Tin ở ngày mai

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/8/2013 | 2:54:30 PM

YBĐT - Đã từ nhiều năm nay, bà con dân phố tổ 57, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) vẫn thường nhắc đến chị Trần Thị Oanh, người phụ nữ chỉ còn một cánh tay nhưng ngày ngày vẫn miệt mài làm ra những chiếc bánh đã nuôi hai con nhỏ.

Chị Oanh kiểm tra sản phẩm bánh đa.
Chị Oanh kiểm tra sản phẩm bánh đa.

Chồng chất buồn đau

Chị Oanh sinh năm 1977 tại Ninh Bình trong một gia đình nghèo có bảy anh chị em. Sau một lần bỏng nặng, chị Oanh buộc phải cắt bỏ một cánh tay. Tuổi thơ của chị trôi qua không được yên bình như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Không được đến trường, năm lên tám tuổi, chị đã phải đỡ đần bố mẹ nhiều việc trong nhà.

Đến năm 19 tuổi, chị Oanh theo mẹ lên Yên Bái và ở nhờ nhà một người bà con để làm ăn sinh sống. Khó khăn, vất vả, chị Oanh đã phải bươn chải nhiều nghề để kiếm tiền giúp mẹ, khi thì muối dưa, muối cà, khi thì bán bánh rán vỉa hè.

 Sau đó, chị xây dựng gia đình với anh Trần Đức Hiệp. Những tưởng hạnh phúc đã mở ra khi có người đàn ông hiểu, cảm thông và quyết định xây dựng gia đình cùng chị. Hai vợ chồng tần tảo sớm hôm, chồng làm thợ xây, chị làm nội trợ vun vén cuộc sống gia đình. Tích cóp nguồn vốn và gia đình nội ngoại giúp đỡ, anh chị cũng mua được đất và xây được căn nhà cấp 4 để ở tại tổ 57, phố Tân Nghĩa, phường Minh Tân. Thế nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu…

Khi đứa con thứ nhất được 8 tuổi và cháu thứ hai vừa mới chào đời được 4 tháng thì người mẹ của chị qua đời sau một lần lâm bệnh nặng. Cùng lúc ấy, chồng chị bị mắc căn bệnh ung thư phổi. Một tay chị vừa chăm chồng vừa nuôi con lại lo toan cả kinh tế gia đình. Cuộc sống nghiệt ngã lại thử thách người phụ nữ bất hạnh. Năm 2011, chồng chị qua đời. Hạnh phúc dở dang, chị thực sự mất đi chỗ dựa vững chắc của đời mình. Giờ đây, với một cánh tay, chị Oanh trở thành trụ cột của gia đình với hai đứa con thơ dại.

Vượt khó mưu sinh

"Người ta vẫn thường nói "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay". Vậy mà tôi chỉ có một tay. Một gà mẹ "một cánh" nuôi hai con thơ" - chị Oanh nói vui với chúng tôi. Chị kể: "Lúc đầu, tôi đi bán bánh đa thuê rồi lân la học nghề làm bánh đa. Làm nghề này cũng khó lắm, khi mới bắt đầu tráng bánh cũng bị hỏng nhiều. Với quyết tâm tự học và phải có được một nghề ổn định để duy trì cuộc sống nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi cuối cùng mình cũng thành công và thạo nghề".

Làm bánh đa không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần nhất là sự khéo léo của đôi tay. Với người có đủ hai tay còn khó nhưng chỉ với một tay, chị đảm đương hết mọi việc. Từ việc chẻ nan, đan phên để phơi bánh đến việc ngâm gạo xay bột, rán bánh, tráng bánh. Hàng ngày, chị Oanh phải dậy từ 5 giờ sáng để xay bột và mỗi ngày làm việc nặng nhọc của chị chỉ kết thúc khi xay hết 25kg gạo và tráng được từ 200 đến 300 chiếc bánh đa, trừ mọi chi phí tiền lãi thu được trên 100.000 đồng.

Làm bánh đa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, một năm cũng chỉ duy trì được mấy tháng hè. Nếu ngày trời nắng thì tập trung phơi bánh từ sáng đến chiều, còn khi trời mưa thì phải thức cả đêm để sấy bánh. Bánh làm ra còn phải rán giòn, đóng sẵn vào túi ni lông để bán buôn cho khách. Bánh đa của chị làm ngon, có uy tín, nhiều mối làm ăn, khách đến tận nhà để cất hàng nên cũng đỡ phải gánh hàng đi bán rong.

Thương mẹ vất vả, cháu lớn Trần Thu Hiền 10 tuổi mới học lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi luôn chịu khó rèn luyện, học tập và năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Ngoài giờ đi học, cháu phụ giúp mẹ trông em, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, xếp bánh cho mẹ.

Nói về chị, ông Nguyễn Đức Hiền - Tổ trưởng tổ dân phố 57 nhận xét: "Hoàn cảnh gia đình chị Oanh rất khó khăn nhưng chị ấy đã nỗ lực vượt lên chính mình. Gia đình chị luôn chấp hành tốt mọi quy định của địa phương, bà con khu phố và các đoàn thể rất trân trọng chị bởi sự vươn lên trong cuộc sống".

Khát vọng ngày mai

Tình thương yêu của bà con lối xóm và khát vọng sống đã tiếp thêm nghị lực cho chị. Nhưng vẫn còn đó bao nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh mà chị đang phải đối mặt, nhất là khi những đứa con mỗi ngày một lớn cùng những khoản chi tiêu cho con ăn học ngày càng nhiều thêm.

Hàng ngày, chị vẫn tần tảo xay bột, tráng bánh. Chị làm việc quên cả nghỉ ngơi để có được những chiếc bánh và những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ sức lao động chân chính bỏ ra  để duy trì cuộc sống gia đình và nuôi hai con ăn học. Không trông chờ vào tiền trợ cấp xã hội, không ỷ lại là hộ nghèo, người phụ nữ nghị lực ấy đã nỗ lực vươn lên.

"Đời mình đã khổ rồi, tôi không muốn đời các con tôi khổ nữa. Điều quan trọng là phải tin vào bản thân mình, tin vào tương lai phía trước, khi còn sức khỏe là tôi còn cố gắng để kiếm tiền, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn và mong sau này các con sẽ thành đạt" - chị Oanh tâm sự.

Quỳnh Nga

Các tin khác

YBĐT - Anh Trang A Chu ở thôn Mù Cao, xã Bản Mù (Trạm Tấu) được nhiều người biết đến bởi không chỉ là một trưởng thôn năng động, gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ba em Hoàng, Kiên, Sơn (từ trái sang) bên ngầm tràn Gốc Sổ (nơi bé Sơn bị đuối nước).

YBĐT - Đó là hai em: Lưu Nhật Hoàng, học sinh lớp 6B, Trường Trung học cơ sở xã Mậu Đông và Phạm Trung Kiên - học sinh lớp 6C, Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên).

YBĐT - Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” những năm qua của Công đoàn cơ sở Sở Tài chính tỉnh Yên Bái đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ cơ quan trên nhiều lĩnh vực chuyên môn cũng như trong công tác xã hội và gia đình.

Tân thủ khoa Nguyễn Hải Linh bên góc học tập quen thuộc hàng ngày.

YBĐT - Nguyễn Hải Linh, cô nữ sinh lớp 12 chuyên Toán của Trường đã đỗ thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội với tổng điểm 29,5 - góp mặt trong 17 thủ khoa của trường đại học danh giá hàng đầu cả nước có cùng số điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục