả tình yêu quê hương dân tộc, khát khao giải phóng đất nước.

Nghe bà Nhận nhắc lại những lá thư của biết bao năm về trước, ông Tâm dường như quên hết cả đau đớn, rồi tiếp vào câu chuyện của bà: “Còn bà ấy kể cho tôi nghe hôm nay bà ấy phá được bao nhiêu quả bom, thông tuyến cho bao nhiêu xe vào chiến trường, gặp những người quen, những người bạn mới... Rồi một hôm tôi nhận được thư bà ấy bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Lòng tôi thắt lại”. Nói đến đây, giọng ông Tâm chùng xuống nhìn bà Nhận: “Lúc bà ấy kể cho tôi là mọi chuyện đã xong rồi, đã được trị thương và được đơn vị cho về địa phương. Nhưng cái bà này nhất định không chịu về, bản tính "ương bướng" lắm”. Ông nhìn bà cười. Vì bà đã làm đơn xin ở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.

“Là vì tôi thấy mình vẫn có thể làm được” - bà Nhận “cãi” ông Tâm. Chẳng cần nói ra, cũng có thể hiểu được lý do bà ở lại. Tình yêu nam nữ trong thời chiến đã được ông bà biến thành tình yêu quê hương, đất nước, quyết tâm góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc. Nhiều năm tham gia chiến đấu trên các mặt trận phía Tây bắc, trong một trận công đồn ở Lai Châu, ông Tâm bị thương nặng với các viết thương ở đầu, tay, hông... do loạt đạn liên thanh của địch. Ông được đưa về hậu phương điều trị. Khoảng thời gian dài ông không thể viết thư cho bà, bà cảm thấy trong lòng như lửa đốt, nhưng rồi bà lại trấn an mình với suy nghĩ: “Chiến tranh ngày càng ác liệt, hãy để ông ấy có thời gian tập trung vào nhiệm vụ lớn lao”.

Ông Tâm trở về địa phương với rất nhiều thương tật khiến sức khỏe không được như trước và cũng có chút mặc cảm. Bà được tin ông bị thương trở về, lòng dạ bồn chồn nhưng vì nhiệm vụ, bà đã không xin đơn vị về thăm ông. Nhưng rồi, biết chuyện, anh em, đồng chí ai cũng động viên bà về quê, bởi bà cũng đã từng bị thương. Vả lại, thời gian tham gia thanh niên xung phong của bà cũng đã hết từ lâu. Đằng đẵng bao lâu, hai ông bà gặp nhau, xúc động không nói thành lời. Ông mặc cảm với sự không lành lặn của mình. Nhưng điều đó có là gì so với tình yêu, sự thủy chung son sắt của bà đã dành trọn cho ông. Một cái kết có hậu cho tình yêu vượt lên trên mọi mất mát do chiến tranh.

12 năm nuôi mẹ liệt sĩ

Sau đám cưới mấy hôm, ông Tâm bàn với bà Nhận về việc nuôi mẹ của liệt sĩ Lê Văn Tường cùng thôn Quyết Tiến đang sống một mình. Bà Nhận kể lại: “Lúc ông ấy bảo với tôi sẽ nuôi cụ Đức, tôi thực sự cảm phục rất nhiều. Ông ấy nói, đồng đội đã hy sinh, mình còn sống trở về thì mình phải có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc mẹ của anh ấy”.

Với ông Tâm, cứ tham gia chiến đấu giải phóng dân tộc, là được gọi bằng hai tiếng thiêng liêng “đồng đội”. Bởi vì, trước khi nhận chăm sóc cụ Đức, ông cũng không biết, không chiến đấu cùng liệt sĩ Tường. Cụ Đức chỉ có người con duy nhất đã hy sinh và chồng cũng mất sớm. Cụ Đức sống vò võ một mình, ai cũng thương cảm. Khi hay tin ông Tâm nhận phụng dưỡng cụ Đức, cả thôn đều mừng cho cụ. Bà Nhận nhớ lại: “Khi cụ về với vợ chồng chúng tôi, cụ cũng đã bắt đầu yếu. Chúng tôi coi cụ như mẹ đẻ của mình. Ông Tâm mồ côi từ nhỏ, nên tình cảm với cụ lắm. Lúc cụ ốm, ông ấy còn chăm cụ hơn cả tôi nữa”.

Nghe chuyện đời thường mà chúng tôi cứ ngỡ như là cổ tích. Sau 12 năm chăm sóc cụ Đức, vợ chồng ông Tâm đã hoàn thành bổn phận của người làm con thay liệt sĩ Lê Văn Tường. Ông bà đã mai táng, thờ phụng cụ Đức cùng cụ ông và liệt sĩ Tường cho đến hôm nay. Ông Tâm luôn không coi đó là việc làm lớn lao mà đó là bổn phận của mình với đồng đội đã hy sinh. Ông chia sẻ: “Việc ấy là trách nhiệm của mình với đồng đội. Dù không có chế độ gì, tôi cũng vẫn làm. Đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn". Phần mộ của gia đình liệt sĩ Lê Văn Tường, được xây khang trang, sạch đẹp trong khu mộ của gia đình ông Tâm, bởi đã trở thành người một nhà.

Ông Tâm thắp hương thờ phụng gia đình liệt sĩ Lê Văn Tường.

Tiếp nối truyền thống

Trong ngôi nhà gỗ ấm cúng, chúng tôi cảm nhận được cả một truyền thống anh dũng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Những tấm bằng khen được treo trang trọng kín vách gỗ và trên chiếc tủ cũ kĩ. Với bà Nhận, đó là phần thưởng, những món quà tặng quý giá hơn rất nhiều vật chất. Còn với ông Tâm, đó là để con cháu nhìn vào mà sống, lao động, học tập cho tốt. Vậy nên, ông bà có 8 người con thì 4 người đi bộ đội, trong đó anh Nguyễn Đức Việt vừa chống Mỹ, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và bị thương năm 1979. Gia đình đang hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ thương binh cho anh. Ông Tâm luôn tâm niệm, dạy con “Những gì mình tự làm được, hãy cố làm. Và đã làm rồi thì đừng đòi hỏi chế độ, đòi hỏi được đền đáp”. Truyền thống ấy đang được thế hệ cháu, chắt của ông tiếp nối...

Nói về gia đình giàu truyền thống này, bà Đỗ Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên cho biết: “Những gia đình giàu truyền thống cách mạng không chỉ thể hiện trong kháng chiến, mà ngay trong hành động đầy tính nhân văn, đó là nuôi dưỡng, thờ phụng mẹ liệt sĩ như gia đình ông Tâm, quả thật rất đáng trân trọng và làm lan tỏa những điều tốt đẹp đến với xóm làng và thế hệ trẻ”.

Những câu chuyện như cổ tích ấy, khi được nghe, được thấy thì niềm tin, tình yêu và cả lý tưởng sống cao cả đã truyền sang chúng tôi một cách rất tự nhiên. Cuộc sống thật tươi đẹp!

Thanh Ba

Các tin khác

YBĐT- Tuy tệ nạn mại dâm tại Yên Bái không diễn biến phức tạp như một số địa phương khác nhưng vẫn tồn tại. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần giúp người dân có thêm thông tin, nhận thức đúng đắn về tệ nạn mại dâm là việc làm cấp thiết.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), trong đó kiến nghị đổi tên thành Luật Trẻ em. Tuần tới, Chính phủ sẽ họp Phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, trong đó có cho ý kiến về dự án Luật này.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đoàn công tác hát vang Quốc ca, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sáng 23/7, trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã hát vang Quốc ca, tưởng nhớ người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Mưa sẽ kéo dài liên tục từ chiều tối 23/7 tới ngày 27/7 ở miền Bắc. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ lũ quét ở các tỉnh vùng núi là rất lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục