Làm giàu từ tay trắng

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/8/2013 | 8:46:47 AM

YBĐT - Để có được cơ ngơi trị giá bạc tỷ như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động với biết bao vất vả của vợ chồng anh Đặng Văn Đính (người Dao) ở thôn 4 Vàng, xã Phúc Lợi (Lục Yên).

Anh Đính bên đồi rừng của gia đình.
Anh Đính bên đồi rừng của gia đình.

Mồ côi cha từ nhỏ, học hết lớp 5, Đính đã phải bỏ học để giúp vợ chồng anh chị lao động mưu sinh. Trưởng thành, xây dựng gia đình với cô gái cùng cảnh ngộ, cả hai đều chung một quyết tâm phấn đấu vượt qua đói nghèo. Năm 1995, ra ở riêng với hai đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh đưa con vào khu đất hoang rậm rạp gần ven hồ Thác Bà, cách trung tâm xã khoảng 5km dựng lều cải tạo từng mét vuông đất để mưu sinh.

Dưới khe đắp bờ, cuốc đất làm ruộng cấy lúa, xung quanh vợ chồng anh trồng sắn, khoai, chăn nuôi lợn, gà, vịt. Vừa chăm chỉ lao động lại biết tiết kiệm trong chi tiêu, dành dụm được ít vốn, anh mua 5 con dê giống về nuôi, sau vài năm đàn dê phát triển được trên 50 con, nhận thấy diện tích ruộng chằm lầy làm rất khổ mà năng suất lại thấp, anh bán hết đàn dê thuê người đắp bờ ngăn khe chuyển từ ruộng thành ao nuôi cá. Anh còn thuê lại từ Lâm trường trên 5ha đất đồi xung quanh trang trại để trồng rừng.

Qua vài vụ, nhận thấy giống cá mua lại từ các thương lái chất lượng không được đảm bảo, chậm lớn và hay bị bệnh, anh Đính đã tìm về tận Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mua cá giống đảm bảo khỏe mạnh, sinh trưởng tốt nên với hơn 1ha mặt nước ao, hàng năm đều cho thu trên 50 triệu đồng từ bán cá. Có vốn, anh nâng cấp chuồng nuôi lợn với quy mô 20 con trên lứa. Cùng với chọn con giống chất lượng, anh học cách bảo quản sắn để tận dụng phục vụ chăn nuôi quanh năm.

Hàng năm, vào mùa thu hoạch, anh đều để dành 2 tấn sắn tươi, nạo rồi mua ni lon về ủ kín lại để nấu cho lợn ăn, vừa giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp, lợn thịt vừa chất lượng, bình quân bán 3 lứa/năm. Với diện tích đồi rừng của mình, anh đầu tư mua giống keo lai, bồ đề, bạch đàn và quế về trồng, khi đã đến tuổi thu hoạch, anh chọn cách khai thác gối vụ, vừa tận dụng được cành, ngọn làm củi đun nấu trong sinh hoạt vừa có thu nhập đều cho các năm để đảm bảo sinh hoạt, nuôi con ăn học.

Năm 2012, sau khi khai thác một đồi được trên 100 triệu đồng, anh đầu tư thuê máy xúc mở được hơn 2km đường vào tận chân nương để phương tiện vào vận chuyển nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ những cố gắng trong nhiều năm qua, hiện nay tài sản của anh Đính ngoài những diện tích đồi rừng và trên 1ha mặt nước ao nuôi, còn có hai con trâu lấy sức kéo, anh cũng đã mua đất làm nhà đẹp ở ngoài trung tâm xã. Hàng năm, bình quân sau khi trừ chi phí, anh còn tiết kiệm được trên 100 triệu đồng/năm.

Nói về ý chí vươn lên trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của gia đình anh Đính, ông Ngô Văn Muộn - Phó chủ tịch UBND xã nhận xét: "Trước đây, gia đình anh Đặng Văn Đính là một trong những hộ gia đình đặc biệt khó khăn của xã, anh thì còn biết đọc biết viết, chứ vợ thì... Nhưng với sự năng động, nhạy bén trong tiếp thu và áp dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên trong cuộc sống..., hiện nay, anh Đính là một hội viên Hội Nông dân tiêu biểu ở xã. Nghị lực vươn lên của anh đã góp phần không nhỏ vào phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo chung của địa phương".

A Mua

Các tin khác

YBĐT - Vừa sáng ra, ông Trạch đã thấy cô em út tất tả chạy sang nhà, dáng vẻ thất thần, giọng hào hển:

Chị Oanh kiểm tra sản phẩm bánh đa.

YBĐT - Đã từ nhiều năm nay, bà con dân phố tổ 57, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) vẫn thường nhắc đến chị Trần Thị Oanh, người phụ nữ chỉ còn một cánh tay nhưng ngày ngày vẫn miệt mài làm ra những chiếc bánh đã nuôi hai con nhỏ.

YBĐT - Anh Trang A Chu ở thôn Mù Cao, xã Bản Mù (Trạm Tấu) được nhiều người biết đến bởi không chỉ là một trưởng thôn năng động, gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ba em Hoàng, Kiên, Sơn (từ trái sang) bên ngầm tràn Gốc Sổ (nơi bé Sơn bị đuối nước).

YBĐT - Đó là hai em: Lưu Nhật Hoàng, học sinh lớp 6B, Trường Trung học cơ sở xã Mậu Đông và Phạm Trung Kiên - học sinh lớp 6C, Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục